Trời ngã về chiều, cũng là lúc người đi câu cá đêm tất bật chuẩn bị “đồ nghề” cho chuyến đi câu của mình. Theo chân các cần thủ, chúng tôi tới khu vực nhánh rẽ sông Cổ Chiên (khu vực Cồn Chim, thuộc địa phận phường 9- TP Vĩnh Long).
Quan sát hành trang của mỗi cần thủ, không đơn thuần là cần câu trúc, sợi cước, phao lục bình, lưỡi câu sắt và mồi trùng như trước mà có rất nhiều phụ kiện hiện đại với nhiều mức giá mà người nghiện câu có thể đầu tư cho chuyến đi của mình.
Để có được bộ “đồ nghề” ưng ý, người chơi có thể đầu tư lên đến vài chục triệu đồng như cần câu máy với chất liệu hợp kim cacbon vừa nhẹ vừa chắc tay; lưỡi câu chùm, lưỡi câu hình con tép, …; phao dạ quang có thể phát sáng trong đêm; sợi cước mỏng nhẹ nhưng rất dai, có thể câu được con cá có trọng lượng đến 2kg.
Tại một điểm ở bờ kè sông Cổ Chiên, chúng tôi gặp chú Nguyễn Văn Bé- một tay câu cá lão luyện ở hàng U60. Chú Bé cho biết “Câu cá phải có đam mê, để câu được cá thì phải biết đặc tính của nó. Khi nào nó bơi đi ăn, tốc độ dòng nước để có thể đặt cần và cách làm mồi câu cho thiệt ngon để “dụ” được cá”.
Vào ban ngày, trời nóng cá thường ẩn mình ở tầng nước mát, đợi khi trời tắt nắng, thời tiết dịu nhẹ cá sẽ đua nhau đi tìm mồi. Kỹ năng đầu tiên của người đi câu, buộc phải có phản xạ tốt, để khi cá đóp mồi, cần rung rinh rít lên là phải giựt lên ngay.
Cách giựt cũng phải khéo mới được, nếu không cá sẽ rớt lại xuống sông và mất hết mồi. Để câu được cá lớn, thì phải tìm đến những nơi đáy rộng, hoặc nơi có nhiều cây mắm, cá rất thích ở những nơi đó để trú ẩn- chú Bé chia sẻ.
Trời tối dần… Thời điểm này, cũng là lúc các cần thủ tề tựu về nơi đây, người tụm năm tụm ba, đặt một lượt từ 3-5 cần câu. Thời tiết rất mát mẻ, điều đó cũng lý giải cho việc đi câu đêm của nhiều người.
Có thể nói, ngoài thú vui câu cá, còn giúp người đi câu cá đêm hòa mình vào thiên nhiên, sông nước, rèn luyện được tính kiên trì, nhẫn nại trong cuộc sống.