dd/mm/yyyy

Đổi đời nhờ hai năm lam thuê, học hỏi để về quê nuôi vịt

Bằng quyết tâm và bản lĩnh, thanh niên Nguyễn Trọng Sang, thôn 3, xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã bỏ 2 năm đi làm thuê tại các trang trại để học hỏi về quê nuôi vịt hằng năm lợi nhuận 120 - 150 triệu đồng.


Trang trại nuôi vịt lấy trứng đã giúp thanh niên Nguyễn Trọng Sang có thể làm giàu trên quê hương.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại nuôi vịt của mình, anh Sang kể lại quá trình chuẩn bị cho dự án khởi nghiệp cách đây vài năm: “Hồi đó đi vay vốn để nuôi cả 2.000 con vịt trứng, vịt thịt là cả vấn đề vì rủi ro trong chăn nuôi gia cầm là quá lớn. Nhưng mình không phải là làm liều mà đã chuẩn bị sẵn về kinh nghiệm nên mới dám thực hiện”.

Sang bảo, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nên Sang luôn ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. “Hồi đó ba mẹ thấy ở quê vất vả nên cho đi học công nhân đóng tàu ở Đà Nẵng, nhưng không hiểu sao mình vẫn cứ muốn về quê mở một mô hình làm ăn cho riêng mình.

Học được chừng một năm thì mình xin phép ba mẹ được nghỉ học để vào làm thuê trong các trang trại chăn nuôi ở Tây Nguyên để học tập mô hình quản lý, sản xuất trong chăn nuôi công nghiệp rồi về quê tạo dựng mô hình” - Sang kể chuyện. Cứ thế, Sang chấp nhận đi làm thuê từ trang trại này qua trang trại khác gần 2 năm để lấy kinh nghiệm.

 Nhờ các chú đi trước truyền lại từng kỹ thuật nuôi, hỗ trợ vốn, đầu ra nên mình tiếp tục gầy dựng lại mô hình và có lẽ đó là yếu tố quan trọng để giúp mô hình bắt đầu có kết quả. Để đa dạng sản phẩm bán ra thị trường thì mình cùng lúc nuôi vịt siêu thịt, vịt lấy trứng và vịt cỏ thịt với tổng đàn dao động 1.000 đến 2.000 con tùy theo nhu cầu của thị trường.

Nguyễn Trọng Sang

Tháng 5.2014, từ những kinh nghiệm ban đầu, Sang nuôi thử nghiệm vài trăm con vịt theo phương pháp đã học hỏi từ các trang trại ở Tây Nguyên. Nhưng do đặc điểm khí hậu, thời tiết tại Quảng Nam không giống ở Tây Nguyên và việc chăm sóc cũng chưa đúng kỹ thuật nên số lượng vịt chết nhiều khiến Sang trắng tay.

Không nản chí, Sang lại tìm đến nhiều người có kinh nghiệm hàng chục năm nuôi vịt để học tập cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Cần cù, chịu khó và có quyết tâm nên Sang được những người đi trước chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu.

 Năm 2016, Sang đề xuất UBND huyện Tiên Phước hỗ trợ vốn để thực hiện mô hình khởi nghiệp nuôi vịt đẻ trứng. Từ sự hỗ trợ gần 50 triệu đồng của chính quyền, Sang bỏ thêm hơn 400 triệu đồng mở rộng quy mô chuồng trại, mua vịt giống và thức ăn cho vịt. Nhờ sự cần cù, đến nay, mô hình khởi nghiệp của Sang đang trên đà thành công khi có quy mô trên 1.400 con vịt lấy trứng, giúp Sang và gia đình có thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng.

“Trước kia thì mình nuôi thêm cả gần 1.000 con gà nữa, nhưng nay với mô hình khởi nghiệp vịt lấy trứng thì mình chỉ chuyên tâm với con vịt lấy trứng thôi. Hiện nay, để mô hình phát triển hơn, mình đầu tư thêm máy ấp trứng để vừa sản xuất vừa rút tỉa kinh nghiệm. Mục tiêu của mô hình là có thể hình thành được trang trại hoạt động theo quy mô quản lý công nghiệp với tổng đàn khoảng 3.000 con” - Sang quả quyết.

Theo Đoàn Đạo