dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay (17.6): Giá cà phê tăng sốc, lo ngại thiếu nguyên liệu xuất khẩu

Giá nông sản hôm nay, giá cà phê tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng/kg. Đây là mức tăng kỷ lục trong nhiều tuần trở lại đây. Thương lái tích cực thu gom lượng lớn cà phê do lo ngại khan hiếm nguồn cà phê chất lượng để xuất khẩu.

Giá nông sản hôm nay chứng kiến đà tăng liên tiếp của giá cà phê. Ảnh minh họa

Giá tiêu tiếp đà tăng, thiết lập ngưỡng giá mới

Giá tiêu hôm nay (16.6) tiếp tục tăng mạnh từ 1.000 đến 2.000 đồng so với phiên giao dịch hôm qua. Tại các địa phương, giá tiêu đã vượt lên mức giá mới từ 76.000 đến 78.000 đồng/kg.

Trên thị trường hồ tiêu, giá thu mua tại Đăk Lăk, Đăk Nông đã tăng thêm 2.000 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 77.000 đồng/kg. Tính trong 2 phiên gần đây, giá tiêu đã tăng thêm 3.000 đến 4.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay. Hiện giao dịch ở mức 78.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Đây là địa phương có giá tiêu cao nhất cả nước.

Trong khi giá tiêu tại Gia Lai và Đồng Nai hiện đang ở mức 76.000 đồng/kg, tăng thêm 1.000 đồng/kg so với phiên giao dịch hôm qua.

Giá nông sản hôm nay, giá tiêu tiếp tục tăng thêm 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Nguồn:tintaynguyen

Ngược lại, giá tiêu tại Ấn Độ vẫn giảm sâu vì nhu cầu tiêu thụ suy yếu trong khi nguồn cung tiêu nhập khẩu giá rẻ vẫn còn nhiều và sàn giao dịch Ấn Độ cũng vừa giải phóng dự trữ. Người bán trong nước thậm chí phải hạ giá bán để cạnh tranh với tiêu nhập khẩu.

Giá tiêu tại Ấn Độ đang giảm mạnh vì nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Ảnh minh họa

Giá tiêu giao ngay giảm thêm 300 rupee trong ngày 15.6 xuống 48.900 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 50.900 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Giá tiêu của Ấn Độ xuất sang châu Âu và Mỹ cũng lần lượt giảm về 8.125 USD/tấn và 8.375 USD/tấn.

Trên thị trường kỳ hạn, có 25 tấn tiêu được giao dịch với giá 485 – 500 rupee/kg.

Giá tăng do khan hiếm cà phê chất lượng

Giá nông sản hôm nay tiếp tục chứng kiến đợt tăng mạnh của cà phê. Những tác động từ thị trường thế giới cùng với việc thương lái đẩy mạnh mua vào do lo ngại thiếu nguyên liệu chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo đó, giá cà phê tại Lâm Đồng giao dịch với mức 44.700 đến 44.800 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với phiên giao dịch hôm qua.

Giá cà phê tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum cũng tiếp tục tăng mạnh, hiện giao dịch ở mức 45.000 đên 45.200, tăng từ 900 đến 1.000 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta tại TP. HCM được giao dịch ở mức 47.200 đồng/kg, tăng thêm 900 đồng/kg so với phiên giao dịch hôm qua.

Giá nông sản hôm nay, giá cà phê tăng thêm 1.000 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen

Trên thị trường cà phê thế giới, giá robusta ghi nhận một trong những phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm trong ngày 15.6, với giá robusta giao tháng 7 tăng tới 3% lên cao nhất hai tháng ở 2.090 USD/tấn.

Giới giao dịch cho hay, giá robusta trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với ngưỡng kháng cự kỹ thuật, mức giá trung bình của 200 phiên giao dịch gần nhất, là 2.108 USD/tấn.

Đà tăng mạnh trên sàn ICE London cũng giúp sàn ICE New York phục hồi trong hôm qua, với giá arabica giao tháng 9 tăng 0,23% lên 128,05 Uscent/pound, sau khi xuống thấp nhất một năm trong phiên kế trước.

Theo đó, giới thương lái tại Việt Nam cũng mạnh tay tăng giá thu mua cà phê nguyên liệu ở một số tỉnh Tây Nguyên lên vượt ngưỡng 45.000 đồng/kg.

Mặc dù giá tăng mạnh nhưng thị trường giao dịch vẫn kém sôi động do thiếu nguồn cung cà phê chất lượng cao. “Giới thương lái đang lo ngại không có đủ nguồn cung cà phê chất lượng cao để bán cho các nước nhập khẩu. Đó là lý do họ vẫn e ngại ký kết các hợp đồng mới dù giá đã tăng trở lại”, theo chuyên gia phân tích nhận định.

Chênh lệch giá giữa cà phê robusta loại 2 của Việt Nam với giá hợp đồng giao tháng 9 trên sàn London thu hẹp về 10 – 20 USD/tấn, từ 20 - 30 USD/tấn của tuần trước.

Lo ngại thiếu nguồn cà phê chất lượng để phục vụ xuất khẩu. Ảnh minh họa

Trên thị trường kỹ thuật, giá robusta tăng mạnh trong phiên 15/6 chủ yếu nhờ thị trường xuất hiện lực mua mới của giới đầu cơ, giới giao dịch cho hay.

Trên thị trường hàng thực, sau một thời gian ngừng mua cà phê vì dư thừa dự trữ, một số doanh nghiệp rang xay cũng đã quay lại thị trường.

“Thị trường thực sự đang gặp vấn đề về nguồn cung robusta. Nếu không vì sàn New York (từng xuất hiện lực bán tháo trên sàn New York trong vài phiên trước) thì giá robusta còn tăng mạnh hơn nữa. Thị trường robusta giao ngay đang tăng giá rất mạnh vì thị trường đang đồn đoán về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung,” một chuyên gia giao dịch cho biết.

Trên sàn London, giá hợp đồng robusta giao tháng 9 đang tạo được khoảng cách rất lớn so với các hợp đồng khác. Điều này chứng tỏ, giới đầu cơ đang đặt cược nhiều vào khả năng nguồn cung cà phê sẽ bị thắt chặt trước khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch tới.

Ngược lại tại Indonesia, nguồn cung cà phê lại rất dồi dào vì vụ thu hoạch đang đến thời kỳ đỉnh điểm, giới thương lái ở Lampung cho biết. Chênh lệch giá giữa cà phê robusta loại 4 của Indonesia và giá robusta giao tháng 7 trên sàn London không đổi so với tuần trước, ở mức 30 USD/tấn.

B.C