Giá hồ tiêu vẫn duy trì mức giá thấp khiến người trồng tiêu chồng chất khó khăn. Ảnh minh họa
Hồ tiêu chồng chất khó khăn
Giá nông sản hôm nay tiếp tục có phiên giao dịch ảm đạm trên thị trường hồ tiêu. Tại thị trường nội địa, giá thu mua tại các vùng nguyên liệu lớn đang chững lại ở 76.000 – 78.000 đồng/kg.
Theo đó, giá tiêu hôm nay tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai vẫn duy trì ở mức giá cũ, giao dịch từ 76.000 đến 78.000 đồng/kg.
Giá nông sản hôm nay, giá hồ tiêu không đổi so với tuần trước. Nguồn:tintaynguyen
Xu hướng đi ngang của giá hồ tiêu đã duy trì trong nhiều phiên giao dịch gần đây. Động thái này càng khiến cho kỳ vọng giá hồ tiêu quay về thời hoàng kim là vô vọng.
Cùng đó, hồ tiêu xuất khẩu lại đón nhận tin không vui khi vừa qua một lượng lớn hồ tiêu đen nhập thị trường Đài Loan đã bị trả về.
Cụ thể, theo tin từ Cơ quan Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết một lô hàng 25 tấn tiêu đen từ Việt Nam đã không được cấp phép nhập vào Đài Loan do phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu quá mức.
Lô hàng này do công ty Tomax Enterprise, một nhà kinh doanh gia vị nổi tiếng ở Đài Loan nhập khẩu trong tháng 5.
Trong cuộc kiểm tra an toàn mới nhất của FDA, hạt tiêu là một trong 12 mặt hàng bị từ chối cấp phép thông quan vào thị trường Đài Loan vì dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng hoặc các chất tẩy trắng quá mức.
Giá cà phê đối mặt thử thách
Không còn giữ được đà tăng mạnh trong tuần trước, bước vào phiên giao dịch tuần này giá cà phê chỉ duy trì mức giá cũ.
Tại hầu hết các vùng nguyên liệu lớn ở Tây Nguyên đều chững lại sau khi tăng 1.400 đồng/kg vào tuần trước. Hiện tại, giá cà phê trong nước vẫn trên mức 45.000 đồng/kg.
Khảo sát giá nông sản hôm nay, giá cà phê tại Lâm Đồng hiện giao dịch ở mức 45.000 đến 45.300 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum giao dịch ở mức 45.800 đến 45.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta tại TP. HCM hôm nay vẫn duy trì mức 47.900 đồng/kg.
Giá nông sản hôm nay, giá cà phê vẫn duy trì trên mức 45.000 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen
Nếu so với tuần trước giá cà phê tăng thêm 1.400 đồng với 4 phiên tăng liên tiếp thì động thái đi ngang trong phiên đầu tuần này cho thấy cà phê đang đối mặt với thách thức mới.
Theo báo cáo mới nhất thì Việt Nam xuất được khoảng 100 ngàn tấn trong tháng 6 và tổng số xuất từ đầu vụ tháng 10.2016 đến nay ước đạt 1,1 triệu tấn. Các dự báo mới nhất cho rằng nửa cuối tháng 9.2017 này hàng vụ mới sẽ có nhưng không ai chắc có thể bù đắp được lượng hàng thiếu hụt cuối vụ hay không.
Thời tiết Brazil, vẫn dự báo lạnh hơn vào hôm nay, cũng là ngày Quốc khánh Mỹ, tuy nhiên đợt lạnh mang tính cục bộ hơn, không có sự tiếp sức, do đó không còn là nỗi lo có sự đe dọa của sương giá.
Giá cà phê tăng liên tiếp nhưng được dự báo có những biến động giảm trong tuần này. Ảnh minh họa
Hãng tin phân tích Safras & Mercado (Brazil) cho biết ước tính vụ mùa cà phê mới của Brazil cho đến nay đã thu hoạch được 44%, thấp hơn so với mức 47% vào cùng thời điểm năm ngoái. Trong số này, họ ước tính rằng 75% cà phê robusta conilon mới đã được thu hoạch, trong khi 88% đã được thu hoạch vào cùng thời điểm năm ngoái.
Bên cạnh đó, họ cũng ước tính rằng 35% sản lượng cà phê arabica mới đã được thu hoạch, thấp hơn so với 36% cùng kỳ. Tuy nhiên, có những lo ngại về chất lượng hạt cà phê arabica, trong đó hạt cà phê thu được ở phía nam bang Minas được cho là nhỏ hơn trung bình.
Trong báo cáo gần đây nhất, Commerzbank đã đưa ra dự báo cắt giảm giá cà phê Arabica. Ngân hàng này cho rằng giá bình quân của quý 4 năm nay sẽ chỉ ở mức 140cents/lb, tức là giảm 15cents/lb so với dự báo trước đó và sẽ giảm tiếp về 130cents/lb vào năm 2018. Mức giảm năm 2018 được đi liền với dự báo giảm giá của đồng Real Brazil. Đây cũng là dự đoán giảm về giá Arabica thứ 2 sau dự đoán của Rabobank gần đây.
Tình hình mua bán hàng thực tại Brazil chưa thật sự sôi động khi người mua hàng muốn mua số lượng lớn trong khi bên bán lưỡng lự và muốn chờ thêm bởi giá trừ lùi đang không tốt. Hiện tại giá giao kỳ hạn tháng 9 đang là -12cents/lb giao hàng trong nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8.
Trong khi đó tại Colombia tình hình đình trệ giao hàng vẫn tiếp tục, giá nội địa vẫn cao hơn giá xuất khẩu, các đơn hàng mới chào mua giao hàng tháng 9 đang +17cents/lb nhưng có vẻ như chưa đáp ứng mong đợi của bên bán hàng.
Còn tại Indonesia vừa kết thúc kỳ nghỉ lễ Ramadan nên không có số liệu được ghi nhận. Các thương nhận cho rằng sau cuộc họp G20 sắp tới tại Đức thì khả năng cao thị trường sẽ bán ra mạnh hơn Arabica chất lượng thấp nhằm khỏa lấp sự thiếu hụt Robusta giao ngay đang bị “đóng băng” giao dịch do chênh lệch giá nội địa và giá chào mua xuất khẩu và điều này sẽ giảm bớt sự căng thẳng nguồn cung trong quý 2.
Điều đáng ghi nhận là sự tham gia mua bán của các nhà giao dịch Trung Quốc khi họ mua hàng từ các nước sản xuất để bán lại cho các thương nhân Châu Âu.