dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay (15.7): Cà phê tăng vọt 46.000 đồng/kg, hồ tiêu gian nan

Giá nông sản hôm nay chứng kiến đợt tăng mạnh trên thị trường cà phê, mức giá 46.000 đồng/kg được thiết lập. Ngược lại, giá hồ tiêu ít biến động nhưng cơ hội tăng giá ngày càng hiếm hoi.

Giá hồ tiêu vẫn rất thấp khiến người trồng tiêu ngày càng khó khăn. Ảnh minh họa

Hồ tiêu trước thách thức mới

Giá nông sản hôm nay tiếp tục cho thấy những diến biến bất lợi trên thị trường hồ tiêu. Sau phiên giảm mạnh vào hôm qua, giá tiêu hôm nay đã chững lại. Tuy vậy vẫn xuất hiện xu hướng giảm giá tại một số địa phương.

Khảo sát tại tỉnh Tây Nguyên và Bà Rịa – Vũng Tàu, giá hồ tiêu hôm nay vẫn duy trì mức giá cũ giao dịch trong khoảng 76.000 đến 79.000 đồng/kg.

Chỉ duy nhất tại Đồng Nai, giá hồ tiêu giảm 1.000 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức giá 76.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu hôm nay ít biến động, xu hướng giảm vẫn chi phối. Nguồn: tintaynguyen

Trong các mặt hàng nông sản chủ lực, hồ tiêu là mặt hàng bị giảm mạnh nhất về giá trị XK trong nửa đầu năm nay.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2017, XK hồ tiêu ước đạt trên 715 triệu USD, giảm 16,8% so cùng kỳ 2016. Tuy giảm khá nhiều về giá trị nhưng XK hồ tiêu vẫn diễn ra một cách bình thường, thậm chí có thể nói là vẫn có sự thuận lợi khi lượng XK tăng tới 18,3% so với cùng kỳ và ước đạt trên 125.000 tấn.

Bà Nguyễn Thị Mai Oanh, PCT Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết, giá trị hồ tiêu XK giảm là do giá tiêu trên thế giới giảm nhiều bởi tình trạng cung vượt cầu. Hàng năm thế giới cần khoảng 400.000 - 420.000 tấn nhưng năm nay, do nguồn cung của Việt Nam quá cao nên dự kiến sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2017 sẽ khoảng 500.000 tấn, chưa kể lượng dự trữ từ năm trước chuyển sang.

Trong 6 tháng cuối năm, giá hồ tiêu XK nhiều khả năng vẫn thấp, qua đó, khiến cho kim ngạch XK cả năm bị giảm. Nhưng nhờ lượng tiêu XK có thể cao hơn năm trước, nên giá trị XK tiêu cả năm sẽ không giảm quá nhiều.

Thị trường hồ tiêu sẽ còn khó khăn hơn khi Indonesia và Brazil bắt đầu giải phóng mạnh hàng dự trữ vì lo ngại giá sẽ giảm. Giá tiêu toàn cầu sẽ chịu áp lực lớn khi nguồn cung ngày càng tăng trong khi nhu cầu vẫn yếu ớt.

Giá cà phê vọt lên mức 46.000 đồng/kg

Những lo ngại về sụt giảm nguồn cung cà phê toàn cầu đã đẩy cà phê tăng liên tiếp trong 2 phiên giao dịch gần đây. Trong hôm nay, giá cà phê tiếp tục tăng mạnh từ 900 đến 1.000 đồng/kg để bứt lên mức giá 46.000 đồng/kg.

Khảo sát tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê đã vượt trên ngưỡng 45.000 đồng, hiện giao dịch ở mức 45.000 đến 45.400 đồng/kg, tăng từ 700 đến 1.000 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum tăng vọt lên ngưỡng 46.000 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 46.000 đến 46.100 đồng/kg, mức tăng từ 800 đến 1.000 đồng/kg.

