dd/mm/yyyy

Giảm hao hụt cà phê sau thu hoạch: Chọn tiện hay lợi?

Từ năm 2012, tỉnh Đồng Nai đã triển khai đề án cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, nhưng cho đến nay đề án này gần như không tiến triển đối với cây cà phê do nông dân thích tiện hơn lợi.

Lão nông Trần Đức Hùng (xã Xuân Quế, Cẩm Mỹ) thất thần nhìn sân cà phê phơi hơn chục ngày vẫn ướt sũng.

Lão nông Trần Đức Hùng (xã Xuân Quế, Cẩm Mỹ) ngồi thất thần nhìn sân cà phê phơi hơn chục ngày vẫn ướt sũng, rất nhiều hạt đã mốc meo. “Tôi thu hoạch cà phê xong từ hơn tháng nay. Hơn 5 tạ cà phê đem ra phơi, nhưng trời cứ âm u suốt nên cà phê không khô được”, ông Hùng thổ lộ.

Tổn thất do thói quen

“Tôi thường dùng cối chà để xát vỏ quả tươi trước khi phơi (phương pháp nửa ướt) nhằm rút ngắn thời gian phơi... Do làm khô bằng thủ công, phụ thuộc thời tiết nên khi thu hoạch nông sản gặp trời mưa thì không đảm bảo chất lượng như hạt đen, kém phẩm chất. Nhìn chung khâu sơ chế thủ công gây nhiều tổn thất”, ông Quáng nhận xét.

Ông Hùng đang trồng hơn 5.000m2 cà phê. So với năm ngoái, vụ cà phê năm nay trúng lớn từ 1,5 - 2 tấn/ha. Theo ông Hùng, hiện nay đại bộ phân nông dân thu hoạch cà phê là tỉa luôn cành rồi thu trái cả xanh lẫn chín. Đây là kiểu làm “một công, đôi việc” nhằm hạn chế công lao động của nông dân. “Lâu nay, ai trồng cà phê mà chả làm thế. Nếu thu hoạch mà cứ chọn trái chín thì không biết bao giờ xong. Vả lại sau khi thu hoạch lại thuê nhân công đi tỉa cành sẽ rất tốn công, tốn tiền”, ông Hùng chia sẻ.

Cách làm này sẽ “rất tiện”, nhưng theo ông Hùng, hệ quả là chất lượng hạt cà phê sẽ giảm bởi tỷ lệ trái xanh, trái non lẫn lộn khá nhiều, khoảng 30 - 40%.

Ông Giềng Hòa Quáng - một nông dân trồng cà phê (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cho biết: Hầu hết nông dân lợi dụng nắng để phơi cà phê bằng cách lót bạt ở rẫy trên nền đất, xi măng hoặc đường giao thông nông thôn.

Ngay cả đối với cà phê trồng theo phương thức mới, như dự án cánh đồng lớn cà phê 4C của Đồng Nai đang triển khai ở 3 huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Tân Phú với tổng diện tích khoảng 620 ha với 578 hộ tham gia, cũng bị hao hụt sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Thật – Phó Giám đốc HTX Xuân Quế, đơn vị triển khai Dự án Cà phê 4C tại huyện Cẩm Mỹ cho biết: Mặc dù đã đưa một số tiến bộ kỹ thuật nhằm hạn chế hao hụt, nhưng việc các thành viên HTX phơi phóng cà phê trên nền xi măng, đường giao thông nên không tránh khỏi tổn thất.

“Vụ cà phê này HTX đã thu mua được 27 tấn cà phê 4C. Năm nay mưa nhiều đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch cà phê của nông dân. Tôi tính sản lượng cà phê Dự án 4C của HTX hao hụt khoảng 3%”, vị đại diện HTX này thông tin.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc thiếu diện tích sân phơi, sau thu hoạch nông dân thường ủ cà phê lại trong bao. Điều này có thể làm cà phê lên men, làm tăng tỷ lệ hạt đen và hạt nâu, đặc biệt thiệt hại nếu tỷ lệ quả non hoặc xanh nhiều.

