dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay (14.7): Giá cà phê tăng ngoạn mục, hồ tiêu lại chìm vào bế tắc

Giá nông sản hôm nay xuất hiện hai xu hướng trái ngược trên thị trường cà phê và hồ tiêu. Sau những phiên giảm liên tiếp, giá cà phê hôm nay đã bật tăng mạnh. Trong khi mọi kỳ vọng khởi sắc với giá hồ tiêu đã không còn, đà giảm tiếp tục nhấn hồ tiêu vào bế tắc.

Giá cà phê hôm nay đã lấy lại đà tăng do thông tin sản lượng thu hoạch giảm. Ảnh minh họa

Lo thiếu nguồn cung đẩy giá cà phê tăng mạnh

Sau ba phiên giảm liên tiếp giá cà phê trong nước hôm nay đã tăng mạnh trở lại. Chỉ trong một phiên tăng, cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã lấy lại ngưỡng 45.000 đồng/kg.

Khảo sát tại Lâm Đồng, giá cà phê hiện giao dịch ở mức 44.300 đến 44.400 đồng/kg, tăng từ 300 đến 500 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum cũng tăng mạnh và lấy lại mức giá 45.000 đồng, sau khi để tụt mất trong hai phiên giao dịch trước.

Tại các địa phương này hiện giá giao dịch quanh ngưỡng 45.000 đến 45.100 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với phiên giao dịch trước.

Cũng nằm trong xu hướng tăng, nhưng giá cà phê R1 tại TP.HCM chỉ tăng nhẹ 100 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 46.700 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay đã tăng mạnh để lên mốc 45.000 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen

Thị trường cà phê bất ngờ cơ phiên tăng mạnh, theo các nhà phê tích là do những thông tin khiến nhà đầu cơ lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Hiện tại Colombia, nước sản xuất cà phê arabica lớn thứ hai thế giới, đang vào giữa vụ cà phê phụ (vụ mitaca, bắt đầu từ tháng 4) và sẽ bắt đầu thu hoạch vụ chính từ tháng 10. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài kèm theo xu hướng giảm giá trên cả thị trường khiến việc thu hoạch vụ cà phê cũng như hoạt động thương mại cà phê của Colombia bị trì trệ.

Theo ông Joseph Reiner, Trưởng phòng thương mại cà phê của Cofco, mưa lớn khiến quá trình trưởng thành của cây cà phê chậm lại, hoa sẽ nhỏ hơn và rụng nhiều hơn. Theo đó, cả sản lượng và chất lượng cà phê của Colombia trong vụ chính dự báo đều sẽ giảm.

“Công tác thu hoạch bị trì hoãn vì lượng mưa quá lớn trong khi giá cả cũng không đủ cao để kích thích người dân bán ra. Tình trạng tương tự cũng từng xảy ra vào năm ngoái và vụ thu hoạch sau đó đã bị ảnh hưởng lớn, ” ông Reiner nói.

Thời tiết đã ảnh hưởng đến sản lượng cà phê toàn cầu trong vụ thu hoạch năm nay. Ảnh minh họa

Trong tháng 6, mưa lớn khiến sản lượng cà phê của Colombia giảm 9%, sau khi đã giảm gần 23% trong tháng trước đó, theo số liệu của Hiệp hội Cà phê Colombia.

Còn tại Brazil, nông dân cũng đang thu hoạch vụ cà phê 2017 – 2018, và sản lượng dự báo giảm vì cây cà phê tại đây đang vào chu kỳ năng suất thấp. Giới thương lái cho hay, sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ này sẽ chỉ đạt 48 – 52 triệu bao. Hiện tại, Brazil đã thu hoạch được 50 – 60% diện tích cà phê, theo kết quả khảo sát của Cofco.

“Khi nhìn vào nhu cầu tiêu thụ, và đối chiếu với tình hình thu hoạch vụ mitaca tại Colombia và Brazil đến thời điểm hiện tại hay triển vọng sản lượng của Việt Nam, chúng ta sẽ nhận thấy nguy cơ thiếu hụt nguồn cung rất lớn,” ông Reiner nói.

Giá tiêu luẩn quẩn trong bế tắc

Giá hồ tiêu đã dập tắt mọi kỳ vọng về một chuỗi tăng giá khi quay đầu giảm. Mốc 80.000 được thiết lập trong phiên tăng mạnh hôm trước đã không còn khi ở một số tỉnh hồ tiêu đã giảm 1.000 đồng/kg.

Khảo sát tại Đăk Lăk, Đăk Nông, giá hồ tiêu hôm nay chỉ còn giữ được mức giá 77.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với phiên giao dịch trước.

Mức giá 80.000 đầy hứa hẹn cũng không giữ được khi giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giảm 1.000 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 79.000 đồng/kg.

Riêng tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai giá tiêu vẫn giao dịch mức giá từ 76.000 đến 77.000 đồng/kg, đây là mức giá không đổi từ 2 phiên giao dịch trước.

Những bất ổn đã kéo giá tiêu giảm trở lại. Nguồn: tintaynguyen

Mặc dù những phiên gần đây giá tiêu đã có những phiên tăng mạnh, nhưng xu hướng giảm vẫn chi phối.

Theo phân tích của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hầu hết các hộ sản xuất hồ tiêu đang dự trữ số lượng lớn để chờ giá lên. Các đại lý mua cầm chừng hơn vì tâm lý không muốn trữ hàng, chưa kể một lượng lớn đã mua vào ở mức giá 110.000 đồng một kg hồi tháng 3 không thể bán ra càng khiến thị trường khó bật lên.

Tình hình xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng bị chững lại, trong khi nguồn cung vượt cầu khiến giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu ghi nhận mức giảm kỷ lục 27%. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải đối mặt với việc các nhà nhập khẩu muốn từ chối nhận hàng, đưa ra các yêu sách về chất lượng để ép giá.

VPA dự báo trong thời gian gần giá tiêu sẽ chưa được như kỳ vọng do các nước Hồi giáo vẫn đang trong tháng lễ Ramadan, trong khi nguồn cung toàn cầu lại sắp có thêm vài chục nghìn tấn của Indonesia.

Hơn nửa năm qua, người trồng tiêu vẫn hết sức khó khăn khi giá tiêu liên tục giảm. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu trong tháng 6.2017 đạt 22.857 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch107,86 triệu USD, giảm 13,5 % về lượng và giảm 22,0% về giá trị so với tháng trước, đồng thời tăng 18,6% về lượng nhưng lại giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 4.719 USD/tấn, giảm 9,74 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 5.2017. Lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đạt tổng cộng 125.847 tấn tiêu các loại với giá trị 712,62 triệu USD.

Bình Nguyên