dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay 29/8: Hồ tiêu chững giá, cà phê tăng, giảm thất thường

Giá nông sản hôm nay, trên thị trường cà phê nội địa giá giao dịch không đổi. Trong khi những đợt biến động vẫn tác động tới thị trường cà phê với xu hướng giảm nhẹ ở một số điểm giao dịch.

Giá hồ tiêu hôm nay vẫn ở dưới mức 90.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Hồ tiêu vẫn gặp khó

Giá hồ tiêu hôm nay vẫn duy trì mức giá từ phiên trước tại hầu hết các điểm giao dịch. Sau những đợt biến động đầu tuần, dù đã giảm đã bị chặn nhưng xu hướng đi ngang sau khi lùi sâu khỏi ngưỡng 90.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu không mấy lạc quan.

Khảo sát tại các tỉnh Tây Nguyên, giá hồ tiêu hôm nay cũng chỉ giao động từ 86.000 đến 88.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng chững lại ở mức giá 89.000 đồng/kg (Bà Rịa - Vũng Tàu) và 86.000 đồng/kg (Đồng Nai).

Giá hồ tiêu hôm nay chững lại. Nguồn: tintaynguyen

Sau khi giảm sâu và tụt khỏi mốc 90.000 đồng/kg, giá hồ tiêu đã có 4 phiên giao dịch loay hoay dưới ngưỡng này. Các nhà phân tích cũng nhận định xu hướng tăng là ít khả quan vì giao dịch kém sôi động. Dường như những vướng mắc của các doanh nghiệp xuất khẩu chưa được tháo gỡ nên giá tiêu không có động lực bứt giá.

Giá cà phê vẫn khó lường

Giá cà phê hôm nay vẫn duy trì trạng thái biến động nhẹ. Tuy nhiên xu hướng tăng giảm không rõ càng khiến cho giao dịch khó khăn hơn.

Khảo sát tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê hôm nay tăng nhẹ 100 đồng/kg ở vài điểm. Hiện giao dịch sát ngưỡng 45.000 đồng/kg.

Ở Kon Tum giá cà phê cũng tăng thêm 100 đồng/kg, hiện giao dịch ỏ mức 45.500 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đăk Lăk lại giảm nhẹ 100 đến 200 đồng/kg, hiện giao dịch trong khoảng 45.200 đến 45.600 đồng/kg.

Hai tỉnh Gia Lai và Đăk Nông, giá cà phê hôm nay không đổi so với phiên trước, duy trì mức 45.500 đến 45.600 đồng/kg.

Giá cà phê R1 tại TP. Hồ Chí Minh hôm nay vẫn giao dịch ở mức 47.400 đồng/kg, bằng với mức giá phiên trước.

Giá cà phê hôm nay biến động thất thường tăng, giảm từ 100 đến 200 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen

Trên thị trường thế giới, chỉ có sàn kỳ hạn arabica hoạt động do sàn London nghỉ. Mở đầu, các quỹ đầu cơ thanh lý bán làm giá giảm nhưng không bán quá mạnh để giá giảm sâu.

Chốt phiên, giá arabica đóng tại 131.05 cts/lb, giảm 0.05 cts/lb nên bức tranh kỹ thuật sàn này tạm thời chưa thay đổi nhiều.

Nhìn vào diễn biến thị trường, các nhà phân tích nhận định, cà phê đang trong giai đoạn rất khó lường. Nếu như giá kỳ hạn New York sau một đợt tăng dài từ giữa tháng 6.17 đến mươi ngày đầu tháng 8.17, thì thị trường arabica chứng kiến một đợt giảm dài và chỉ đứt mạch giảm vào khuya ngày 25.8.

Sàn robusta London không theo cách ấy. Các đợt tăng/giảm với biên độ lớn dăm ba mươi UUD mỗi phiên và mật độ xảy ra càng lúc càng dày, có khi ngày hôm nay tăng hôm sau giảm.

Thị trường cà phê đang trong giai đoạn rất khó lường. Ảnh minh họa

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, cách vận hành ấy của thị trường hình như không do hoạt động mua bán hàng thực mà được điều khiển bởi luồng vốn dựa trên sức mạnh của hàng hóa đã được họ tích trữ từ trước, kể cả hàng thực lẫn hàng giấy.

Riêng về hàng thực, các nhà kinh doanh có khuynh hướng đầu cơ giữ một lượng tồn kho đạt chuẩn trên sàn robusta London tính đến 24.8 còn gần 150.000 tấn cộng với tích trữ trong kho của họ trong nội địa nước xuất khẩu lớn nhất là Việt Nam dễ chừng 300.000 tấn. Bên hàng giấy, theo thống kê của sàn robusta London, đến ngày 15.8 họ còn giữ gần 210.000 tấn.

"Phải chăng do còn giữ lượng hàng tồn kho khá lớn trước thềm niên vụ mới bắt đầu vào 1.10 tới đây, tình thế buộc họ tung hỏa mù, khuấy đảo giá để các nước sản xuất không bán ra được vì…họ sẽ thua lỗ nếu như “đụng” hàng bán ra từ các nước sản xuất tại thời điểm này?", ông Bình nhận đinh.

Bình Nguyên