Ngày 18/6, tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Sơn La, đã diễn ra Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF)”.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch Châu Á; đại diện Trung tâm Con người và Thiên Nhiên; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện UBND, Hội Nông dân các huyện, các xã và Trưởng bản, Chi Hội trưởng Hội Nông dân triển khai dự án; các đồng chí Thường trực, lãnh đạo Văn phòng, các Ban, Trung tâm thuộc Hội Nông dân tỉnh.
Tổng nguồn vốn của dự án: 86.700 USD tương đương 1.739 triệu đồng (100% vốn viện trợ). Thời gian thực hiện dự án từ tháng 5/2019 đến 31/12/2021. Dự án được triển khai tại 4 bản thuộc 4 xã của 4 huyện, gồm: Bản Phé A (xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu); bản Nà Si (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn); bản Nà Khái (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu); bản Thín (xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ).
Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 3 bên (Hội Nông dân tỉnh Sơn La, ADDA, PanNature) về việc triển khai dự án VOF tại Sơn La.
Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF)” do Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (Agricultural Development Denmark Asia (ADDA)) tài trợ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 1883-QĐ/UBND ngày 23/5/2019.
Dự án (VOF) được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của ADDA và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) từ dự án trước đây “Biến đổi khí hậu và người dân tộc thiểu số tại miền Bắc Việt Nam (CEMI)”, được tài trợ bởi Quỹ Khí hậu và Môi trường đã thực hiện thành công từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2017.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Cầm Văn Minh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Việc phát triển dự án VOF dựa trên bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện cũng như kết quả đánh giá khách quan dự án CEMI được đưa vào một cách tích cực trong dự án mới này. Chiến lược là để đảm bảo việc cải thiện điều kiện sống, sự thay đổi tích cực đối với việc tham gia và đảm bảo các cơ hội công bằng cho cộng đồng người dân tộc thiểu số tại vùng Tây Bắc Việt Nam.
Mục tiêu phát triển tổng thể của dự án là tăng khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương thông qua thúc đẩy mô hình nông nghiệp thông minh phù hợp với khí hậu và sự tham gia của các hộ vào quá trình ra quyết định về phát triển nông nghiệp ở địa phương.
Sau khi nghe ông Nguyễn Ngọc Hưng – Phó Trưởng đại diện ADDA tại Việt Nam giới thiệu tổng quan về dự án và ông Nguyễn Đức Tố Lưu – Trưởng phòng Quản trị Tài nguyên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên giới thiệu Mô hình cộng đồng nông dân ứng phó biến đổi khí hậu. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến tập trung và nhiều nội dung như: Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác các mô hình sản xuất nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu tại cơ sở; lựa chọn cây, con giống phù hợp, hiệu quả với người nông dân ở vùng biến đổi khí hậu; xác định các bản nằm trong vùng dự án, người nông dân cần gì, ở vùng đó có những dạng thiên tai như thế nào; tập huấn được kiến thức phòng, chống các dạng thiên tai…
Tại Hội thảo đã diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 3 bên (Hội Nông dân tỉnh Sơn La, ADDA, PanNature) về việc triển khai dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF)” trên địa bàn tỉnh Sơn La.