Cô Trương Thị Phương Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Suối Hoa cho biết: Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, trường Tiểu học Suối Hoa có nhiều hoạt động thiết thực giúp học sinh khám phá, gần gũi hơn với các di tích văn hóa, lịch sử và các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 63/2011/QĐ-UBND về việc dạy hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các trường học, trường Tiểu học Suối Hoa có nhiều hoạt động hưởng ứng kế hoạch của tỉnh cũng như của Phòng Giáo dục - Đào tạo Thành phố thực hiện đề án như: Mời nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Bàn về trường nói chuyện và truyền dạy quan họ cho học sinh khối 3, 4 và 5; thành lập Câu lạc bộ Quan họ măng non thu hút nhiều giáo viên và học sinh tham gia; duy trì đều đặn các giờ học Quan họ cho 100% học sinh khối 4,5 (có thời khóa biểu, lịch dạy và học cụ thể); tổ chức thăm quan, tìm hiểu về Di sản Dân ca Quan họ, tập tục, trang phục, bữa cơm của người Quan họ… tại làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).
Sau quá trình học và tìm hiểu về Dân ca Quan họ Bắc Ninh, các em nắm được một số hiểu biết cơ bản về di sản văn hóa phi vật thể này. Nhiều em thể hiện rõ năng khiếu hát Quan họ và tham gia vào các chương trình văn nghệ, biểu diễn và các cuộc thi hát Quan họ cấp trường, cấp thành phố...
Ngoài việc giới thiệu về các danh lam thắng cảnh và di tích qua các tiết học trên lớp theo các chủ điểm về quê hương đất nước, hàng năm trường Tiểu học Suối Hoa tổ chức cho học sinh đi thực tế tại làng nghề gốm Phù Lãng (Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành)... để các em có cơ hội được trực tiếp tham gia thực hành, trải nghiệm các bước hoàn thiện một tác phẩm gốm, một bức tranh dân gian Đông Hồ, qua đó phát huy khả năng tư duy, sáng tạo; thăm và tìm hiểu di tích lịch sử như: chùa Bút Tháp, chùa Dâu (Thuận Thành), Đền Đô (Từ Sơn), Văn Miếu Bắc Ninh, Thành Cổ Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh… Từ các hoạt động này, các em có thêm kiến thức biết về di tích lịch sử, làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh, trân quý hơn những di sản không địa phương nào có được.
Em Nguyễn Thảo Nhi, học sinh lớp 4A6 trường Tiểu học Suối Hoa hào hứng: “Tham gia tìm hiểu về Di sản Bắc Ninh giúp em có thêm trải nghiệm và kiến thức quý báu. Những khi đến các làng nghề, em thấy rất thú vị và khâm phục khả năng sáng tạo cũng như sự khéo tay của các nghệ nhân. Còn khi đến Bảo tàng Bắc Ninh chúng em được tìm hiểu nhiều hơn về những trận chiến vang dội, về một thời kỳ chiến đấu hào hùng của ông cha. Nhờ vậy mà những bài lịch sử trên lớp không còn quá khô khan và mỗi chúng em càng thêm yêu và tự hào về quê hương Bắc Ninh”.
Những bài học mà các em thu nhận được từ những trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ đọng lại trong trái tim của các em. Sử dụng di sản vào dạy học chính là cách tiếp cận mới giúp học sinh tự lĩnh hội kiến thức, phát triển toàn diện. Để làm tốt điều này, mỗi giáo viên cần đề cao vai trò chủ động để các em có thể tham gia tối đa các hoạt động với di sản.