dd/mm/yyyy

Hồ tiêu trước nguy cơ xiết chặt, giá cà phê lún sâu về đáy cũ

Giá nông sản hôm nay, giá hồ tiêu sẽ tiếp tục khó khăn khi Ấn Độ tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt tiêu xuất khẩu. Giá cà phê sau khi giảm mạnh về mức kỷ lục vẫn tiếp tục giảm thêm.

Sắp tới xuất khẩu hồ tiêu vào Ấn Độ càng khó khăn hơn. Ảnh minh họa

Hồ tiêu thêm khốn khó

Giá hồ tiêu hôm nay đã xuất hiện những biến động nhẹ khi một vài nơi giá tiêu giảm 1.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá tiêu vẫn giữ nguyên mức giá từ 76.000 đến 77.000 đồng/kg.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước giá tiêu không đổi ở mức 77.000 đến 78.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, giá tiêu giảm 1.000 đồng về mức 76.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tiếp tục đi ngang. Nguồn: tintaynguyen

Tại Ấn Độ, hàng loạt container hồ tiêu nhập khẩu được chuyển vào thị trướng khiến giá giảm sâu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Theo thông tin từ thị trường, người tiêu dùng cuối cùng và những người mua giá đang trả cho nguyên liệu nhập khẩu với giá 390 rupee/kg.

Trên thị trường đầu mối, 7 tấn hồ tiêu được giao dịch trong khoảng 400 – 405 rupee/kg, trong khi hồ tiêu nguyên liệu chất lượng cao được chào bán với giá 415 rupee/kg.

Ngoài ra, hồ tiêu Ấn Độ xuất khẩu sang châu Âu ở mức giá 6.825 USD/tấn và sang Mỹ là 7.075 USD/tấn.

Trước tình trạng giá tiêu giảm liên tục, nhiều vùng trồng tiêu đã kiến nghị chính phủ Ấn Độ lập tức can thiệp, kiểm tra nghiêm ngặt các lô hàng hồ tiêu nhập khẩu.

Theo đó, các địa phương kiến nghị Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật, vừa nhằm kiểm soát chất lượng của hồ tiêu nhập khẩu vừa đảm bảo hồ tiêu nhập về không có sâu bệnh.

Giá hồ tiêu Việt Nam được nhập khẩu thông qua Sri Lanka rẻ hơn vì theo Hiệp định Thương mại tự do Nam Á (SAFTA), các loại gia vị nhập khẩu từ Sri Lanka vào Ấn Độ đều được miễn thuế.

Cà phê lún sâu

Giá cà phê trong nước hôm nay tiếp tục giảm nhẹ. Khảo sát tại Lâm Đồng, giá cà phê dao động ở mức 36.800 đến 36.900 đồng/kg, không đổi so với phiên trước.

Tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum giá tiêu tiếp tục chiều hướng giảm nhẹ khoảng 100 đồng/kg, duy trì ở mức 37.200 đến 37.800 đồng/kg.

Giá cà phê R1 tại TP.HCM hiện giao dịch ở mức 38.500 đồng/kg, giảm 200 đồng so với phiên trước.

Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm nhẹ. Nguồn: tintaynguyen

Trên sàn kỳ hạn kết thúc rạng sáng nay, Robusta London giảm 1USD/tấn, chốt kỳ hạn giao tháng 11.2017 ở mức 1.784 USD/tấn, kỳ hạn tháng 1.2018 là 1.753 USD/tấn.

Sàn Arabica New York vẫn duy trì được đà tăng nhẹ. Kỳ hạn tháng 12.2017 tăng 0,7 cent/pound, chốt ở mức 125.10 cent/pound.

Một số nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá cà phê robusta do nguồn cung ổn định từ Việt Nam khi các hộ nông dân tiến hành thu hoạch.

Giới thương lái dự đoán rằng, chất lượng và sản lượng của niên vụ này đều sẽ vượt niên vụ trước, với tỷ lệ hạt cà phê mốc giảm đáng kể, chủ yếu nhờ thời tiết khu vực Tây Nguyên gần đây khá nắng ráo.

Đầu tuần này, ngân hàng Rabobank cũng dự đoán sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ lên kỷ lục 28,7 triệu bao trong niên vụ này, tăng mạnh so với niên vụ 2016 – 2017 (mà theo ước tính của Hiệp hội Cà phê Quốc tế là 25,5 triệu bao).

Diễn biến giá cà phê trên 2 sàn kỳ hạn. Nguồn: TTCP

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực Tây Nguyên sẽ vẫn có nắng và khô ráo trong ít nhất một tuần nữa. Đây sẽ là điều kiện thích hợp để người dân thu hoạch và phơi khô hạt cà phê nhanh hơn cũng như bảo quản cà phê tốt hơn.

Vì đang trong vụ thu hoạch, nguồn cung cà phê ra thị trường tăng nên giá cà phê nội địa của Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ. Giới thương lái cho biết, nông dân ở Đắk Lắk đang rao bán cà phê với giá 37.300 - 37.500 đồng/kg (1,64 – 1.65 USD/kg), giảm 1.500 – 1.900 đồng/kg so với tuần trước.

Hiện tại, giá robusta loại 2 (5% tấm, đen) của Việt Nam được giao dịch với giá thấp hơn 40 USD/tấn so với giá hợp đồng cà phê giao tháng 3, và thấp hơn tới 100 USD/tấn so với giá hợp đồng giao tháng 1 trên sàn ICE.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam Lương Văn Tự chỉ ra, cà phê Việt đang bị giới hạn bởi diện tích đất đai, thổ nhưỡng. Nhiều người trồng cà phê phá bỏ diện tích trồng cà phê chỉ vì những món lợi trước mắt... đã kéo giảm sự phát triển của ngành này.

“Cà phê Việt Nam đứng đầu về sản lượng nhưng vẫn bị tình trạng DN ngoại lợi dụng để thay đổi bao bì khác trong khi ruột là cà phê Việt Nam. Thực trạng này đòi hỏi cà phê Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu trong bối cảnh hội nhập” – ông Tự nhận định.

Trọng Bình