Nhiều mô hình cho thu nhập cao
Ông Nguyễn Đô - Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Ninh Phước đã gặt hái được khá nhiều thành công, nhất là xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và cho thu nhập cao. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Bùi Đăng Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết, để người dân đồng lòng, chung sức xây dựng NTM, quá trình triển khai phải có kế hoạch cụ thể để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, trong đó, chú trọng đến các mô hình có hiệu quả, có giá trị kinh tế cao.
Ông Dũng chia sẻ: "Trên địa bàn xã, mô hình trồng táo sử dụng nhà lưới khá phát triển và cho thu nhập cao. Trước đây, diện tích trồng táo chỉ vỏn vẹn 60ha, thì hiện nay đã phát triển được 120ha. Trong đó, 90ha đã sử dụng nhà lưới cho vườn táo".
Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2015, xã Phước Thuận đã được công nhận đạt chuẩn NTM và tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2020.
Đến thăm vườn táo đang trong giai đoạn thu hoạch, ông Nguyễn Thành Chung (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) phấn khởi cho biết, gia đình ông có thâm niên làm táo được 6 năm nay.
Ông bộc bạch: "Nhờ cách làm này, năng suất hiện đạt 4 tấn trái/sào/vụ. Với giá bán hiện tại 18.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 70 triệu đồng/sào/vụ. Nhờ áp dụng nhà lưới mà tôi bán được giá cao và thương lái đến mua rất ưa chuộng vườn táo của tôi. Nếu như trước đây, giá bán ra chỉ 10.000 đồng/kg, thì hiện nay, giá là 18.000 đồng, tăng 8.000 đồng/kg. Cách làm lưới cho vườn táo có nhiều ưu điểm như giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc, trái táo căng tròn và màu sắc đẹp, không bị móp méo...".
Phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM
Ông Nguyễn Đô - Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước chia sẻ thêm, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, bởi xuất phát điểm kinh tế còn thấp, hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao, khả năng liên kết đầu ra nông sản còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, nhà văn hóa, thủy lợi… còn thiếu. Qua rà soát, các tiêu chí NTM, các xã chỉ đạt từ 2- 5 tiêu chí.
"Để khắc phục những hạn chế trên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ninh Phước đã chỉ đạo các đơn vị địa phương phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh phổ biến quán triệt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn Ninh Phước đã có những thay đổi căn bản toàn diện. Diện mạo vùng nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao. Kết cấu hạ tầng phát triển, phục vụ thiết thực cho sản xuất và cuộc sống của người dân" - ông Đô nhấn mạnh.
Tính đến cuối năm 2015, huyện Ninh Phước có 3/8 xã đạt 19 tiêu chí và trung bình mỗi xã đạt 14,75 tiêu chí (theo bộ tiêu chí cũ). Đến cuối tháng 6/2019, có 6/8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và kế hoạch đến cuối năm 2019, công nhận thêm 2 xã Phước Hải và An Hải, nâng tổng số 8/8 xã đạt chuẩn NTM và trở thành huyện NTM đầu tiên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Ông Đô cho hay, để đạt được mục tiêu trên, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút nhân dân tham gia. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả...