Giá cà phê đứng trước cơ hội tăng giá mạnh trong tuần này. Ảnh minh họa
Giá cà phê đã tăng
Sau khi đi ngang trong phiên giao dịch trước, giá cà phê trong nước hôm nay đã tăng trở lại. Thị trường cà phê thế giới cũng có làn sóng tăng giá và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong tuần này.
Khảo sát giá nông sản hôm nay, giá cà phê tại Lâm Đồng đã tăng thêm từ 100 đến 200 đồng/kg so với hôm qua. Hiện giao dịch ở mức 44.100 đến 44.300 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông cũng tăng thêm từ 100 đến 200 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 44.800 đến 45.000 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta tại TP. HCM sau phiên giảm mạnh tới 600 đồng/kg, hôm nay đã lấy lại đà tăng nhẹ, hiện giao dịch ở mức 46.600 đồng/kg.
Giá nông sản hôm nay, giá cà phê đồng loạt tăng. Nguồn: tintaynguyen
Trên thị trường cà phê, giá trên hai sàn London và New York tiếp tục tăng trong phiên 26.6, với giá robusta giao tháng 9 tăng thêm 12 USD lên 2.090 USD/tấn và giá arabica giao trong cùng kỳ tăng 1,22% lên 124,50 Uscent/pound.
Giá arabica được hỗ trợ bởi các yếu tố kỹ thuật và lực mua từ các quỹ đầu tư sau phiên phục hồi mạnh vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn khá khiêm tốn trong đầu phiên.
Giá hai sàn kỳ hạn cà phê tuần trước chịu áp lực của đợt tăng lãi suất của Mỹ và giá dầu thô nên đầu tuần mất điểm liên tục. Chỉ đến cuối tuần, khi thị trường kỳ hạn New York qua ngày thông báo giao hàng đầu tiên cho hợp đồng giao tháng 7.17, giá arabica mới phục hồi và bật tăng mạnh, đưa giá kỳ hạn robusta tăng theo.
Nhận định chung của giới kinh doanh trên sàn cho rằng, không chỉ các sàn kỳ hạn cà phê mà tất cả các sàn nông sản khác lấy USD làm đồng tiền giao dịch đều có biến động mạnh.
Hiện tại, giới đầu tư cà phê đang theo dõi sát sao chênh lệch giá giữa robusta và arabica. Tuần trước, chênh lệch giá giữa hai loại cà phê này đã xuống thấp nhất kể từ năm 2008. Nếu chênh lệch giá càng thấp, người tiêu thụ cuối cùng của chuỗi cung ứng hàng nguyên liệu cà phê càng quay sang mua arabica.
Trước đó, Ngân hàng Rabobank dự báo giá cà phê Arabica tương lai tại New York sẽ đạt mức trung bình 135 cent/lb vào quý cuối năm nay, giảm 10 cent/lb so với dự báo lần trước, nhưng vẫn cao hơn giá thị trường hiện nay. Theo Rabobank, báo cáo từ vụ thu hoạch cà phê Brazil cho biết không thể lặp lại mức sản lượng cao như năm ngoái khi chất lượng cà phê đạt dưới mức trung bình. Ngân hàng cũng hạ dự báo giá cà phê Robusta kỳ hạn chỉ đạt mức 1.980 USD/tấn vào quý 4, giảm 20 USD/tấn so với dự báo lần trước.
Tiêu xuất khẩu không mấy lạc quan
Giá nông sản hôm nay tiếp tục có phiên giao dịch ảm đạm trên thị trường hồ tiêu. Tại thị trường nội địa, giá tiêu tiếp tục duy trì mức giá cũ, trong khi triển vọng thị trường xuất khẩu không mấy lạc quan.
Theo đó, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai vẫn duy trì ở mức 76.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng không thay đổi, hiện giao dịch duy trì ở mức 78.000 đến 79.000 đồng/kg, đây cũng là mức giá giữ nguyên từ hai phiên giao dịch trước.
Tuy nhiên bất ngờ đã sảy ra khi giá tiêu tại Đồng Nai giảm mạnh tới 2.000 đồng/kg, hiện giao dịch chỉ còn 75.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong nhiều tuần gần đây.
Giá nông sản hôm nay, giá tiêu tại Đồng Nai giảm mạnh về mức đáy mới. Nguồn:tintaynguyen
Giới phân tích cho rằng giá tiêu trong nước khó tăng giá trở lại do sản lượng hồ tiêu của Việt Nam những năm gần đây tăng mạnh. Khi mà cung vượt cầu quá lớn thì chắc chắn giá cả sẽ phải giảm.
Mặt khác, khi giá hồ tiêu thế giới đang đà giảm thì Việt Nam lại bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ồ ạt bán ra cũng là một yếu tố làm cho giá cả hồ tiêu “lao dốc không phanh.
Trong khi, tại Ấn Độ, tiêu xuất khẩu cũng đối mặt với đà sụt giảm mạnh.
Theo nguồn tin từ Ban Gia vị, Ấn Độ đã xuất khẩu 17.600 tấn hạt tiêu các loại, trị giá 1.141,89 triệu Rupi trong năm tài chính 2016/2017, so với 28.100 tấn tiêu các loại có giá trị 1.730,42 triệu Rupi trong năm tài chính 2015/2016 trước đó. Kết quả là xuất khẩu hạt tiêu giảm 37% về khối lượng và giảm 34% về giá trị.
Năm 2016, Ấn Độ đã nhập khẩu 11.180 tấn tiêu từ Việt Nam và là một trong 5 nước nhập khẩu chính từ nguồn này. Các nguồn tin kinh doanh xuất khẩu cho biết xuất khẩu giảm mạnh do giá hạt tiêu Ấn Độ hiện đang cao hơn giá hạt tiêu của các quốc gia khác.
“Nhiều khách mua tiêu Malabar đã chuyển sang mua tiêu Indonesia và Việt Nam. Vì vậy, chúng ta đã mất nhiều thị trường xuất khẩu của mình và việc các nhà xuất khẩu phải dành lại các thị trường bị mất là một nhiệm vụ rất khó khăn”, Kishor Shamji, một nhà xuất khẩu kỳ cựu lên tiếng.
Thu hoạch hồ tiêu tại Tây Nguyên. Ảnh minh họa
Khoảng 90% hạt tiêu xuất khẩu của Ấn Độ là tái xuất khẩu hạt tiêu đã nhập khẩu sau khi bổ sung gia trị gia tăng như tinh dầu tiêu, tiêu nghiền và tiêu khử trùng. Các nhà xuất khẩu chiếm 9.795,42 tấn tiêu nhập khẩu thông qua cảng Kochi và tái xuất khẩu 5.848,77 tấn.
Giới thương nhân và nông dân trồng tiêu cho biết giá bán đã giảm hơn 21.000 Rupi/tạ trong vòng một năm do nhập khẩu hạt tiêu giá rẻ từ Việt Nam thông qua Sri Lanka dưới hình thức khai man.
Ông Homey Cherian, Giám đốc Bộ phận Phát triển Gia vị thuộc Bộ Nông nghiệp, cho biết sản lượng hạt tiêu của khối ASEAN có thể được chuyển qua Sri Lanka hoặc các quốc gia khác thuộc Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) để được giảm thuế nhập khẩu, nhưng không có cứ liệu nào để chứng minh điều này. Chính phủ Ấn Độ đang thực thi nhiều biện pháp để ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép hạt tiêu, ông nhấn mạnh.