Ông cũng mang theo câu chuyện về hành trình thoát nghèo kỳ diệu ở vùng biên giới của những người Brâu - dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Đắk Mế giờ khác xưa nhiều lắm!
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thao Lợi luôn nhắc đến sự đổi thay kỳ diệu của ngôi làng Đắk Mế. Đã có kinh nghiệm 10 năm làm trưởng thôn, ông Thao Lợi đã chứng kiến mọi sự đổi thay của đồng bào mình, của một ngôi làng vùng biên giới, chứng kiến cả sự hồi sinh kỳ diệu của tộc người Brâu - tộc người mà năm 1979 chỉ còn vẻn vẹn 96 người, thậm chí có thời điểm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì tỷ lệ tử nhiều hơn tỷ lệ sinh.
“Có thời điểm người Brâu của mình chỉ sống trong hang tối, năm 1976, một cuộc di dân ra vùng sáng được Nhà nước triển khai. Hơn 150 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu được đưa về Đắk Mế sinh cơ lập nghiệp, trẻ con được đi học, người lớn được chỉ cách trồng cây cao su, cà phê, nên cái đói không còn đeo bám nữa” – ông Thao Lợi nói.
Cũng theo ông Thao Lợi, thôn Đắk Mế hiện có 275 hộ, 995 nhân khẩu, trong đó có khoảng 138 hộ đồng bào Brâu sinh sống (452 khẩu). Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi có nhiều đổi thay tích cực. Từ chỗ chỉ trồng lúa, trồng mì, đến nay, hầu hết các gia đình người Brâu đều đã chuyển đổi trồng cao su, cà phê, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo.
“ Trước đây, đồng bào Brâu chỉ trồng lúa, trồng mì, bây giờ bà con dân làng đã phát triển được 20ha cà phê, 60ha cao su và từ chỗ đa số đều thuộc diện nghèo nhưng đến nay, chỉ còn 12 hộ nghèo” – ông Lợi khoe.
Mong Hội luôn sát cánh, đồng hành cùng nông dân
Không chỉ là một già làng uy tín của cộng đồng người Brâu, ông Thao Lợi còn có kinh nghiệm 10 năm làm trưởng thôn, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân.
Khi chúng tôi hỏi về kinh nghiệm làm thế nào để đồng bào nghe và làm theo, ông Lợi cười bảo: “Muốn bà con nghe thì mình phải tiên phong làm trước, như nhà tôi, nhiều năm nay cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cà phê, cao su vào trồng. Hiện, gia đình tôi có 1.500 cây cao su, 1,5ha trồng sắn, cuộc sống đã ổn hơn trước rất nhiều” – ông Lợi khoe.
Một góc làng Đắk Mế hôm nay. Ảnh: I.T.
Cũng theo ông Lợi, để người Brâu có được cuộc sống với nhiều đổi thay như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trước đây, người Brâu sau khi gieo hạt giống xuống ruộng rẫy chỉ biết trông chờ mưa thuận gió hòa, bây giờ, bà con đã được tham gia các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kinh tế gia đình phát triển, đời sống văn hóa được nâng cao nên người dân cũng đã dần xóa bỏ các hủ tục, biết chăm sóc sức khỏe bản thân, chăm lo việc học hành cho con cái…
“Đó là nhờ sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân. Nhờ sự vận động của Hội, đồng bào đang tích cực xây dựng nông thôn mới từ những việc làm đơn giản nhất như vệ sinh đường làng, ngõ xóm; đóng góp công sức để hoàn thiện các công trình hạ tầng” – ông Lợi nói.
Về tâm tư, nguyện vọng gửi tới Đại hội, ông Thao Lợi mong muốn Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đồng hành cũng người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. “Nhờ các cuộc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Hội, trình độ nhận thức của đồng bào Brâu đã được nâng lên đáng kể. chúng tôi mong Hội tiếp tục có những chương trình đào tạo nghề cho nông dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân, giúp cuộc sống của bà con ngày càng ấm no, hạnh phúc”, ông Lợi nói.