Nho cảnh được chiết ghép từ các vườn phục vụ thị trường Tết
Ninh Thuận là “thủ phủ” nho với diện tích khoảng 1.200ha. Ngoài việc sản xuất để bán trái ăn tươi, người dân còn tận dụng sản phẩm chế biến mật nho và rượu nho. Những năm gần đây nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, nhiều hộ đã đưa cây nho vào chậu cảnh.
Để tạo ra những chậu nho cảnh có thế đứng vững chãi, cành lá sum xuê, có chồi, quả xanh, lẫn quả chín đỏ, họ phải chọn những gốc già, sau đó cắt còn 50 - 80cm rồi ươm cho ra cành mới hoặc áp dụng phương pháp chiết cành để tạo ra các chậu nho cảnh theo ý muốn.
Ưu điểm của phương pháp chiết cành là tiết kiệm được nhiều thời gian chăm sóc và chi phí đầu tư. Khi cây ra 3 - 4 cành, mỗi cành dài 50 - 60cm sẽ cho hoa và trái rồi chăm sóc cẩn thận “canh” trái chín đúng dịp tết.
Nhiều hộ gia đình kiếm hàng chục triệu đồng từ bán nho cảnh dịp Tết
Anh Nguyễn Quốc Vui ở thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) đi tiên phong tạo nho cảnh cho biết, ý tưởng đưa nho vào chậu phục vụ dịp tết được anh nghĩ đến khi tình cờ phát hiện những chậu ổi và cây chanh thấp lè tè được chiết ghép cho trái sum xuê, được thị trường ưa chuộng, bán giá rất cao tại Bến Tre.
Từ đó, năm 2015 anh bắt đầu thử nghiệm chiết ghép trên vườn nho nhà mình và tung ra thị trường 3.000 chậu nho cảnh vào đúng dịp tết. Nhờ kiểu dáng “độc và lạ” nên được người chơi tiêu thụ mạnh. Vì vậy trong 2 năm liền sản phẩm nho cảnh của gia đình anh tạo ra đều bán cháy hàng.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn nho, anh Vui cho biết thêm, nho cảnh có ưu điểm chơi được lâu hơn so với quất, đào nếu được chăm sóc tốt. Sau khi hết tết người chơi có thể bứng cây ra trồng vào vườn nhà hoặc trồng vào đất để leo giàn lấy quả. Từ khi bén duyên với nghề trồng nho cảnh, mỗi tháng sau khi trừ chi phí anh Vui đúi túi khoảng 15 triệu đồng.