Giá Robusta tại TP.HCM cũng trong xu hướng tăng mạnh khi mức giá hôm nay giao dịch đạt 47.500 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với phiên giao dịch hôm qua.

Giá cà phê hôm nay tăng mạnh, vượt lên ngưỡng giá mới. Nguồn: tintaynguyen

Giá cà phê trong nước tăng mạnh sau khi giá robusta tăng khoảng 2% trong phiên hôm 13.7 tại thị trường London. Ngoài ra, giá arabica tại New York cũng tăng mạnh tới 2,82% lên vượt ngưỡng giá trung bình của 50 ngày gần nhất, giao dịch ở 131,20 Uscent/pound.

Các nhà phân tích nhận định rằng, giá cà phê thế giới tăng mạnh trên cả hai sàn khi có tin tức dự báo thời tiết Brazil trong tuần tới. Theo dự báo, Brazil đầu tuần sẽ có mưa rào, trời nhiều mây và nhiệt độ thấp nhất chỉ vào khoảng 11 – 12 độ C. Mưa và nhiệt đô xuống thấp gây lo ngại về tiến độ thu hoạch vụ cà phê hiện tại của Brazil.

Những thông tin về sản lượng cà phê tại Việt Nam cũng tác động tới xu hướng đẩy giá. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, XK cà phê trong nửa đầu năm nay giảm về lượng nhưng tăng về giá trị. Cụ thể, từ đầu năm đến giữa tháng 6, ngành cà phê đã XK được 766.959 tấn, đạt giá trị 1,734 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê XK giảm 14,97%, nhưng lại tăng 11,5% về giá trị.

Lượng cà phê XK giảm, có nguyên nhân quan trọng từ việc giảm sản lượng trong niên vụ 2016/2017, bởi ảnh hưởng khô hạn trong quá trình sinh trưởng của cây cà phê và mưa lớn khi cà phê ra hoa. Bên cạnh đó, diện tích cà phê giảm ở nhiều địa phương do nông dân chuyển sang cây trồng khác hoặc xen canh... cũng làm giảm sản lượng cà phê. Đã có nhiều dự đoán khác nhau về sản lượng cà phê niên vụ 2016/2017, nhưng đều có một điểm chung là sản lượng giảm nhiều. Chẳng hạn, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng sản lượng giảm 20 - 30%.

Sản lượng dự báo sẽ sụt giảm trong năm nay khiến giá cà phê tăng mạnh. Ảnh minh họa

Trong bản báo cáo về cung - cầu cà phê thế giới, công bố hồi giữa tháng 6 vừa rồi, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê robusta Việt Nam chỉ đạt khoảng 25,6 triệu bao (mỗi bao là 60kg), giảm 2,23 triệu bao so với niên vụ 2015/2016. USDA cũng dự báo XK cà phê niên vụ 2016/2017 của Việt Nam chỉ đạt 25 triệu bao, giảm 1,95 triệu bao so niên vụ trước.

Còn theo Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê (Cecafe) Brazil vừa có báo cáo về tình hình xuất khẩu cà phê tháng 6 giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2.051.611 bao. Trong đó, cà phê Arabica giảm 11% xuống còn 1.791.463 bao, Conilon Robusta giảm 77,2% xuống còn 19.016 bao và cà phê hòa tan, chế biến GTGT giảm 31,8% xuống còn 241.132 bao, bao 60 kg. Cecafe nhấn mạnh đây là tháng có lượng xuất khẩu cà phê Conilon Robusta thấp nhất kể từ năm 1990.

Trong khi đó, Jorge Narvaez, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mexico ước tính sản lượng cà phê Arabica của quốc gia thuộc khối sản xuất Trung Mỹ đã tăng gấp ba lần trong vòng 15 năm qua nhờ cải thiện năng suất.

Những thông tin dồn dập về sản lượng cà phê đã hỗ trợ đẩy giá tăng mạnh, đà tăng có thể sẽ kéo dài sang những phiên giao dịch tuần tới.

Bình Nguyên