Giá hồ tiêu hôm nay không đổi so với tuần trước. Ảnh minh họa
Hồ tiêu quanh quẩn
Giá hồ tiêu hôm nay hầu như không có sự thay đổi về giá so với phiên chốt tuần trước. Theo đó, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu vẫn dao động quanh mức 76.000 đến 77.000 đồng/kg.
Các tỉnh phía Nam giá tiêu cũng không có sự thay đổi. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước duy trì ở mức 77.000 đồng/kg, tại Đồng Nai là 76.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu hôm nay không thay đổi. Nguồn: tintaynguyen
Tại Ấn Độ, thông tin từ thị trường cho biết việc Việt Nam, Brazil đã giảm giá hồ tiêu xuống xướng 4.000 USD/tấn và Sri Lanka xuống 4.900 USD/tấn đã khiến giá hồ tiêu giao ngay trên thị trường Ấn Độ tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
Bên cạnh đó, thông tin còn cho biết đã không có vụ giao dịch nào diễn ra trên sàn quốc gia trong 2 ngày qua. Trong khi giới thương lái tại Karnataka nói rằng đang bán hồ tiêu trong mức 380 – 385 rupee/kg. Nguồn tin từ thị trường nói rằng tất cả những điều này đã khiến giá hồ tiêu tiếp tục giảm.
Trên thị trường đầu mối, 15 tấn hồ tiêu được giao dịch trong khoảng 380 – 410 rupee/kg. Hồ tiêu Ấn Độ xuất khẩu sang châu Âu ở mức giá 6.750 USD/tấn và sang Mỹ là 7.000 USD/tấn. Trong khi, giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam và Brazil là 3.800 USD/tấn.
Cà phê thu mua cầm chừng
Giá cà phê trong phiên đầu tuần chỉ xuất hiện những biến động nhẹ xu hướng không rõ do còn chờ đợi diễn biến trên sàn kỳ hạn vẫn trong đợt nghỉ.
Theo đó, giá cà phê tại Lâm Đồng duy trì mức giá 36.500 đến 36.800 đồng/kg, giảm 200 đồng tại một số điểm thu mua.
Tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum giá cà phê cũng biến động tăng, giảm 100 đồng tại các điểm nhỏ lẻ, chưa làm thay đổi mặt bằng giá, hiện mức giá dao động từ 37.000 đến 37.500 đồng/kg.
Giá cà phê R1 tại TP.HCM hôm nay giao dịch ở mức 38.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay biến động nhẹ. Nguồn: tintaynguyen
Thị trường cà phê vẫn chưa hết lo âu khi vừa trải qua một tuần khốn đốn cho sàn kỳ hạn Robusta London. Trong giao dịch, giữa đỉnh và đáy trong vòng bảy ngày ấy, chênh lệch nhau cả 100 Usd/tấn (1838-1737 thiên về hướng giảm. Tính trên giá đóng cửa, London mất 75 USD/tấn và cuối tuần chốt tại 1.749 USD/tấn, là mức thấp nhất tính từ 16 tháng trở lại đây.
Cấu trúc giá vắt trên sàn London, hay còn gọi là cấu trúc giá nghịch đảo do tháng giao hàng gần cao hơn tháng xa, đến đóng cửa ngày 24.11 co lại chỉ còn 28 USD giữa tháng 11.2017 với 03.2018, so với cuối tuần chấm dứt ngày 24.11 là 62 USD/tấn. Khi cách biệt giá các tháng này co lại, có nghĩa rằng áp lực giao hàng giảm.
Trên sàn kỳ hạn arabica New York, kết quả đóng cửa tuần trước giá tăng rất nhẹ, chỉ +0.25 cts/lb hay chỉ vỏn vẹn gần 6 USD/tấn chốt ngày 24.11 tại 127.55 cts/lb.
Trong thời gian ấy, giá cà phê nội địa mất chừng 2 triệu đồng mỗi tấn, đến ngày 26.11, giá cà phê nội địa nhiều nơi tại Tây nguyên, vùng sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước chỉ còn 37 triệu đồng mỗi tấn do giá kỳ hạn mất quá đậm.
Chính vì giá đầu vào còn chênh lệch với giá xuất khẩu, nhiều công ty chưa mua vào nhiều mà chỉ vừa đủ để giao hàng cho những hợp đồng nhỏ 50-100 tấn.
Cà phê giao dịch cầm chừng do doanh nghiệp chưa mạnh tay thu mua. Ảnh minh họa
Một chuyên gia cho biết, mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu không được nhiều, đó là dấu hiệu có một lực mua khác: cư dân và các thành phần kinh tế khác trong nước đang sử dụng tiền nhàn rỗi để thu gom hàng theo cách đầu cơ giá lên vì họ nghĩ giá 37-38 triệu đồng mỗi tấn là thấp.
Từ đầu niên vụ đến nay, có lúc giá cà phê nội địa chạm mức 42 triệu đồng mỗi tấn, thấp hơn đỉnh vụ cũ là 46 triệu. “Đúng là chưa đầy mấy tháng, giá cà phê tỉnh tôi giảm cả chục triệu đồng mỗi tấn, nên sức hút lực mua trữ đang thắng thế, buộc chúng tôi phải cẩn thận” đại diện một doanh nghiệp tại Pleiku cho biết.
Một vài nhà nhập khẩu vui mừng báo cho biết họ đã lên lịch mua hàng cà phê vụ mới từ Việt Nam khi đã khá chắc mùa khô bắt đầu tại vùng sản xuất trọng điểm ở Tây nguyên.
Điều này được khẳng định thêm vì một số công ty xuất khẩu nói họ đã tránh bán cà phê giao ngay trong tháng 11.2017 vì sợ chất lượng cà phê bị ảnh hưởng của mưa bão.