dd/mm/yyyy

Dịch Covid-19: Hơn 1,2 triệu lao động mất việc, gấp rút đào tạo lại lao động nông thôn

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, có hơn 1 triệu lao động đã bị mất việc làm. Đa số họ là những lao động từ nông thôn ra các khu công nghiệp làm việc. Nhiệm vụ quan trọng lúc này chính là nhanh chóng tìm cách đào tạo lại để nhóm lao động này quay trở lại thị trường lao động.

Hơn 1,2 triệu lao động mất việc

Anh Nguyễn Văn Nam (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đang làm việc tại một công ty may mặc ở tỉnh Đồng Nai. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, mỗi tháng anh có thu nhập cả lương, phụ cấp, làm thêm khoảng 8 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 tháng nay, thu nhập giảm xuống chỉ còn 2 triệu đồng/tháng do công ty không có đơn hàng.

Lương thấp, không đủ sinh hoạt, cũng không đủ tiền nuôi con, nên vợ anh ở quê muốn gọi anh về. "Hiện giờ tôi đang tính về quê, thế nhưng về quê sẽ làm gì khi không có nghề nghiệp" - anh Nam nói.

Gấp rút đào tạo lại lao động nông thôn  - Ảnh 1.

Số lao động bị mất việc do dịch cần được đào tạo lại là hơn 1,2 triệu lao động. (Ảnh minh họa: Dạy nghề may tại Công ty may Nam Thái Nguyên). Ảnh: N.T

Đây cũng là tình cảnh chung của rất nhiều lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm 1,2 triệu người bị mất việc làm, còn lại phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… 

Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người).

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.

Đáng chú ý, trong quý II/2002, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn giảm 4,9% so với quý I/2020 và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm ở khu vực thành thị.

Vấn đề đào tạo nghề được đặt ra gấp rút

Trước thực trạng trên, vấn đề quan trọng lúc này là cần đào tạo nghề cho lao động nông thôn bị mất việc do dịch Covid-19. 

Ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) cho biết, theo kế hoạch năm 2020, Bộ LĐTBXH đặt chỉ tiêu đào tạo 1,68 triệu lao động nông thôn học sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo chiếm khoảng 1 triệu người.

Gấp rút đào tạo lại lao động nông thôn  - Ảnh 2.

Bộ LĐTBXH đã có nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc hỗ trợ cho các đối tượng lao động nông thôn bị mất việc vì Covid-19.

Dự kiến, Đề án sẽ hỗ trợ đào tạo lại cho 1 triệu lao động bị mất việc. Mỗi lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng. Tổng số tiền hỗ trợ có thể sẽ lên tới 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đã khiến việc đào tạo chỉ dừng ở con số trên 700.000 lao động trình độ sơ cấp và các trình độ nghề nghiệp khác. 

Vì vậy, đại diện Vụ Đào tạo thường xuyên cho rằng, 6 tháng cuối năm, các địa phương cần tập trung tăng cường công tác tuyển sinh, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, chú ý dành cho các đối tượng lao động nông thôn bị mất việc làm, kể cả lao động ở các nhà máy, công ty phải nghỉ việc tạm thời.

"6 tháng cuối năm cần tăng cường đào tạo kiến thức kỹ năng cho các đối tượng bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19" - ông Độ nhấn mạnh.

Bộ LĐTBXH đã có nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc hỗ trợ cho các đối tượng lao động nông thôn bị mất việc vì Covid-19. Đặc biệt, để công tác đào tạo lao động nông thôn phù hợp với tình hình hiện nay, cần phải liên kết với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu. Từ đó, lao động nông thôn có thể vừa học vừa thực tập ngay trên thực tiễn tại các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, HTX thì hiệu quả sẽ cao hơn. 

Bên cạnh đó, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng đề nghị phải tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay, nhiều nơi để xảy ra sai phạm trong việc tổ chức đào tạo, nên các địa phương cần tăng cường giám sát việc này.

Theo ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, dự thảo chương trình đào tạo lại cho 1 triệu lao động đang chờ được phê duyệt, để các đơn vị, địa phương có căn cứ dựa vào mà thực hiện. 

"Tuy nhiên, việc lấy nguồn từ quỹ BHTN để đào tạo chỉ dành cho các lao động có tham gia BHXH. Riêng nhóm lao động tự do không tham gia BHXH sẽ dành tiền đào tạo từ nguồn khác, như nguồn từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn" - ông Quân nói.



Nguyệt Tạ