dd/mm/yyyy

Lai Châu: Bước chuyển giáo dục ở vùng khó Sìn Hồ

Trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, học sinh nô nức đến trường, các bậc phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình nhiều hơn... đó là những minh chứng cho sự chuyển biến tích cực trong sự nghiệp giáo dục ở vùng khó Sìn Hồ (Lai Châu).

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Ngô Hoàng Thái – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, cho biết: Sìn Hồ là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại còn nhiều trở ngại... gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp “trồng người” trên địa bàn huyện.

 Chất lượng giáo dục ở vùng khó Sìn Hồ từng bước được nâng lên.

“Nâng cao chất lượng giáo dục từng là “bài toán khó” đối với ngành giáo dục Sìn Hồ. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, giáo viên toàn ngành, những khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, sỹ số học sinh... dần được tháo gỡ” – ông Thái cho hay.

Cũng theo ông Thái, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn 18 xã vùng khó của huyện Sìn Hồ đã được đầu tư trường lớp học, nhà công vụ, nhà ở bán trú cho học sinh. Những lớp học tạm bợ trước đây đã dần được thay thế bằng những phòng học khang trang, đầy đủ thiết bị dạy học. Trường lớp được đầu tư kiên cố không chỉ tạo tâm lý yên tâm cho các thầy cô giáo mà còn tạo cho học sinh cảm giác vui vẻ khi đến trường.

Cùng với việc tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học vùng khó, Phòng Giáo dục và Đào tạo Sìn Hồ đã chỉ đạo các trường học trong huyện xây dựng và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Việc huy động học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần được các trường học trong huyện chú trọng thực hiện.

 Không chỉ được học chữ, học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú còn được hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc rau xanh.

Trước đây, mỗi dịp đầu hè hay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, tình trạng học sinh lười lên lớp phổ biến tại hầu khắp các trường học trên địa bàn huyện. Nhưng giờ đây đã khác, sau các kỳ nghỉ, học sinh lại nô nức tới trường. Việc vận động học sinh ra lớp không chỉ phó mặc cho giáo viên mà đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương.

Ông Sùng A Dờ - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn (Sìn Hồ) cho biết: Những năm gần đây, Ban phổ cập giáo dục của xã đã tích cực phối hợp cùng nhà trường trong việc duy trì sỹ số học sinh. Cùng với đó, thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã cũng phân công các đồng chí lãnh đạo xã phụ trách những bản còn khó khăn trong huy động học sinh tới lớp. Với sự vào cuộc sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo những chuyển biến tích cực trong giáo dục.

Để học sinh thêm gắn bó với trường lớp, bản thân ngành giáo dục huyện Sìn Hồ đã đưa nhiều giải pháp đồng bộ và đã phát huy hiệu quả. Các đơn vị trường học đã đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, tăng cường các hoạt động ngoại khóa bổ ích, thu hút học sinh. Các trường bán trú cũng chú trọng tới công tác nuôi dưỡng, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ. Các tiết học cũng được thiết kế phù hợp với vùng miền, lượng kiến thức vừa phải, nhiều giáo cụ trực quan đã thu hút và tạo sự hứng thú cho học sinh học tập. Ý thức học tập của học sinh nâng cao, giúp nhà trường thuận lợi hơn trong việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

 Tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học ở huyện Sìn Hồ đã giảm hẳn.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ thường xuyên đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục. Phòng Giáo dục huyện cũng mở các  lớp chuyên đề nhằm nầng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học. Qua đó, giúp giáo viên nắm vững các quy trình dạy học, xác định mục tiêu, xây dựng nội dung chương trình, lập kế hoạch dạy học, biên soạn tài liệu đánh giá và tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, lấy người học làm trung tâm và kết quả đầu ra làm tiêu chí đánh giá.

Thầy Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu phó Trường THCS Lùng Thàng (xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ) cho biết: Trong quá trình dạy học, nhà trường luôn chú trọng củng cố kiến thức cho học sinh. Vào đầu mỗi học kỳ, nhà trường thường tổ chức cho học sinh ôn luyện từ 1 – 2 tuần, sau đó mới tổ chức dạy kiến thức mới. Nhờ đó, chất lượng dạy học của nhà trường từng bước được nâng cao, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt hơn 30%, không có học sinh yếu kém. “Những cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục được các nhà trường chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng linh hoạt, sáng tạo. Từ đó tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục của toàn huyện, tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng nâng cao, góp phần mang đến những tín hiệu vui của toàn ngành” – ông Thái nhấn mạnh.

Thanh Văn