dd/mm/yyyy

Lai Châu: Nông dân Than Uyên khấm khá từ nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

Mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, nhiều hộ dân ở huyện Than Uyên (Lai Châu) đã "ăn nên làm ra", thu nhập cả trăm triệu đồng/năm từ bán cá thương phẩm các loại ra thị trường.

Đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

Nằm ở cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên được thiên nhiên ưu đãi hệ thống sông suối dày đặc. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 2 thủy điện lớn là Bản Chát, Huội Quảng với hai hồ chứa nước rộng lớn, mở ra cơ hội cho nghề nuôi trồng thủy sản của huyện phát triển.

Những năm gần đây, tận dụng lợi thế về mặt nước của 2 hồ chứa thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, nhiều hộ dân vùng lòng hồ đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng.

Lai Châu: Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, nông dân Than Uyên khấm khá - Ảnh 1.

Huyện Than Uyên quan tâm phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Đỗ Ngọc Tú – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên, cho biết: Vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở Than Uyên phát triển khá mạnh. Đặc biệt là nhiều hộ dân trên địa bàn huyện, đã có sự thay đổi về tư duy nuôi cá lồng. Thay vì chỉ nuôi những loại cá truyền thống (rô phi, trắm, chép…) như trước, thì người dân đã chuyển dần sang nuôi cá đặc sản theo xu hướng thị trường, như cá lăng, cá chiên... Thu nhập của các hộ dân nuôi cá lồng cũng nhờ đó mà tăng lên rõ rệt.

Theo ông Tú, sở dĩ nghề nuôi cá lồng trên địa bàn huyện phát triển mạnh như vậy là nhờ có "chất xúc tác" từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Lai Châu. Được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, nhiều hộ dân ở các xã vùng lòng hồ thủy điện, mạnh dạn đăng ký nuôi cá lồng.

Lai Châu: Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, nông dân Than Uyên khấm khá - Ảnh 2.

Tận dụng lợi thế mặt nước, nhiều hộ dân ở Than Uyên mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Mấy năm gần đây, huyện Than Uyên hỗ trợ người dân nuôi cá lồng theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu. Đây là hỗ trợ sau đầu tư, tức là trên cơ sở đăng ký, các hộ dân đầu tư làm lồng nuôi cá theo các tiêu chuẩn đề ra. Sau đó, cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành nghiệm thu, nếu đảm bảo các quy định thì mới hỗ trợ kinh phí.

Nhờ có chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 07 mà lồng nuôi cá được các hộ dân đầu tư kiên cố hơn. Nếu không có chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 07 thì nghề nuôi cá lồng ở Than Uyên sẽ không phát triển mạnh như hiện nay" – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên thông tin.

Lai Châu: Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, nông dân Than Uyên khấm khá - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân ở Than Uyên đầu tư nuôi cá đặc sản trên lòng hồ theo xu hướng của thị trường. (Ảnh: Thanh Ngân)

Hiện, toàn huyện Than Uyên có hơn 1000 lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Bản Chát, Huội Quảng, tập trung ở các xã vùng lòng hồ như: Khoen On, Ta Gia, Mường Kim, Mường Cang…

"Ăn nên làm ra" từ nghề nuôi cá lồng

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng của Hợp tác xã dịch vụ Tuân Anh, ở bản Nam (Ta Gia, Than Uyên, Lai Châu), ông Tú cho hay: Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Tuân Anh là anh Đỗ Danh Tuân. Anh Tuân là một trong những người tiên phong trong việc chuyển từ nuôi các loại cá truyền thống sang nuôi cá đặc sản theo xu thế thị trường.

Trò chuyện với phóng viên, anh Tuân vui vẻ cho biết: "Tôi nuôi cá lồng từ năm 2021. Lúc đầu chỉ có 6 lồng nuôi, đến nay tôi đã phát triển lên 25 lồng. Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ làm 15 lồng cá, với mức hỗ trợ 50% chi phí làm lồng. Năm đầu tiên nuôi cá lồng, do thiếu kinh nghiệm và kĩ thuật nên tôi gặp thất bại. Sau đó tôi đầu tư làm lồng kiên cố hơn và chủ yếu nuôi các loại cá đặc sản như: Lăng, quất, chiên… Được cho ăn đầy đủ dinh dưỡng và phòng bệnh tốt, cá lồng của giai đình tôi phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình tôi thu gần 1 tỷ đồng từ bán các loại cá đặc sản ra thị trường".

Lai Châu: Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, nông dân Than Uyên khấm khá - Ảnh 4.

Anh Đỗ Danh Tuân, ở bản Nam (Ta Gia, Than Uyên) có thu nhập khá từ nghê nuôi cá lồng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo anh Tuân, huyện Than Uyên có lợi thế về mặt nước, phù hợp cho phát triển nghề nuôi cá lồng. Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường về các loại cá đặc sản, thì việc tìm kiếm đầu ra không mấy khó khăn. Cá đặc sản của gia đình anh Tuân thu đến đâu bán hết đến đó.

Tương tự như anh Tuân, nhiều hộ dân khác ở Than Uyên cũng "ăn nên làm ra" từ nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Điển hình như Hợp tác xã Thanh niên Thẩm Phé, ở bản Thẩm Phé (Mường Kim, Than Uyên) do chị Lò Thị Dung làm Giám đốc, cũng có thu nhập khá từ nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bản Chát. Với tổng số 60 lồng nuôi, thu nhập, đời sống của 11 gia đình thành viên trong Hợp tác xã Thanh niên Thẩm Phé không ngừng cải thiện, nâng cao. 

Thời gian tới, huyện Than Uyên tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, tạo ra một sản phẩm chủ lực mới cho huyện và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thanh Ngân