Đa số nông dân áp dụng phương pháp chà dập vỏ quả để rút ngắn thời gian phơi, nên khi gặp mưa chất lượng cà phê dễ xuống cấp. Ngoài ra, việc phơi cà phê bằng bạt trải trên nền đất cũng chính là nguyên nhân làm giảm chất lượng cà phê thương phẩm (độ ẩm không đồng đều, lẫn tạp chất, dễ nhiễm mốc). Tính chung tổng tổn thất cà phê ở các khâu thu hoạch, sơ chế, phơi sấy của nông dân trên địa bàn là trên 7%.

Không “khoái” đề án

Năm 2012, tỉnh Đồng Nai triển khai Đề án giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, trong đó có cây cà phê. Theo đề án này, nông dân trồng cà phê sẽ được hỗ trợ lãi suất để mua sắm mấy sấy, làm kho bãi, sân phơi…

Nông dân Bão Bình (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) thu hoạch cà phê.

Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đánh giá, việc đưa máy móc và các tiến bộ kỹ thuật vào thu hoạch là để giảm tỷ lệ hao hụt nông sản, giúp nông dân tăng được lợi nhuận trên cùng diện tích; đồng thời, chất lượng nông sản cũng được cải thiện, giá bán cao hơn. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện đề án này, hiệu quả đối với cây cà phê vẫn chỉ “giậm chân” tại chỗ.
Ông Nguyễn Văn Thật - Phó Chủ tịch xã Xuân Quế, một địa phương có diện tích cây cà phê lớn của huyện Cẩm Mỹ khẳng định: “Trên địa bàn xã chưa có nông dân nào tham gia đề án này”.

“Thực chất đề án đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, nhưng nông dân có cách tính của họ. Hiện, nông dân trồng cà phê khoái cái tiện hơn lợi nhuận kinh tế mà đề án đem lại. Chính vì vậy mà nông dân không hợp tác với đề án”, ông Thật nhận xét.

Mục tiêu của Đề án giảm hao hụt sau thu hoạch đối với cà phê trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là giảm mức tổn thất từ 7,022% (năm 2012) xuống 5% vào năm 2015 và còn 4% vào năm 2020, tập trung vào các khâu thu hoạch, sơ chế, phơi sấy; hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố Ochratoxin A để cải thiện giá bán cà phê nhân.

Cái “tiện” mà ông Thật nói là, nông dân khi tham gia đề án không thích chỉ hái cà phê chín theo hướng dẫn kỹ thuật của nhân viên khuyến nông, mà tỉa cả cành rồi thu hoạch tất tật trái nhằm “một công đôi việc”; thích phơi chỗ tiện hơn vay tiền làm sân phơi rồi tốn thêm công vận chuyển về đấy…

Vả lại, theo ông Trần Hữu Luân – cán bộ nông nghiệp xã Bão Bình, thời điểm triển khai đề án thì cây cà phê không còn là cây chủ lực kinh tế, đánh mất sự tin tưởng của nông dân khi giá “tuột dốc” thê thảm.“Thời điểm ấy, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn bị nông dân chặt bỏ, thay vào đấy là bưởi da xanh, sầu riêng… Thử hỏi lúc ấy bảo nông dân vay tiền đầu tư cho cây cà phê thì ai làm?”, ông Luân chia sẻ.

Hiện, trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ có hơn 3.000 ha cà phê nhưng chỉ có một lò sấy cà phê của tư nhân.

Theo ông Lê Hữu Thiện – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, đơn vị tham gia Đề án giảm hao hụt sau thu hoạch, việc nông dân trồng cà phê trên địa bàn chưa thiết tha tham gia đề án phần lớn do tâm lý ngại thủ tục vay vốn.

“Đây là đế án mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Hội đã vận động rất nhiều nhưng tính đến giờ rất ít hộ nông dân tham gia đề án”, ông Thiện chia sẻ.

Trần Đáng