dd/mm/yyyy

"Lên hương" nhờ trồng quả đỏ trên đất ngập mặn

Năm 2011, ông Lê Hùng Dũng mua nhánh giống thanh long H14 ( nay đổi tên là giống Long Định 1) từ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam về trồng, sau đó ông tự chiết nhánh con trồng cho những lần tiếp theo. Hiện, ông Dũng đã trồng được 3.000 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích 3 ha, mỗi năm lãi hơn 1 tỉ đồng.

“Vùng đất ngập mặn mà trồng thanh thong ruột đỏ trúng “bể tay” là chuyện khó tin nhưng có thật. Chúng tôi đang chuẩn bị thành lập HTX thanh long ruột đỏ ngay trên xã Vĩnh Hải. Trong đó, công đầu thuộc về tỷ phú Lê Hùng Dũng”, ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) khẳng định.

Ông Lê Hùng Dũng giới thiệu giống thanh long H14 trong vườn của mình.
Ông Lê Hùng Dũng giới thiệu giống thanh long H14 trong vườn của mình.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao loại trái cây “đỏng đảnh” này thường xuất hiện ở những địa phương có nước ngọt quanh năm nhưng nay lại phát triển xanh tốt ở xã nước mặn Vĩnh Hải, TX Vĩnh Châu, chúng tôi được biết người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về đây là ông Lê Hùng Dũng, 63 tuổi ngụ ấp Huỳnh Kỳ.

Ông Dũng kể lại: “Hồi trước tui mua bán vật tư nông nghiệp tại Sóc Trăng sau đó về đây mua đất nuôi tôm nhưng thất bại liên tục, nợ nần rất nhiều. Được một người bạn tư vấn, tôi đã đến Tiền Giang và Long An để học hỏi cách trồng thanh long. Khó khăn lớn nhất là mình trồng thanh long trên vùng đất ngập mặn nên kỹ thuật phải khác rất nhiều so với trồng ở vùng nước ngọt...

Đất không phụ lòng người siêng năng, cần mẫn trồng thanh long ruột đỏ, với cách chăm bón rất mới, lạ, phù hợp trên vùng đất mặn, ngay từ năm đầu tiên thu hoạch ông đã lãi trên 1 tỉ đồng sau khi trừ hết chi phí đầu tư như phân, thuốc, nhân công. Thắng lợi lại tiếp nối thắng lợi, từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm ông thu lãi trên 1 tỉ đồng. Không chỉ có tiền tỉ từ việc trồng và bán trái thanh long, mỗi năm ông Dũng còn thu về trên 100 triệu đồng từ nguồn bán nhánh thanh long giống.

Thấy vườn thanh long ruột đỏ của ông Lê Hùng Dũng luôn trúng mùa, trúng giá, nhiều hộ dân xung quanh đã đến liên hệ mua thanh long giống về trồng và được ông đến tận vườn tư vấn kỹ thuật trồng thanh long, kinh nghiệm trồng thanh. Hiện nay đã có hàng chục hộ dân xã vùng mặn Vĩnh Hải trồng loại trái cây này trên diện tích 70 công đất với nguồn lãi từ 50-60 triệu đồng/công/ năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa, rau màu và các loại trái cây khác.

Ông Dũng cho hay, cần tận dụng tối đa mạch nước ngọt ngầm trong lòng đất để tưới cho thanh long sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Điều phấn khởi nhất là ông Dũng đã rất thành công khi cho thanh long ruột đỏ ra trái nghịch mùa. Dù mùa nghịch hay mùa thuận, vườn thanh long của ông Dũng vẫn đạt năng suất từ 40-50 tấn trái/ha, một con số quá hấp dẫn trên vùng đất ngập mặn như xã Vĩnh Hải.

Hiện nay ông Dũng đã trồng được 3.000 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích 3 ha ( 30.000 m2 ; giá mỗi trụ xi măng từ 80.000 đến 100.000 tùy thuộc lớn, nhỏ.

Theo ông Lê Hùng Dũng, thanh long vùng nước mặn như Vĩnh Hải có vị thơm, ngọt rất đặc trưng; màu sắc bóng láng dễ bắt mắt, vỏ mỏng, nên xuất khẩu rất dễ dàng hơn thanh long vùng nước ngọt. Tuy nhiên cần đề phòng bệnh đốm trắng rất nguy hiểm.

Anh Thư