Giá hồ tiêu tuần qua tăng liên tục đạt mức giá cao nhất trong 2 tháng gần đây. Ảnh minh họa
Giá tiêu tăng nóng, nhu cầu thực hay đầu cơ?
Giá hồ tiêu tuần qua có những diễn biến bất ngờ. Sau khi đi ngang trong phiên đầu tuần, giá hồ tiêu bước vào những đợt tăng liên tiếp.
Trong phiên giao dịch chốt tuần này (29.7), giá hồ tiêu nguyên liệu tại các tỉnh phía Nam hôm nay tiếp tục tăng 1.000 – 3.000 đồng, lên dao động trong khoảng 81.000 – 86.000 đồng/kg.
Như vậy, chỉ trong 5 ngày qua, giá hồ tiêu nguyên liệu đã tăng từ 5.000 – 6.000 so với đầu tuần này, đạt mức giá cao nhất trong 2 tháng qua.
Giá hồ tiêu trong nước về cuối tuần càng tăng mạnh. Nguồn: tintaynguyen
Một số nhà phân tích cho rằng, giá tiêu nguyên liệu trong nước tuần qua có phần tăng "nóng". Trước đó, giá hồ tiêu chỉ tăng nhẹ khi thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu mua. Tuy nhiên trong 2 phiên cuối tuần này giá hồ tiêu đã tăng vọt. Tại Tây Nguyên có địa phương trong một ngày giá tiêu tăng tới 3.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu tăng là tín hiệu tốt cho người trồng tiêu sau nửa năm tiêu rớt giá. Tuy nhiên do giá tăng "nóng" sẽ tiềm ẩn rủi ro khi không xuất phát từ nhu cầu thực mà do thương lái làm giá để "lướt sóng".
Tại Ấn Độ, giá hồ tiêu giao ngay chững lại ở 46.800 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 48.800 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc) trong phiên hôm qua (28/7).
Cà phê chờ cơ hội bứt giá
Thị trường cà phê tuần qua diễn biến phức tạp khi giá liên tục giảm. Xu hướng giảm do tác động từ chính sách tiền tệ.
Tại thị trường cà phê trong nước, trong tuần qua giá cà phê giảm từ 300 đến 400 đồng/kg. Những đợt giảm nhẹ nhưng kéo dài khiến cà phê rời khỏi mốc 46.000 đồng/kg.
Trong phiên chốt tuần này, giá cà phê tại Lâm Đồng đã tụt khỏi mốc 45.000 đồng, hiện giao dịch ở mức 44.700 đến 44.900 đồng/kg.
Tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum giá cà phê cũng lùi sâu khỏi mức 46.000 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 45.400 đến 45.800 đồng/kg.
Giá cà phê R1 tại TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ duy trì mức giá 47.500 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với đầu tuần.
Trong tuần qua, giá cà phê giảm 300 đến 400 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen
Trên thị trường thế giới, giá cà phê hai sàn cà phê robusta và arabica tiếp tục đi theo hai xu hướng đối lập trong phiên chốt tuần này.
Trong khi giá roubusta giao tháng 9 giảm thêm 12 USD về 2.129 USD/tấn, thì giá arabica giao trong cùng kỳ vẫn giữ được đà tăng, tăng 1,4% trong cả phiên hôm qua lên 137,85 Uscent/pound.
Thị trường arabica được hỗ trợ bởi làn sóng bán khống của các quỹ khi xuất hiện một số lo ngại liên quan đến tình hình sản xuất cà phê tại Brazil. Thời tiết lạnh giá, dịch sâu bệnh và chu kỳ mất mùa sẽ kéo giảm số lượng cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu của Brazil.
Sản lượng cà phê xuất khẩu tại Brazil giảm sẽ tác động tới giá cà phê toàn cầu. Ảnh minh họa
“Các quỹ đầu tư vẫn nắm giữ một lượng lớn vị thế bán đối với arabica và họ đang dần thanh lý chúng”, một chuyên viên giao dịch cho biết. Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ, giới đầu cơ đã giảm vị thế bán đối với arabica xuống còn 24.703 lô, giảm 6.037 lô so với ngày chốt sổ trước đó.
Giá arabica được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau của năm 2017 vì nguồn cung eo hẹp, theo kết quả thăm dò ý kiến chuyên gia gần đây của Reuters.