Tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trao quyết định huyện Mỹ Hào, Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó thủ tướng định hướng phát triển sản vật tiến vua
Khẳng định cùng với Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2018, Hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và nông sản là một trong những biện pháp thiết thực để có giải pháp căn cơ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ: Hưng Yên không chỉ là vùng đất văn hiến sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt,… mà còn là nơi nổi tiếng về sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó nổi bật là quả nhãn lồng - từ xưa đã là sản vật tiến vua. Người ta ví Hưng Yên như “thủ đô” của cây nhãn và nhãn lồng Hưng Yên là “vua” của loài nhãn: “Dù ai buôn Bắc bán Đông/ Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”.
Vì vậy, để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nhãn lồng cũng như các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh được thuận lợi, Phó thủ tướng lưu ý tỉnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm ổn định về chất lượng, đủ lớn về số lượng cho các hợp đồng lớn, thị trường lớn với các sản phẩm chủ lực có thương hiệu như: Cam và các loại cây có múi (quýt, bưởi...), chuối tiêu hồng, vải lai u, vải trứng, nghệ, gạo... đặc biệt là quả nhãn lồng được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, được cấp mã số xuất khẩu (sang thị trường Mỹ), giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất hợp lý, bám sát nhu cầu của thị trường; tránh phát triển phong trào, thiếu kiểm soát, mất cân bằng cung cầu; cùng với đó là quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, tỉnh cần có quy hoạch, kế hoạch tổng thể phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công nghệ bảo quản sau thu hoạch,...
Phải khẳng định nhãn được mùa, được cả giá
Năm nay, tổng sản lượng xuất khẩu nông sản ước đạt 40 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng trái cây từ nay đến cuối năm ước đạt 3,5 tỉ USD, vượt xa dầu thô, Phó thủ tướng cho biết và đặt quyết tâm cho tỉnh: “Phải khẳng định được mùa mà không rớt giá, được mùa, phải được cả giá”, “không được để 1 cân nhãn nào của bà con không bán được, không được để 1 cân nhãn nào của bà con phải bán rẻ so với giá trị thực”.
Theo Phó thủ tướng, làm tốt điều này không chỉ có lợi cho người nông dân mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong, ngoài nước cũng được lợi nhờ có giá cả hợp lý, chất lượng sản phẩm đảm bảo.
Phó thủ tướng cũng chỉ rõ: Nhãn lồng đã được cấp chứng nhận về sở hữu trí tuệ, nên phải coi đây là tài sản quý phải bảo vệ, tuyên truyền cho người dân nhận thức về điều này, bản thân người dân phải làm thực và đấu tranh để không ai lợi dụng chuyện này, làm rối loạn thị trường, tổn hại nghiêm trọng đến thương hiệu.
Ông nhấn mạnh: “Gần đây có thông tin một số bà con ngâm lưu huỳnh vào quả nhãn. Thông tin như vậy rất độc hại, thiếu trách nhiệm. Chúng ta phải đấu tranh, kể cả biện pháp pháp lý, không thể nói tùy tiện thế được... Người nông dân Hưng Yên, chính quyền Hưng Yên không được lợi ích gì trong việc đó, bởi làm thế là tự sát, thực tế không ai làm thế”.
Cũng tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu đã chứng kiến các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân, nhà vườn ký văn bản, hợp đồng cam kết tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng.
Phó thủ tướng cũng đã trao bằng quyết định chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Mỹ Hào - huyện đầu tiên của tỉnh Hưng Yên và là huyện thứ 54 của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhãn VietGap được bao tiêu ngay từ đầu vụ
Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên, năm 2018, diện tích trồng nhãn trên địa bàn tỉnh khoảng 4.340 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 3.820 ha, sản lượng đạt trên 40.000 tấn.
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đến nay, nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn, chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội và TP.HCM.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục mở rộng, phát triển các thị trường mới có tiềm năng đưa nhãn lồng Hưng Yên tới phục vụ người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Về xuất khẩu, Trung Quốc được xác định là thị trường trọng tâm. Phần lớn nhãn tươi xuất khẩu tiêu thụ tại thị trường này. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục kết nối, quảng bá và thâm nhập mạnh mẽ hơn vào vào các thị trường đã giới thiệu thành công như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng chú trọng phát triển một số mặt hàng nông sản chủ lực khác như: Cam và các loại cây có múi (2.600 ha với sản lượng ước đạt 57.200 tấn), chuối tiêu hồng (khoảng 2.000 ha, năm 2018 sản lượng khoảng 47.500 tấn); vải lai u, vải trứng (tổng diện tích cho thu hái năm 2018 khoảng 950 ha, sản lượng khoảng 11.000 tấn); sản lượng nghệ (tổng diện tích trên 200ha, sản lượng khoảng 7.000 tấn)...
Ngoài các loại sản phẩm chủ lực, tỉnh Hưng Yên còn có hàng chục loại sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: Rau củ sạch, cây dược liệu, các sản phẩm từ nhãn (mật ong nhãn, phấn hoa nhãn, long nhãn), hạt sen, sản phẩm mây tre đan, miến dong, tương bần, mộc mỹ nghệ, đúc đồng, chạm bạc… đã khẳng định được vị thế trên thị trường, đang được đầu tư phát triển.
Người Trung Quốc ưa thích nhãn Hưng Yên danh tiếng
Tại hội nghị, Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm cho biết, năm 2017 nước này nhập trái cây của Việt Nam với giá trị khoảng 700 triệu USD. Việt Nam hiện là nguồn cung lớn nhất của Trung Quốc về dưa hấu, vải, thanh long…
Riêng mặt hàng nhãn, năm 2017, giá trị nhập khẩu là 190 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu nhãn đứng thứ 2 vào Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan.
Ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định nhãn Hưng Yên có chất lượng tốt, có danh tiếng và được người Trung Quốc ưa thích. Để giải quyết tình trạng hàng trái cây ùn tắc ở cửa khẩu trong mùa, tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (nơi có cửa khẩu nhập khẩu trái cây từ Việt Nam) đã xây dựng tuyến đường xanh chuyên chở hàng nông sản Việt Nam, kéo dài thời gian thông quan, mở rộng diện tích kho bãi cửa khẩu tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng nông sản.
Đại sứ quán Trung Quốc sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước; phát huy tốt vai trò cầu nối, cung cấp thông tin và hạ tầng cho giao dịch trái cây và hàng nông sản; khuyến khích, dẫn dắt doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và chế biến nông sản, xúc tiến sản phẩm nông sản đặc sắc của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường nội địa của Trung Quốc…
Tại hội nghị, đại diện các siêu thị và hiệp hội ngành hàng đều khẳng định sẽ phối hợp với tỉnh Hưng Yên trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản nói chung và mặt hàng nhãn lồng nói riêng.