dd/mm/yyyy

Doanh nghiệp CCN Phú Lâm từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường

Khí thải trắng, đường xá được dọn dẹp gọn gàng, cống rãnh được khơi thông, các công trình vi phạm hành lang đê, đất nông nghiệp được giải toả, đặc biệt, nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp ngày càng nâng cao, đây là những nét chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua tại CCN Phú Lâm.

(BNP) – Khí thải trắng, đường xá được dọn dẹp gọn gàng, cống rãnh được khơi thông, các công trình vi phạm hành lang đê, đất nông nghiệp được giải toả, đặc biệt, nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp ngày càng nâng cao, đây là những nét chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua tại Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm, huyện Tiên Du.

Doanh nghiệp CCN Phú Lâm từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Hệ thống xử lý nước thải tại Công ty TNHH Xây dựng, Sản xuất và Thương Mại Phú Lâm.

CCN Phú Lâm có diện tích khoảng 24,6ha với 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, trong đó, 26 cơ sở sản xuất giấy, 03 cơ sở tái chế nhựa, 03 cơ sở bán hơi. Từ nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất giấy thuộc CCN Phú Lâm đã gây bức xúc và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân xung quanh khu vực này; nhất là việc xả nước thải không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê đã gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh. Từ tháng 4/2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 18 cơ sở vi phạm với tổng số tiền gần 05 tỷ đồng; 14 cơ sở áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ sản xuất.

Theo ông Ngô Lương Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, trước sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cùng sự vào cuộc sát sao của các cấp chính quyền, tình trạng ô nhiễm môi trường và vi phạm đất đai tại CCN Phú Lâm từng bước được xử lý. Đến nay, 80% cơ sở sản xuất đã hoàn thiện công trình xử lý nước thải tuần hoàn, 20% còn lại đang trong quá trình hoàn thiện, sẽ đưa vào vận hành đầu năm 2022; cơ bản xử lý dứt điểm khói đen thải ra môi trường, không còn hiện tượng tự ý đốt chất thải hóa chất; các hộ vi phạm hành lang đê điều tự tháo dỡ công trình trên đất vi phạm. Một số cơ sở sản xuất thực hiện quan trắc khí thải online gửi kết quả trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh để giám sát; thành lập Tổ tự quản thu gom chất thải rắn phát sinh hàng ngày.

“Cái được lớn nhất trong quá trình thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường tại đây chính là nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở sản xuất được nâng lên, cùng đồng thuận, chung tay làm sạch môi trường song song với phát triển sản xuất”, ông Xuân khẳng định.

Doanh nghiệp CCN Phú Lâm từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường - Ảnh 2.

Nước thải tại Hợp tác xã Minh Tiến sau khi qua hệ thống xử lý đạt quy chuẩn được tái phục vụ sản xuất.

Mục sở thị tại Hợp tác xã Minh Tiến càng thấy rõ hơn những nỗ lực của các cơ sở sản xuất trong việc chấp hành chủ trương bảo vệ môi trường của tỉnh. Đơn vị đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm hành lang đê và là một trong số ít doanh nghiệp hoàn chỉnh hệ thống quan trắc khí thải online để truyền tải dữ liệu môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm các chỉ tiêu đạt quy chuẩn. Ông Đỗ Trọng Tiến, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, Hợp tác xã đã đầu tư gần 07 tỷ đồng xây dựng khu xử lý nước thải tuần hoàn và xử lý khói bụi bằng hệ thống lọc vôi, hạn chế khí CO2, khói đen, bụi bẩn ra ngoài môi trường.

Cũng tại Công ty TNHH Xây dựng, Sản xuất và Thương Mại Phú Lâm, đơn vị đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn với công suất xử lý 500m3/ngày, đêm, đáp ứng cho khoảng 06 cơ sở sản xuất trong CCN mở rộng; chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn tái sản xuất và phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Ông Ngô Xuân Lợi, Giám đốc Công ty kiêm Chủ tịch Hiệp hội Giấy Phú Lâm chia sẻ: “Với trách nhiệm của mình, tôi thường xuyên họp bàn với các chủ cơ sở sản xuất thành lập Tổ tự quản gồm 10 tổ viên, có trách nhiệm giám sát, báo cáo kịp thời về Hiệp hội những hiện tượng cố tình vi phạm gây ô nhiễm môi trường để có hướng nhắc nhở, xử lý; đồng thời, tổ chức quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải sinh hoạt ở các trục đường, cơ sở sản xuất trong CCN. Hiệp hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp tự đóng góp kinh phí để sửa chữa hạ tầng CCN khang trang, sạch đẹp; tiến hành nạo vét tuyến kênh nội khu, đảm bảo việc tiêu thoát nước trong CCN, kiên quyết không cho bất cứ cơ sở sản xuất nào xả thải ra tuyến kênh này”.

Với ý thức tự giác, chấp hành nghiêm các quy định của tỉnh, đến nay, 06 cơ sở được tháo niêm phong và vận hành thử nghiệm; 08 doanh nghiệp vi phạm hành lang đê đã tự tháo dỡ công trình vi phạm; các cơ sở còn lại đang nỗ lực hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường để được vận hành thử nghiệm. Các cơ sở cũng mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng thẩm định hồ sơ môi trường để được sớm hoạt động ổn định trở lại, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời, cam kết sẽ thực hiện nghiêm các yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất.

S.T- K.Lực