dd/mm/yyyy

Diện mạo nông thôn mới ở thành phố Sơn La

Về thành phố Sơn La những ngày này chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui, sự phấn khởi của nhân dân các dân tộc nơi đây, khi thành phố trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Sơn La về đích Nông thôn mới (NTM). Diện mạo NTM thành phố ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Thành phố Sơn La cách Thủ đô Hà Nội hơn 300 km về phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên trên 32.300 ha, gồm 5 xã, 7 phường với 12 dân tộc chung sống. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, bằng nỗ lực và quyết tâm cao. Đến nay thành phố Sơn La đã trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Sơn La về đích NTM. Diện mạo NTM ngày càng khởi sắc, khang trang, xanh sạch, đẹp, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục... được đầu tư đồng bộ.

Diện mạo nông thôn mới thành phố Sơn La - Ảnh 1.

Chiềng Ngần là xã cuối cùng của thành phố Sơn La cán đích NTM.

Để có được thành công như hôm nay, ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình, thành phố đã xây dựng, triển khai nhiều cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện từng địa phương, khai thác hiệu quả nguồn lực trong nhân dân. Theo đó, thành phố đã triển khai thực hiện các quyết định chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước về xây dưng NTM. Qua đó, cụ thể hóa bằng các kế hoạch việc làm cụ thể theo từng lĩnh vực, huy động cả hệ thống chính trị tham gia. Xuyên suốt quá trình thực hiện chương trình, thành phố Sơn La được đánh giá là lá cờ đầu trong phong trào hỗ trợ, khơi dậy sự đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng NTM, theo cơ chế "nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ".

Diện mạo nông thôn mới thành phố Sơn La - Ảnh 2.

100% số bản và 5/5 xã của thành phố Sơn La đều có nhà văn hóa kiên cố.

Qua 8 năm thực hiện chương trình, thành phố đã bê tông kiên cố, sửa chữa, nâng cấp 215 km đường giao thông trên địa bàn các xã, với tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng, tỷ lệ cứng hóa đạt 91,37%, đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất đảm bảo, đã huy động hơn 82.000 ngày công lao động thực hiện nạo vét, phát quang kênh mương nội đồng đảm bảo lưu thông dòng chảy, phục vụ tưới tiêu. Đến nay, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động ở các xã đạt 94,96%. Ngoài ra, 100% số xã có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn; hệ thống trường học các cấp được quan tâm đầu tư, xây dựng, 13/14 trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn Quốc gia, đạt 92,86%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học nghề đạt 91,93%. Số lao động có việc làm qua đào tạo đạt 32,1%.

Kết cấu hạ tầng nông thôn tại 5 xã được đảm bảo, 100% số nhà tạm, nhà dột nát đã được xóa, 89,26% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định. Nếu như năm 2012, trên địa bàn thành phố 5/5 xã không có nhà văn hóa, hội trường và sân thể thao, đến nay, 100% xã đã có nhà văn hoá đảm bảo theo quy định và đều có khu thể thao. Hiện trên 87% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, việc cưới xin, ma chay được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, văn minh, tiến bộ, một số hủ tục lạc hậu được loại bỏ… Cùng với đó, cơ sở vật chất y tế ở các xã đều đáp ứng yêu cầu người dân, 100% các Trạm Y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 88,78%.

Diện mạo nông thôn mới thành phố Sơn La - Ảnh 3.

Tỷ lệ đường giao thông liên xã, bản được cứng hóa đạt 91,37%.

Song song với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đời sống văn hóa, thành phố Sơn La cũng xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng NTM. Theo đó, thành phố đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, với phương châm chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.  

Tại thành phố đã hình thành và phát triển vùng sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, như: Vùng trồng cà phê với diện tích trên 4.100 ha, trong đó có 1.600 ha trồng xen cây ăn quả, mận hậu, mận tam hoa, mơ... cho thu nhập cao từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; phát triển mô hình trồng hoa với diện tích trên 90 ha, thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm; diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn các xã trên 3.800 ha. Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

 Trong đó, nhiều vùng trồng tập trung quy mô lớn, như: Trồng xoài Đài Loan, nhãn chín sớm, chín muộn tại xã Chiềng Ngần, Chiềng Xôm, có giá trị kinh tế cao cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi phát triển, với nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, như: Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại bản Tò Lọ (xã Chiềng Đen); mô hình nuôi bò tại bản San (Hua La), bản Hùn, bản Hôm, bản Muông (Chiềng Cọ), bản Khoang, bản Pát, bản Phường (Chiềng Ngần); mô hình nuôi ngựa bạch tại bản Híp (Chiềng Ngần)...

Diện mạo nông thôn mới thành phố Sơn La - Ảnh 4.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập và đời sống của người dân càng nâng lên.

Kinh tế tập thể có bước phát mạnh, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác, liên kết các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, hiệu quả. Hiện trên địa bàn thành phố có 1 Liên hiệp HTX và 52 HTX đang hoạt động với trên 930 thành viên, vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đảm bảo tính bền vững. Góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 32 triệu đồng/người/năm 2018 lên 35 triệu đồng/người/năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,93% năm 2019.

Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm thường xuyên, 100% các xã có điểm tập kết rác thải tập trung, có xe thu gom rác, các tuyến đường được vệ sinh môi trường thường xuyên, sạch sẽ, thông qua các phong trào "tuyến đường tự quản" của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh... Trên địa bàn 5 xã hiện có 50/50 cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, 41/41 cơ sở thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Diện mạo nông thôn mới thành phố Sơn La - Ảnh 5.

Diện mạo nông thôn thành phố Sơn La ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Sau 8 năm thực hiện chương trình, tổng vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn đạt 697 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 16 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng; ngân sách thành phố 83 tỷ đồng; vốn lồng ghép 119 tỷ đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp 29 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 113 tỷ đồng; vốn tín dụng 315 tỷ đồng… Đến nay, thành phố Sơn La đã chính thức đạt cán đích NTM.

Diện mạo nông thôn của thành phố hôm nay đang từng ngày càng khởi sắc đi lên. Phong trào xây dựng NTM đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân nâng lên; truyền thống văn hóa tốt đẹp được gìn giữ, phát triển; chất lượng giáo dục, y tế được nâng cao; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự đảm bảo; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Diện mạo nông thôn mới thành phố Sơn La - Ảnh 6.

Nhiều tuyến đường được bê tông kiên cố thuận lợi cho người dân đi lại.

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng NTM trên địa bàn, thời gian tới thành phố Sơn La tiếp tục triển khai các giải pháp, như: Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM trên địa bàn các xã; xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; nâng cao chất lượng lĩnh vực giáo dục - y tế - văn hóa, nâng cao trình độ dân trí của người dân; thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp ở khu dân cư; giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội nông thôn...

PV Tây Bắc