Giá hồ tiêu trong nước hôm nay vẫn giảm ở một số địa phương.
Giá tiêu vẫn chao đảo
Giá hồ tiêu hôm nay khoogn còn những đợt giảm mạnh như tuần trước. Giá hồ tiêu các tỉnh Tây Nguyên vẫn duy trì được mức giá từ phiên chốt tuần trước.
Tại Đăk Lăk, giá hồ tiêu hôm nay duy trì ở mức 77.000 đồng/kg, giá tiêu tại Đăk Nông là 78.000 đồng/kg, còn tại Gia Lai duy trì mức 75.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn duy trì mức 77.000 đồng/kg. Riêng Đồng Nai và Bình Phước, giá tiêu giảm 1.000 đồng/kg, hiện duy trì mức 76.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu Tây Nguyên hôm nay đã tương đối ổn định. Nguồn: tintaynguyen
Tại Ấn Độ, tuần qua giá hồ tiêu giao ngay duy trì ổn định nhờ yếu tố tỷ giá. Theo nguồn tin từ thị trường, đồng rupee mạnh có thể khiến nhập khẩu gia tăng.
Trên thị trường đầu mối, 36 tấn hồ tiêu được giao dịch, trong đó 16 tấn hàng nhập khẩu được giao dịch ở mức 420 rupee/kg, trong khi 10 tấn hồ tiêu từ Pulpally và Bathery của Wayanad được giao dịch ở 435 rupee/kg, 10 tấn hồ tiêu chất lượng cao được bán với giá 445 – 450 rupee/kg.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Ấn Độ sang châu Âu là 7.225 USD/tấn, và sang Mỹ là 7.475 USD.
Cà phê có thêm động lực
Giá cà phê trong nước phiên đầu tuần chủ yếu là đi ngang. Tại các địa phương chưa xuất hiện biến động giá.
Giá cà phê tại Lâm Đồng có điểm tăng nhẹ 100 đồng/kg, nhìn chung vẫn ổn định trong khoảng 41.700 đến 42.000 đồng/kg.
Tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum giá cà phê hôm nay vẫn giữ nguyên mức giá từ cuối tuần trước, dao động trong khoảng 43.000 đến 43.200 đồng/kg.
Giá cà phê R1 tại TP.HCM giao dịch ở mức 44.800 đồng/kg, giảm nhẹ 100 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá cà phê hôm nay đi ngang. Nguồn: tintaynguyen
Nhận định về diễn biến thị trường cà phê cuối năm, Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong ba tháng cuối năm sẽ cải thiện nhờ người dân bắt đầu vào vụ thu hoạch mới.
Nông dân tại một số khu vực thu hoạch sớm bởi điều kiện thời tiết thuận lợi giúp cà phê chín nhanh hơn. Hơn nữa, vì lượng cà phê tồn kho từ niên vụ 2016 – 2017 còn rất thấp nên người dân phải thu hoạch sớm để đảm bảo nguồn cung cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết. Việt Nam bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê chính từ tháng 10.
Ngoài ra, cà phê Việt Nam có thể chiếm ưu thế so với cà phê Brazil trong niên vụ này vì sản lượng của Brazil dự báo thấp hơn kỳ vọng. Cơ quan quản lý nguồn cung cà phê quốc gia Brazil (Conab) vừa hạ dự báo sản lượng cà phê năm 2017 của nước này xuống còn 44,77 triệu bao, thấp hơn dự báo trước đó 790.000 bao. Đây là mức sản lượng thấp thứ hai ghi nhận được trong 10 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, nhu cầu cà phê dự báo sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm như thông lệ để phục vụ nhu cầu nghỉ lễ cuối năm tại các thị trường tiêu thụ lớn.
Bộ Công thương dự báo giá cà phê trong nước sẽ tăng trong những tháng cuối năm
Bộ Công thương nhận định, mặc dù niên vụ cà phê 2016 – 2017 của nước ta bị mất mùa nhưng đây vẫn có thể xem là năm thuận lợi cho xuất khẩu cà phê Việt Nam vì sản lượng cà phê toàn cầu đều giảm; và mất mùa cà phê ở Brazil đã đẩy giá cà phê toàn cầu lên cao.
Kết quả là, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu giảm mạnh nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng nhẹ.
Một thông tin đáng lưu ý, theo Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết, tổng khối lượng cà phê xuất khẩu tháng 9 của nước này giảm 11,5% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, về 2,3 triệu bao.
Trước đó, Cecafe dự đoán xuất khẩu cà phê Brazil, gồm cà phề arabica, robusta và cà phê công nghiệp, sẽ tăng 20%.
Đây là diễn biến bất thường đối với Brazil, bởi tháng 9 hàng năm thường là thời điểm dự trữ cà phê trong nước tăng mạnh vì người dân bước vào vụ thu hoạch. “Vì thế, tháng 9 xưa nay vẫn được xem là tháng xuất khẩu mạnh,” Chủ tịch Cecafe, ông Nelson Carvalhaes, cho biết.
Theo ông Carvalhaes, xuất khẩu cà phê giảm do sản lượng thu hoạch năm nay giảm trong khi các hãng sản xuất lại miễn cưỡng bán ra ở mức giá hiện tại.