Năm 2011, huyện Phú Lương bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, một số tiến độ thực hiện một số tiêu chí, nhưng trong năm 2018, huyện Phú Lương đã nỗ lực và thực hiện tích cực chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp đồng bộ. Nhờ đó mà, bộ mặt nông thôn mới của huyện đã có nhiều khởi sắc đời sống nhân dân được nâng cao. Nông thôn mới đã thổi một luồng gió mới, làm thay da đổi thịt cả một vùng quê.
Tập trung phát triển cây chè mũi nhọn
Với vị trí địa lý thuận lợi Huyện Phú Lương nằm ở cửa ngõ phía bắc, là vùng chè nguyên liệu nổi tiếng có diện tích chè đứng thứ hai tỉnh Thái Nguyên. Từ lâu trà Phú Lương được coi là đặc sản bởi hương vị thơm tự nhiên. Hiện nay toàn huyện có diện tích chè kinh doanh 3.900ha, chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 160 ha; có 39 làng nghề chè, 36 HTX, 9 Tổ hợp tác được chứng thực hợp đồng hợp tác theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP và 40 trang trại được cấp giấy chứng nhận trang trại.
Sản xuất chè chủ yếu ở các vùng Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc, với tổng diện tích đất trồng chè lên đến 4.014ha, mỗi năm cho sản lượng hơn 8.000 tấn chè búp khô cung cấp cho thị trường trong nước và ngoài nước. Nhờ hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả, các sản phẩm chè Khe Cốc không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà sản phẩm của Khe Cốc còn hướng đến xuất khẩu sang nhiều nước với quy mô lớn.
Vùng Chè Khe Cốc thuộc xã Tức Tranh, huyện Phú Lương từ lâu đã nổi tiếng bởi độ nồng đượm được trồng trên đất sạch kiềm và uống dòng nước trong mát từ khe suối nguồn của con sông Cầu. Vùng chè Khe Cốc có trên 300ha với chất lượng chè hảo hạng. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, những năm qua Huyện Phú Lương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển cây chè.
Huyện Phú Lương đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các hồ đập, trạm bơm kênh mương phục vụ tốt cho sản xuất. Đặc biệt, là công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân trong trồng chăm sóc cây chè hữu cơ, đồng thời triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý từ khâu sản xuất chế biến đến khâu tiêu thụ.
Với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, một vùng chè hữu cơ với giá trị kinh tế cao đang dần hình thành tại lõi của vùng chè Khe Cốc. Cây chè đã thực sự trở thành “cây làm giàu” cho nhiều người làm chè, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ câu giống cây trồng trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tức Tranh nói riêng và huyện Phú Lương nói chung.
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, một số tiến độ thực hiện một số tiêu chí, nhưng trong năm 2018, huyện Phú Lương đã nỗ lực và thực hiện tích cực chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp đồng bộ. Nếu soi vào 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Thái Nguyên về xây dựng nông thôn mới, đến nay nhiều xã trong Huyện còn chưa đạt nhiều tiêu chí.
Nguyên nhân các tiêu chí đạt thấp là do, xã có diện tích tự nhiên lớn, hạ tầng nông thôn còn thiếu thốn, tỉ lệ hộ nghèo cao, kéo theo nhiều tiêu chí khó đạt như tiêu chí nhà văn hóa thôn xóm, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung cũng như được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để từng bước tháo gỡ khó khăn huyện Phú Lương đã tập trung toàn tâm toàn lực cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung sản xuất cây trồng mũi nhọn, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Cùng với việc huy động các nguồn vốn và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới, gắn lợi ích của người dân với xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Lương đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền để tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Phú Lương trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong huyện đã tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện các tiêu chí.
Năm 2018 kết quả thẩm định xã đạt chuẩn NTM tại xã Hợp Thành đạt 99,45/100. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến nay xã Hợp Thành đã huy động 32,443 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, kết thúc năm 2018 xã đã đạt 19/19 tiêu chí (tăng 12 tiêu chí so với năm 2011), cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng như: trường học, trạm y tế điện, các công trình thủy lợi, đặc biệt là đường giao thông nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong xã thúc đẩy kinh tế nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 32,180.000 đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững năm 2018 còn 9,49%.
Như vậy kể từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, diện mạo nông thôn Phú Lương có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Kết quả này là sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của nhân dân. Nhiều xã đã xây dựng khu trung tâm xã khang trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư khá đồng bộ. Song song với đó, kinh tế nông thôn tập trung xây dựng theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến, chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được nâng lên. Hệ thống an sinh xã hội được quan tâm đúng mức; an ninh, trật tự xã hội cơ bản ổn định và giữ vững.
Từ chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Lương đã góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa mũi nhọn, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đặc biệt là làm giàu từ sản xuất chế biến cây chè mũi nhọn, tạo đà phát triển kinh tế cũng như đẩy mạnh mục tiêu có thêm nhiều xã về đích xây dựng nông thôn mới. Với việc coi trọng yếu tố sản xuất, lấy sản xuất là cốt lõi để hướng tới thành công trong xây dựng nông thôn mới, tin rằng, Phú Lương sẽ cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020 như kế hoạch đề ra.