dd/mm/yyyy

Hàng trăm ha khoai sáp thối gốc và củ, nông dân "khóc ròng"

120ha khoai sáp của nông dân xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang có hiện tượng thối gốc và củ. Mặc dù họ đã dùng nhiều thuốc điều trị nhưng không thuyên giảm.


Khoai sáp bị bệnh có biểu hiện thối từ gốc lên ngọn

Theo bà con nơi đây, chưa bao giờ họ thấy cây khoai sáp bị bệnh kỳ lạ thối từ dưới gốc lên trên, dù đã gắn bó cây trồng này khoảng 10 năm rồi. Biểu hiện cây bị bệnh là đang phát triển bình thường bỗng dưng chững lại, vàng lá, rồi chết dần chết mòn. Nhổ cây lên quan sát gốc, rễ và củ có hiện tượng bị thối dần. Mặc dù họ đã dùng nhiều thuốc điều trị cho cây nhưng không thuyên giảm, mà ngược lại còn lan rộng.

“Lúc đầu diện tích bị bệnh chỉ 100m2, sau đó lên đến 1.000m2. Rồi từ đám khoai này lấy sang đám khoai khác. Hiện tại cánh đồng trồng khoai sáp ở đồng Trường với diện tích trồng lên đến hàng chục ha, nhưng hầu hết bị “dính” bệnh thối gốc rễ, củ”, ông Nguyễn Ngọc Chinh, một người trồng khoai sáp ở thôn Lập Định 1 cho biết.


Trên cánh đồng Trường ruộng khoai sáp nào cũng bị bệnh thối gốc, củ.

Cũng theo ông Chinh, bệnh trên khoai sáp bắt đầu xuất hiện gần nửa năm nay trên cả diện tích trồng mới và gần đến thời kỳ thu hoạch, đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.

Chi cục đã vào khảo sát và lấy mẫu gửi ra Viện BVTV để xác định nguyên nhân khoai sáp bị bệnh. Theo nhận định ban đầu cây khoai sáp bị nhiễm bệnh thối gốc rễ, bệnh do nấm gây ra. Biện pháp trước mắt là khai thông mương rãnh, nhổ bỏ những cây bị bệnh, rắc vôi ngay vị trí cây vừa loại bỏ. Không nên trồng khoai sáp liên tiếp nhiều năm trên cùng mảnh đất, nên luân canh. Không sử dụng củ, giống hom cây bị bệnh để trồng. Trước khi trồng phải cày ải, khử trùng đất bằng cách bón vôi...
Bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa.

Cụ thể, nếu bệnh xuất hiện ở diện tích khoai trồng được đến dưới 4,5 tháng, chưa đến thời kỳ thu hoạch (6 - 7 tháng mới thu hoạch) thì sẽ mất trắng hoàn toàn, từ vài triệu đồng cho đến gần 10 triệu đồng/sào, chưa kể công chăm sóc, mua thuốc BVTV điều trị. Còn khoai trồng từ 5 tháng trở lên bị bệnh, may ra thu hoạch vớt vát, bán loại khoai vụn với giá 3.500 đ/kg (giá thị trường 10.000 đ/kg).

“Gia đình tôi có 1,1ha khoai sáp trồng ở đồng Trường, thì có đến 1ha bị bệnh thối rễ củ, trong đó 5 sào đã mất trắng, ước thiệt hại gần 40 triệu đồng. Số diện tích còn lại hiện nay khoai tiếp tục bị bệnh, dù đã dùng nhiều thuốc BVTV đặc trị nhưng không ăn thua”, ông Chinh nói.

Tương tự, gia đình bà Ngô Thị Thiết, thôn Lập Định 2 trồng 6 sào khoai sáp được 3 - 4 tháng ở cánh đồng Trường cũng bị thối củ, rễ, tỷ lệ thiệt hại lên đến 30%. Thấy cây khoai ngày càng đổ bệnh nên bà chán nản, không chăm sóc nữa, dự định sẽ phá bỏ trong nay mai để trồng lúa.

Không chỉ ở cánh đồng Trường khoai sáp trồng bị bệnh mà tại khu vực cầu 3, thôn Lập Định 2, nhiều nông dân cũng đang “khóc ròng” vì cây khoai héo lá, thối củ.

Anh Huỳnh Ngọc Thanh, thôn Lập Định 3 cho biết, vụ này gia đình anh trồng hơn 1ha, cho đến nay gia đình đã thiệt hại 3 sào khoai sáp. Sợ bệnh lây lan đám khác nên cứ cách 2 - 3 ngày, anh lại phun thuốc trị nấm, kích rễ cây để phòng ngừa. Tuy nhiên một số cây cũng bị nhiễm bệnh này.

Theo ông Trần Quy Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa cho biết, toàn xã có trên 120ha khoai sáp. Chính quyền đã nhận thông tin các thôn báo cáo tình trạng khoai sáp bị thối củ, rễ tuy nhiên hiện chưa thống kê mức thiệt hại gây ra.

Lúc đầu người dân nghi ngờ khoai sáp bị bệnh do phân bón giả gây ra, sau đó thì bác bỏ vì các ruộng dùng nhiều loại phân khác nhau đều bị tình trạng này. Tiếp đến, họ nghi ngờ do tàn dư nấm nhiều năm trồng gây nên, nhưng điều này vẫn chưa thuyết phục nông dân, bởi ruộng trồng năm đầu tiên cũng bị bệnh thối gốc, củ. Bà con mong cơ quan chuyên môn giúp cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

Kim Sơ