Thói quen bán lúa tươi tại ruộng ngay khi thu hoạch khiến không ít nông dân phải tiếc nuối khi giá tăng cao sau đó
Nhiều năm qua, nông dân ĐBSCL đã từ bỏ thói quen dự trữ sau thu hoạch. Vụ này lái bỏ cọc trước mỗi công 500.000 đồng, mua lúa OM 5451 với giá 5.500 – 5.800 đồng/kg, tăng khoảng 450-600 đồng/kg so với vụ lúa HT vừa rồi nhưng nông dân cũng không còn lúa để bán.
Nông dân tiếc đứt ruột
Niên vụ sản xuất lương thực 2017 ở các tỉnh ĐBSCL đến thời điểm này gần như đã kết thúc. Hiện nay, vụ lúa hè thu (HT) đã thu hoạch dứt điểm. Lúa thu đông (TĐ) cũng đang bước vào thời điểm cuối vụ. Ở các tỉnh có diện tích sản xuất và sản lượng lớn như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp... diện tích lúa đang thu hoạch không còn nhiều, trong khi lúa dự trữ trong dân dường như không có do phần lớn đã bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch.
Rảo quanh các huyện trọng điểm về sản xuất lúa của Kiên Giang như Tân Hiệp, Giồng Riềng, Hòn Đất... đang thời điểm đón lũ lấy phù sa, đồng ruộng mênh mông nước. Đang lúc nông nhàn nên ông Nguyễn Minh Thiện, ở xã Tân Hiệp A, Tân Hiệp, khá rảnh rỗi.
Hơn 3 ha lúa TĐ của gia đình đã thu hoạch cách đây gần 3 tuần. Ông Thiện cho biết, thời điểm nông dân ở đây thu hoạch rộ cũng là lúc lúa trên đà tăng giá, ai cũng phấn khởi, cắt đến đâu là giao hết cho thương lái, nhận tiền tươi.
Trưởng phòng NN&PTNT Tân Hiệp cho biết, vụ TĐ toàn huyện gieo trồng được 34.158ha, đến nay đã thu hoạch dứt điểm, năng suất ước đạt 5,5 tấn/ha. “Phần lớn diện tích thu hoạch sớm khi giá lúa còn ở mức trung bình, chỉ có khoảng 10.000 ha thu hoạch vào thời điểm giá lúa tăng, nông dân khá phấn khởi. Tuy nhiên, do nông dân không còn thói quen trữ lúa chờ giá nên giá có tăng cao cũng chẳng mấy ai còn lúa bán, có tiếc cũng đành chịu”, ông Mạnh cho biết.
An Giang là một trong những tỉnh có diện tích lúa TĐ thu hoạch muộn nhất trong vùng, hiện đang bước vào đợt cao điểm thu hoạch. Nhiều nông dân nơi đây cho biết, ít khi nào vào đợt thu hoạch rộ mà giá lúa lại liên tục tăng lên từ 300-600 đồng/kg chỉ trong thời gian ngắn. Lúa thu hoạch đến đâu thương lái túc trực sẵn thu mua đến đấy. Chính vì vậy hàng ngàn nông dân An Giang hết sức phấn khởi ở vụ mùa năm nay.
Hiện nay đã vào cuối vụ nên lúa trên ruộng chưa thu hoạch còn rất ít
Anh Từ Khánh Nhơn, nông dân ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú đang thu hoạch 2ha lúa TĐ phấn khởi cho biết: Tuy vụ này làm lúa cực ở chỗ phải bảo vệ đê không cho lũ vào, nhưng vui nhất 2 tuần trở lại đây thương lái đến tận nhà xin đặt tiền cọc để mua lúa tươi tại ruộng. Vụ này lái bỏ cọc trước cho gia đình anh mỗi công 500.000 đồng, mua lúa OM 5451 với giá 5.500 – 5.800 đồng/kg, tăng khoảng 450-600 đồng/kg so với vụ lúa HT vừa rồi. Theo anh Nhơn, năng suất lúa năm nay đạt tầm 850 kg/công, sau khi trừ hết chi phí lãi gần 2 triệu đồng/công.
Tại TP Cần Thơ, nông dân thu hoạch lúa TĐ bán được giá cao hơn từ 250-450 đồng/kg so với vụ trước. Trên những cánh đồng ở 2 huyện Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ, thương lái mua lúa tươi IR 50404 tại ruộng với giá 5.100-5.200 đồng/kg, lúa tươi hạt dài từ 5.200 – 5.500 đồng/kg. Nhiều bà con cho biết nhờ vụ này ít bị sâu bệnh nên năng suất cũng đạt khoảng 6-6,6 tấn/ha.
