dd/mm/yyyy

Lâm Đồng: Nuôi loài cá "tàu ngầm" kiểu độc lạ, tránh được thiên tai, giảm nhân công

Không cần nuôi cá tầm cạnh các con suối như cách làm truyền thống, anh Nguyễn Đình Hoàng (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) chọn cách nuôi cá tầm công nghệ cao tuần hoàn. Với cách làm này, anh Hoàng không sợ mưa lũ mà còn tiết kiệm được chi phí, nhân công.

Người tiên phong nuôi cá tầm công nghệ cao

Cuối tháng 3, phóng viên có cơ hội được tham quan mô hình nuôi cá tầm của anh Nguyễn Đình Hoàng. Trang trại 5ha của anh Nguyễn Đình Hoàng nằm cạnh khu rừng xanh tươi của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Chính vì vậy, nguồn nước nuôi cá tầm của trang trại luôn dồi dào, trong sạch, đảm bảo các tiêu chí nuôi cá nước lạnh.

Lý giải cho câu hỏi vì sao những bể nuôi cá tầm trong trang trại lại không nằm bên cạnh những con suối lớn như cách làm truyền thống, anh Hoàng cho biết: "Bể nuôi cá tầm của tôi làm hình tròn với đường kính bể từ 6-17,3m. Đối với bể nhỏ đường kính 6m sẽ có độ sâu nước từ 80-90cm, bể lớn có độ sâu 1,3-1,5m. Đáy bể được chúng tôi thiết kế lõm hình cầu để tối ưu hóa trong việc xử lý chất thải lẫn tạo môi trường để cá bơi theo vòng tuần hoàn. Cá sẽ bơi liên tục theo hình tròn nên chất lượng cá chắc chắn sẽ ngon hơn cá nuôi ở bể vuông".

Nguồn nước nuôi cá tầm tại trang trại vẫn được lấy từ các con suối trực tiếp dẫn về, thông qua hệ thống ống nhựa vào bể nuôi cá và hồ chứa nước dự trữ liên tục. Những hồ chứa nước được tận dụng triệt để vào mùa khô, đây cũng là ưu điểm trong nuôi cá tầm công nghệ cao của trang trại.

Nuôi cá tầm tuần hoàn tránh được thiên tai, giảm nhân công - Ảnh 1.

Ông Khuất Duy Vinh giới thiệu con cá tầm bố mẹ nặng khoảng 20kg. Ảnh: V.L

Với những bể cá có đường kính lớn, hệ thống thổi khí, sục khí hoạt động liên tục, anh Nguyễn Đình Hoàng có thể nuôi đến 6 tấn cá/bể. Vì vậy, sản lượng cá tầm mỗi năm của anh Hoàng lên đến 200 tấn. Trong năm 2022, lượng cá tầm xuất đi TP.HCM và Đà Lạt sẽ đạt tới 400 tấn.

Ông Khuất Duy Vinh - quản lý trang trại nuôi cá tầm công nghệ cao cho biết, vừa qua trang trại đã đầu tư hệ thống điện 3 pha về khu vực nuôi cá. 

Với phương pháp nuôi cá tầm công nghệ cao thì điện là rất quan trọng, giúp hệ thống sục khí, thổi khí, hút chất thải, báo động sự cố… giúp người quản lý biết, nhanh chóng khắc phục sự cố để không ảnh hưởng đến cá.

Đến nay, trong trang trại 5ha của anh Hoàng, 2ha mặt nước được nuôi cá tầm khép kín. 4 hồ chứa nước rộng hàng nghìn m2 luôn được đưa nước từ suối về, lắng đọng (tích trữ) và sau đó cung cấp liên tục, tuần hoàn đưa vào các bể nuôi cá. Chính vì nguồn nước sạch, thức ăn đảm bảo nên đàn cá phát triển khá nhanh và ổn định.

Nuôi cá tầm kiểu công nghệ cao, không lo thiên tai

Đưa phóng viên đi tham quan khu vực ấp trứng, nuôi cá tầm con, ông Vinh nhớ lại: "Năm 2017, tại Lâm Đồng, một số trang trại nuôi cá tầm bị nước lũ tràn về, cuốn trôi các hồ nuôi cá, công ty chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Khi đó, người nuôi cá tầm không thể làm gì được, thiệt hại gần như 100%. 

