Từ cuối tuần trước tới nay giá cà phê có những đợt tăng, giảm mạnh. Ảnh minh họa
Cà phê bất ngờ lao dốc
Sau khi đạt ngưỡng giá 46.000 đồng/kg và duy trì trong phiên đầu tuần, giá cà phê trong nước hôm nay đã quay đầu giảm mạnh về mức 45.000 đồng/kg. Diễn biến này khá bất ngờ, bởi phiên trước đó, giá cà phê chủ yếu là đi ngang.
Khảo sát giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy hầu hết các địa phương đều sụt giảm từ 700 đến 900 đồng/kg.
Giá cà phê tại Lâm Đồng hôm nay giao dịch ở mức 44.300 đến 44.600 đồng/kg, giảm 700 đến 800 đồng/kg. Đây cũng là địa phương có mặt bằng giá thấp nhất so với các tỉnh khảo sát khu vực Tây Nguyên.
Tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum giá cà phê cũng sụt giảm mạnh từ 700 đến 900 đồng/kg. Hiện mức giá đã giảm về sát ngưỡng 45.000 đồng/kg.
Giá cà phê R1 tại TP. Hồ Chí Minh hiện giao dịch ở mức 47.000 đồng/kg, giảm 700 đồng so với phiên hôm qua.
Giá cà phê trong nước bất ngờ giảm mạnh về ngưỡng 45.000 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen
Trên thị trường thế giới, giá cà phê trên 2 sàn cà phê rớt đậm. London chốt 2103-40$ và New York 132.55-4.00 cts/lb. Cấu trúc vắt tháng 7-17 so với 3-18 London nay ở mức 72$.
Mặt khác, vị thế kinh doanh của 2 sàn tuần qua nghiêng về mua. Sàn cà phê chè arabica Ice New York giảm mạnh dư bán 10.317 lô để còn 30.740 lô. So với mức kỷ lục 42.454 lô trước đó, dư bán trên sàn Arabica giảm 11.714 lô (mua bù).
Sàn kỳ hạn cà phê vối robusta London tăng vị thế dư mua thêm 1.906 lô để đạt 21.197 lô so với trước đó là 19.291 lô.
Trên thị trường hàng thực, các nhà kinh doanh cho biết mua bán rất yếu. Nguyên do có thể hàng arabica từ các nước Trung và Nam Mỹ bán mạnh và giá rẻ hơn khi có cơ hội là giá kỳ hạn sàn arabica lên cao hơn.
Tính đến cuối ngày 21.7, giá cách biệt giữa hai sàn arabica với robusta là 862 USD/tấn. Tuy nhiên, mua bán hàng thực ngoài sàn đôi khi cách biệt nhau chỉ 400-500 USD/tấn.
Giá cách biệt càng cao, người mua thường nghiêng về mua robusta. Khi chỉ số này thấp, mua bán robusta thường khó khăn và ế ẩm.
Giá tiêu Tây Nguyên sát ngưỡng 80.000 đồng
Sau nhiều phiên giao dịch đi ngang, giá tiêu hôm nay đã có đợt tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đà tăng chủ yếu diễn ra tại các tỉnh Tây Nguyên.
Theo đó, khảo sát giá hồ tiêu tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông giá tiêu hôm nay đã tăng thêm 1.000 đồng/kg. Đợt tăng này đã kéo giá tiêu khu vực Tây Nguyên về sát ngưỡng 80.000 đồng/kg
Giá hồ tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai vẫn duy trì mức giá cũ.
Giá hồ tiêu hôm nay tăng thêm 1.000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên. Nguồn:tintaynguyen
Theo nhận định của các nhà phân tích, giá hồ tiêu trong 3 phiên gần đây tăng nhẹ là do thương lái Trung Quốc quay trở lại thu mua tiêu tại khu vực Tây Nguyên.
Do sản lượng tiêu dự trữ lớn nên mức giá chỉ giao động nhẹ tại những nơi có giao dịch, chưa đủ lực đẩy toàn thị trường.
Với diễn biến giá tiêu tăng chậm chạp như hiện nay khiến người trồng và thương lái càng thêm khó khăn do thua lỗ.
Giá hồ tiêu vẫn đang ở mức thấp và diễn biễn chậm. Ảnh minh họa
Anh Trần Quốc Dương, chủ vườn tiêu ở ấp 4, xã Cửa Cạn (H.Phú Quốc), cho biết vụ tiêu thu hoạch sau Tết Nguyên đán năm 2017, người trồng tiêu ở đây bán ra tại vườn từ 120.000 - 130.000 đồng/kg tiêu đen, nhưng thời điểm này chỉ còn 75.000 - 80.000 đồng/kg. Do giá tiêu xuống thấp nên gia đình anh vẫn còn cất giữ trên 2 tấn tiêu hạt, bởi nếu xuất bán với giá thời điểm này sẽ lỗ nặng.
Anh Hồ Thành Sáng
Cũng theo anh Dương, mặc dù giá hồ tiêu giảm nhưng chi phí thuê nhân công lao động lại không giảm. Nếu giá tiêu vẫn không tăng buộc người nông dân phải tự làm hết mọi việc nhằm lấy công làm lời để giảm bớt thua lỗ.
Tiêu xuống giá không chỉ gây khó khăn cho các nhà vườn mà nhiều hộ thu mua cũng lỗ nặng. Cơ sở thu mua tiêu Sáng Lợi ở KP.5, TT.Dương Đông hiện vẫn còn tồn đọng trên 30 tấn tiêu hạt chưa xuất bán được do giá xuống thấp. Anh Hồ Thành Sáng, chủ cơ sở, cho biết đã thu mua tiêu với giá 120.000 - 130.000 đồng/kg ngay giữa vụ thu hoạch, nếu bán ra ở thời điểm này thì sẽ lỗ trên 1 tỉ đồng.
Theo thống kê, đến nay H.Phú Quốc có gần 500 ha tiêu, trong đó có 70% diện tích đang thu hoạch, sản lượng trên 1.200 tấn. Tuy nhiên, cách canh tác truyền thống từ khâu làm đất, phân bón, công chăm sóc tỉ mỉ mà nông dân Phú Quốc đang áp dụng đã đẩy chi phí giá thành tiêu Phú Quốc tăng cao hơn.
Vì vậy, khi giá tiêu lao dốc đã khiến các chủ vườn tiêu trên đảo gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất.