Bình quân toàn huyện đạt 17,1 tiêu chí NTM/xã
Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có buổi làm việc tại huyện Cẩm Thủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2021, việc triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng NTM và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện này.
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và các thành viên trong đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu cách ly tập trung số 2 của huyện Cẩm Thủy (đặt tại khu công sở cũ của xã Cẩm Sơn, nay thuộc thị trấn Phong Sơn); thăm, kiểm tra hoạt động của nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước (đóng trên địa bàn xã Cẩm Tú).
Tại đây, ông Đỗ Trọng Hưng ghi nhận, biểu dương các lực lượng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần vào kết quả phòng, chống dịch của tỉnh Thanh Hóa nói chung khi trong thời gian qua trên địa bàn chưa có ca lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, yêu cầu huyện Cẩm Thủy không chủ quan, lơ là, kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ xâm nhập dịch bệnh vào địa bàn, giữ vững huyện Cẩm Thủy đảm bảo "vùng xanh" an toàn.
Đối với những kiến nghị của Công ty An Phước về những khó khăn liên quan đến vùng nguyên liệu và đảm bảo điện sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định tỉnh và các địa phương sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng phối hợp để tháo gỡ, khắc phục các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà máy hoạt động ổn định và hiệu quả.
Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Thủy tại buổi làm việc, hiện huyện này đã có 12/27 chỉ tiêu theo nghị quyết năm 2021 đạt và vượt kế hoạch, kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế tăng cao so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cũng được quan tâm chỉ đạo, đến nay bình quân toàn huyện đã đạt 17,1 tiêu chí/xã. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ, chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, huyện Cẩm Thủy cũng triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; chủ động triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường, đảm phù hợp với tình hình diễn biến tại địa phương.
Huyện Cẩm Thủy đề xuất các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, về việc thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới... Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, huyện này đề nghị được quan tâm hỗ trợ phân bổ thêm vắc xin và test nhanh kháng nguyên để huyện đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, chủ động ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện đạt chuẩn NTM
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng biểu dương và chúc mừng những thành tích mà huyện Cẩm Thủy đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như XDNTM những năm qua.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 trở thành huyện NTM cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, cụ thể hơn. Đánh giá kỹ các tiềm năng, thế mạnh cũng như những tồn tại, hạn chế; tranh thủ thời cơ, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.
Đồng thời, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả "Mục tiêu kép", vừa chủ động, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Những năm tới, huyện Cẩm Thủy cần xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo. Vì vậy, phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để từng bước sắp xếp lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, với các sản phẩm có lợi thế như: cây lương thực cây lúa, ngô; cây công nghiệp như cây gai xanh, cây thức ăn chăn nuôi, cây gỗ lớn, cây dược liệu…
Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hình thành cánh đồng sản xuất lớn, chuyển cây trồng năng suất thấp sang các cây trồng có giá trị cao hơn. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy hình thành liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.
Đối với chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng kết hợp chăn nuôi nông hộ, trang trại, gia trại theo mô hình tổng hợp nhưng phải gắn với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường…