Thị trường hồ tiêu trong nước tăng nóng trong tuần qua. Ảnh minh họa
Hồ tiêu sẽ hạ nhiệt?
Giá hồ tiêu hôm nay đã xác lập đỉnh trên 91.000 đồng/kg trong phiên chốt của tuần này. Khép lại 5 ngày đầu tháng 8, giá tiêu đã tăng thêm 7.000 đồng/kg tại hầu hết các tỉnh. Những đợt tăng liên tiếp từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg.
Tại Tây Nguyên, giá hồ tiêu tại Đăk Lăk đã đạt mức 89.000 đồng/kg, Gia Lai 87.000 đồng/kg, tại Đăk Nông đạt mức 90.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu tiếp tục tăng lên mức 91.000 đồng/kg. Còn ở Đồng Nai, giá hồ tiêu giao dịch ở mức 87.000 đồng/kg.
Trước diễn biến giá tiêu tăng nóng, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã phát đi lời cảnh báo sau khi tiếp nhận thông tin từ một số doanh nghiệp thành viên đã phản ảnh về tình trạng thương lái Trung Quốc đến mua hàng và sẵn sàng ký kết hợp đồng dù đưa ra mức giá cao, sau đó trì hoãn thực hiện hợp đồng.
Nhận định về đồng thái này, một số nhà phân tích cho rằng đó là cần thiết để người trồng tiêu cảnh giác, tránh thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi thông tin của VPA có phản ảnh đầy đủ diễn biến thị trường hay không khi chỉ tiếp nhận phản ảnh từ một số doanh nghiệp thành viên.
Trước đó, có nhiều thông tin cho rằng sản lượng tiêu dự trữ trong nước đã không còn nhiều, trong khi nhu cầu mua tiêu xuất khẩu Trung Quốc và Ấn Độ tăng cao. Hiện giá tiêu tại Ấn Độ đã lên tới 165.000 đồng/kg.
Thị trường sẽ cần thời gian để kiểm chứng những cảnh báo của VPA, tuy nhiên một diễn biến thấy ngay là giá tiêu cuối ngày 05.8 đã hạ nhiệt. Mức 90.000 đồng/kg của một số tỉnh Tây Nguyên đã không giữ được. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu cũng giảm về ngưỡng 90.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu cuối ngày 05.8 đã hạ nhiệt. Nguồn: giatieu.com
Một diễn biến cũng sẽ tác động đến giá tiêu Việt Nam là những thông tin từ cơ quan chức năng Ấn Độ về việc kiểm soát chặt tiêu nhập khẩu từ Việt Nam do nghi vấn về dư lượng thuốc trừ sâu cao. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, Ấn Độ đã nhập khẩu 7.355 tấn tiêu của Việt Nam.
Do xiết chặn nguồn nhập khẩu nên giá tiêu tại Ấn Độ đã tăng cao, giá xuất khẩu ở mức 7.925 USD/tấn sang châu Âu và 8.125 USD/tấn sang Mỹ.
Cà phê dò đường tìm động lực mới
Giá cà phê tuần qua có những diễn biến nghịch chiều. Sau khi giảm vào đầu tuần sau đó tăng mạnh và tiếp tục giảm nhẹ trong 2 phiên cuối. Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê Tây Nguyên đã rời khỏi mức 46.000 đồng/kg.
Tại một số tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê tại Lâm Đồng đang giao dịch ở mức 45.200 đến 45.300 đồng/kg. Tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, giá cà phê có nơi chỉ còn 45.900 đồng/kg, Kon Tum 45.500 đồng/kg.
Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 1 USD, xuống 2.144 USD/tấn. Trong khi kỳ hạn giao tháng 11 giảm 2 USD, còn 2.134 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2018 giảm 3 USD, còn 2.108 USD/tấn , các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo tiếp tục được thu hẹp.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 0,15 cent, xuống 140,2 cent/lb. Trong khi kỳ hạn giao tháng 12 giảm 0,15 cent, còn 143,8 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2018 giảm 0,1 cent, còn 147,35 cent/lb, các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Thông tin về nguồn cung sẽ tác động lớn đến giá cà phê tuần tới. Ảnh minh họa
Các nhà phân tích cho rằng cà phê trong những phiên cuối tuần có xu hướng dò đường, trước hàng loạt thông tin về sản lượng tăng cao ở một số quốc gia.
Liên đoàn Cà phê Colombia (Fedecafe) vừa thông báo sản lượng cà phê tháng 7 đạt 1.373.000 bao, tăng 24,59% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế sản lượng 10 tháng đầu niên vụ cà phê 2016/2017 đạt tổng cộng 12.112.000 bao, tăng 2,77% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Fedecafe cũng thông báo xuất khẩu cà phê tháng 7 đạt 1.007.000 bao, tăng 108,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu trong 10 tháng đầu niên vụ cà phê 2016/2017 đạt tổng cộng 11.180.000 bao, tăng 11,83% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Số liệu báo cáo cho thấy Colombia đang phấn đấu mục tiêu sản lượng năm nay khoảng 15 triệu bao và kỳ vọng xuất khẩu sẽ vượt quá niên vụ cà phê 2015/2016 được báo cáo là 12.291.000 bao.
Tại Honduras cũng thông báo xuất khẩu cà phê tháng 7 đạt 784.376 bao, tăng tới 94,53% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu 10 tháng đầu niên vụ cà phê 2016/2017 đạt tổng cộng 6,6 triệu bao, tăng 40,43% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước. Được biết Honduras, là một nước thuộc khu vực Trung Mỹ sản xuất chủ yếu cà phê Arabica chế biến ướt, đã đặt mục tiêu sản lượng năm nay 10 triệu bao.
Trước những diễn biến này, các thương nhân khu vực Đông Nam Á cho biết xuất khẩu cà phê Robusta từ Việt Nam sẽ còn giảm tiếp trong những tháng tới và sụt giảm lần này có thể để lại những quan ngại cho cả niên vụ sau do nhu cầu Robusta của thế giới ngày càng tăng. Cho dù Idonesia đang thu vụ Robusta mới và lượng hàng xuống tàu hiện nay có nhiều khả quan hơn năm trước.