Trang trại chúng tôi hiện nay không làm bể, hồ nuôi cá cạnh các con suối nữa mà chỉ dẫn nước về. Cá sẽ được nuôi tập trung ở nơi bằng phẳng, không sợ mưa lũ vào mùa mưa, vẫn cung cấp đủ nước nuôi cá vào mùa khô thông qua các bể chưa nước".

Nuôi cá tầm tuần hoàn tránh được thiên tai, giảm nhân công - Ảnh 3.

Những hồ nuôi cá tầm hình tròn trong trang trại của anh Nguyễn Đình Hoàng luôn vận hành hệ thống thổi khí, sục khí, hút chất thải. Ảnh: V.L

Ông Vinh khẳng định, với cách làm trại nuôi cá tầm của anh Nguyễn Đình Hoàng thì tỷ lệ thiệt hại do thiên tai gần như như là 0%. Với những bể cá có đường kính lớn, hệ thống thổi khí, sục khí hoạt động liên tục, anh Nguyễn Đình Hoàng có thể nuôi đến 6 tấn cá/bể. Vì vậy, sản lượng cá tầm mỗi năm của anh Hoàng lên đến 200 tấn. Trong năm 2022, lượng cá tầm xuất đi TP.HCM và Đà Lạt sẽ đạt tới 400 tấn.

"Tâm của những bể nuôi cá tầm được lắp đặt hệ thống tự động hút chất thải của cá, thức ăn và những tạp chất khi nuôi cá với tần suất 8 lần/ngày, mỗi lần hút 15 phút nhằm đảm bảo nguồn nước nuôi cá tầm được sạch và đảm bảo cho cá phát triển. Hệ thống cảm biến tại camera của các hồ nước sẽ báo động nếu như có sự cố mất điện, sục khí, thổi khí bị hư hỏng. Khi đó bộ phận kỹ thuật sẽ xử lý, sửa chữa ngay để tránh gây thiệt hại" - ông Khuất Duy Vinh chia sẻ.

Đến nay, anh Nguyễn Đình Hoàng đã hoàn thiện và nuôi cá tầm trong 11 bể hình tròn, tiếp tục hoàn thiện 15 bể chứa khác để nâng cao sản lượng cá trong thời gian tiếp theo. Những con cá tầm nặng đến 30kg sẽ được nuôi tại bể riêng biệt để lấy trứng cung cấp con giống trong toàn bộ trang trại.

Sau đó, cá bột và cá thương phẩm có trọng lượng khác nhau sẽ được nuôi trong những bể khác nhau. Ông Vinh cũng cho hay, những hệ thống công nghệ cao trong trang trại giúp giảm được 80% nhân công so với cách làm truyền thống.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, trang trại nuôi cá tầm của anh Nguyễn Đình Hoàng và các doanh nghiệp khác đã chủ động đầu tư trang thiết bị sản xuất giống, nhập khẩu trứng giống điểm mắt về nuôi ấp nở, nuôi giống cá bột. 

Sản xuất giống cơ bản đáp ứng nhu cầu về con giống phục vụ cho việc nuôi cá tầm thương phẩm trên địa bàn tỉnh (với khoảng 1,5 - 2 triệu con giống/năm). Tuy nhiên, giá cả và thị trường tiêu thụ cá nước lạnh không ổn định.

Một số thời điểm cá tầm Trung Quốc vẫn được nhập vào Việt Nam và rất khó phân biệt với cá tầm Đà Lạt, vì vậy đã làm ảnh hưởng đến thị trường, giá cả sản phẩm cá nước lạnh. Hơn nữa, do vẫn chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt mưa lớn kéo theo lũ quét, nhiều ao hồ nuôi cá nước lạnh bị phá huỷ gây thiệt hại nặng về kinh tế do hầu hết diện tích nuôi cá nước lạnh đều xây dựng gần các dòng suối để tận dụng dòng nước chảy tự nhiên.


Văn Long