Tại Vĩnh Long, theo báo cáo từ UBND tỉnh cho thấy sơ bộ qua 3 vụ sản xuất, do ảnh hưởng của hạn mặn vẫn còn, diện tích lúa gieo trồng cả năm chỉ đạt 168.805 ha, giảm 7.624 ha so với năm 2016, năng suất bình quân ước đạt 5,5 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 938 nghìn tấn, ước giảm 7 nghìn tấn. Tuy diện tích gieo trồng cả năm giảm nhưng nhìn chung năng suất cao đã góp phần ổn định sản lượng lúa của tỉnh. Riêng vụ TĐ 2017 nông dân Vĩnh Long đã gieo trồng 50.867 ha, tăng 2.966 ha so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp lo vỡ hợp đồng
Trong khi giá lúa tăng khiến nông dân còn lúa khá phấn khởi thì ở chiều ngược lại thương lái và doanh nghiệp phải chật vật thu gom lúa nguyên liệu do nguồn cung hạn chế. Anh Nguyễn Thanh Nhã, thương lái thu mua lúa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: Hiện tại trong TP Cần Thơ không còn nhiều lúa để mua, phải chạy ghe sang các tỉnh như Kiên Giang và An Giang thu mua mất từ 2-3 ngày mới xong chuyến ghe 30 tấn, đem đi sấy và xay gạo bán cho các DN xuất khẩu.
Anh Nhã nói: Vụ này giá lúa tăng các DN xuất khẩu điện thoại đặt hàng thương lái chúng tôi với số lượng lớn và thu mua với giá cao hơn trước từ 400-700 đồng/kg gạo. Chính vì vậy chúng tôi tăng cường chạy ngày đêm để tăng chuyến, thu gom kiếm lời. Nhưng lúc này lúa TĐ đã cuối vụ nên rất khó mua. Để mua được lúa phải thông qua “cò” ở địa phương giới thiệu xuống dân đặt cọc trước 15-20 ngày, khi đến ngày thu hoạch mới cho ghe xuống có thể mua được lượng lúa theo ý muốn.
“Nếu không đặt cọc trước người dân không bán lúa cho mình, mà bán cho thương lái khác mua với giá cao hơn”, anh Nhã nói.
Để có đủ gạo xuất khẩu, không ít thương lái và doanh nghiệp phải chật vật thu gom lúa nguyên liệu do nguồn cung hạn chế
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Vụ lúa TĐ thành phố xuống giống gần 74.000 ha, đến thời điểm này cơ bản thu hoạch gần xong, chỉ còn khoảng 2.000 ha tại huyện Vĩnh Thạnh đang bước vào đợt cao điểm, năng suất tốt, giá bán cao hơn khoảng 250-450 đồng/kg so với vụ trước.
Bà Kiều nhận định, lúa hiện nay đang tăng cao do cuối vụ, trong khi đó nào giờ người dân quen bán lúa tươi tại ruộng nên ít dự trữ trong nhà, khi giá lúa tăng càng không có lúa để đáp ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta năm nay có nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khó tính.
Bà Nguyễn Thị Kiều
Ông Trần Ngọc Toàn (còn gọi là Lái Thành), một người chuyên đứng ra đặt cọc đầu công để thương lái và doanh nghiệp ở các cánh đồng tại Vĩnh Long cho biết: “Giá lúa OM 5451 đang lên trở lại so với đầu và giữa vụ. Nếu như cách đây hơn 1 tháng, giá ở mức 5.000 đồng/kg lúa tươi thì đến thời điểm này đã tăng lên 5.450 đồng – 5.600 đồng/kg. Thấy giá lúa còn biến động, nhiều nông dân vẫn chưa chịu bán, tâm lý còn đợi giá lên nữa. Cách đây 2-3 ngày giá lúa lên đỉnh điểm 5.600 đồng/kg, tôi thu mua một ngày được khoảng 2.000 công, hôm qua lúa còn 5.500 đồng/kg thì nông dân bán cầm chừng, số lượng mua được chừng 500 công, đến hôm nay thì không ai bán”.
Ông Nguyễn Trung Tín, Giám đốc Cty CP nông lâm nghiệp Phan Minh (Kiên Giang) cho biết: “Hiện nay doanh nghiệp vẫn thu mua được gạo nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu nhưng cũng gặp không ít khó khăn do phải gom hàng nhiều nơi. Hơn nữa, xuất được hàng lúc này chưa phải là mừng vì giá đầu vào đang cao hơn giá đầu ra, xuất nhiều sẽ bị thua lỗ”.