Năm học 2020 - 2021, trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Manh có 19 lớp, với gần 500 học sinh, trong đó có 481 học sinh là người dân tộc thiểu số. Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh hiện có 4 điểm trường lẻ và 1 điểm trường trung tâm, trong đó có 261 học sinh thuộc diện bán trú, ăn, ở tập trung tại điểm trường trung tâm.
Để đảm bảo cho các em học sinh bán trú được học tập và sinh hoạt trong môi trường tốt nhất, nhà trường huy động nguồn lực, tu sửa và bổ sung cơ sở vật chất. Hiện, trường có một dãy nhà cấp 4 gồm 4 phòng ở kiên cố và 5 phòng ở lắp ghép với tổng diện tích 260m2, 1 nhà ăn rộng 160m2, 1 nhà bếp rộng 60m2, 8 phòng vệ sinh hiện đại, hệ thống bể và téc chứa nước sinh hoạt gần 100m3… có 4 nhân viên phục vụ nấu ăn, 1 nhân viên thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm trong từng bữa ăn theo quy định.
Mỗi ngày, các em học sinh được ăn 3 bữa (sáng, trưa, tối), kể cả thứ 7 và chủ nhật. Để đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh, nhà trường đã trang bị nồi cơm điện, khay đựng thức ăn inox, tủ nấu cơm điện, bếp ga. Đồng thời, tuân thủ nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong từng khâu: Nhập, xuất và kiểm tra thức ăn, lưu mẫu thức ăn theo đúng 3 bước kiểm thực.
Bên cạnh đó, nhà trường đã thành lập Ban Quản lý bán trú, xây dựng nội quy và các quy định sinh hoạt khu nội trú theo giờ giấc, phân công giáo viên phụ trách bán trú, quản lý học sinh sau giờ học. Nhà trường đã trang bị 6 chiếc tivi tại khu bán trú, tạo điều kiện để các em học sinh tiếp cập những thông tin mới, tăng cường vốn kiến thức, tiếng phổ thông và hiểu biết cho các em học sinh.
Ngoài giờ học chính khóa trên lớp, buổi tối các em được các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn ôn bài và học tập tại phòng ở. Được giáo viên thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn, đã giúp các em học sinh thêm yên tâm học tập.
Gần 7 năm "lái đò" trên vùng cao, thấu hiểu được những khó khăn của học sinh người dân tộc thiểu số, thầy giáo Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh chia sẻ: Những năm trước, trường gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Đứng chân trên địa bàn xã nghèo, trình độ dân trí thấp, một số hộ gia đình khó khăn do đó chưa quan tâm đầy đủ tới việc học của con em. Nhiều gia đình muốn con ở nhà đi làm hoặc lo không thể chi trả các khoản phí như mua đồ dùng học tập, quần áo khi các con đến trường.
Thầy Bảo cho biết thêm: Trước đây, trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh có 7 điểm trường ở cách xa trung tâm, thậm chí có điểm xa hơn 30km. Thêm vào đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, giao thông cách trở do địa hình chia cắt, thiếu nước sinh hoạt, gây khó khăn cho hoạt động bán trú của nhà trường. Trước thách thức đó, Ban Giám hiệu và các thầy giáo, cô giáo xác định rõ, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục là điều kiện cần và đủ để có thể cải thiện môi trường học tập cũng như điều kiện bán trú cho học sinh.
Thông qua hệ thống mạng xã hội, các thầy giáo, cô giáo Nhà trường đã chia sẻ những trăn trở, khó khăn của nhà trường. Qua đó, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã biết đến và chia sẻ khó khăn với Nhà trường. Từ đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học và điều kiện sinh hoạt của học sinh từng bước được cải thiện, đến nay cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của nhà trường.
Được biết, trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh trước đây là Trường Tiểu học Nậm Manh. Từ năm học 2014 - 2015, nhà trường bắt đầu chuyển sang mô hình Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh. Nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú tập trung để giúp các em học sinh vùng cao nơi đây yên tâm học tập, bố mẹ không phải lo lắng mỗi khi các em đi học xa nhà. Sau khi nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú, nhiều em học sinh đã coi nhà bán trú của trường như ngôi nhà thứ hai của mình.
Chia sẻ về những đổi thay khi được học bán trú tập trung tại trường, em Lý A Tằng - học sinh lớp 5A, người dân tộc Mông ở nhóm 1, bản Nậm Nàn (cách trung tâm gần 30km) cho hay: Ở bán trú tại trường, chúng em được ăn ngon, đủ bữa, được thầy cô chăm sóc tận tình. Chúng em có nhiều thời gian hơn để học tập, ngoài học trên lớp, chúng em còn được tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ, giáo dục kỹ năng sống, nhờ đó giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức, biết cách ứng xử với bạn bè, thầy cô, yêu thương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
Nhờ thực hiện tốt chế độ bán trú cho học sinh, công tác dạy và học của Trường Tiểu học Nậm Manh ngày càng được nâng lên. Kết thúc học kỳ I, năm học 2020 - 2021, trường có trên 90% học sinh được đánh giá đạt về năng lực và 100% có hạnh kiểm khá, tốt. Từ đầu năm đến nay, nhà trường đã huy động được hơn 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa giáo dục đầu tư, mua sắm trang thiết bị, làm nhà ở, mua sắm đồ dùng học tập… cho các em học sinh.
Thầy giáo Phạm Quốc Bảo -Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm: Có thể khẳng định, việc quan tâm, chăm lo và nuôi dưỡng các em học sinh bán trú giữ vai trò rất quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Nhiều em học sinh người dân tộc thiểu số ở các bản xa của xã đã có thêm điều kiện được đến lớp, khắc phục được tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho học sinh. Duy trì được sĩ số, nề nếp học tập, qua đó từng bước rút ngắn được khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.