Doanh nghiệp và HTX liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản là hướng đi hiệu quả ở huyện Quỳnh Phụ.
Liên kết lo đầu ra cho nông sản
Thực tế lâu nay, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân thường phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Do vậy, từ định hướng của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp ở Thái Bình cũng như tỉnh khác đã thực hiện mô hình đầu tư theo qui trình khép kín với nông dân, giúp nông dân tạo dựng thương hiệu, bảo đảm hài hòa lợi ích đôi bên...
Anh Hoàng Lịch Thiệp.
Có mặt tại cánh đồng rau do hội viên của HTX DVNN Quỳnh Hải canh tác, thuộc thôn An Phú 1, xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ), chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của những người nông dân nơi đây. Niềm vui đó không chỉ từ cánh đồng rau màu xanh tốt, mà còn bởi sự yên tâm về giá bán sản phẩm. Nhờ chương trình nông thôn mới với công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, bê tông hóa kênh mương, giao thông nội đồng, việc trồng rau ở Quỳnh Hải đã trở thành “nghề” cho thu nhập cao.
Ông Phạm Văn Liễn, Giám đốc HTX cho biết: Quỳnh Hải là địa phương có truyền thống về sản xuất nông nghiệp. Mấy năm gần đây, nhận thấy cây rau màu cho giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa, chúng tôi đã chủ động hướng dẫn bà con xã viên chuyển đổi mô hình. Đến nay, 100% diện tích canh tác của HTX đã được phủ kín bằng các loại rau, củ, quả, trái cây... Mùa nào thức nấy, nhờ chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm nông sản của chúng tôi rất ổn định về năng suất, chất lượng và mỗi người nông dân đến nay đều là một “kỹ sư” giỏi.
Khi được hỏi về đầu ra và giá thành, ông Liễn chia sẻ: “Trước đây, chỉ có các tiểu thương trong và ngoài tỉnh vào mua nông sản của chúng tôi. Do chỉ là buôn bán nhỏ lẻ, không có cam kết nên khi mất giá thì họ không chịu tiêu thụ; còn khi giá cao, khan hiếm hàng thì quay ra cạnh tranh nhau, mạnh ai nấy mua, mạnh ai nấy bán. Thu nhập của xã viên cũng vì thế mà thiếu ổn định”.
Nắm bắt được thực trạng khâu tiêu thụ, đầu năm nay, Công ty TNHH đầu tư khai thác thực phẩm Thái Bình (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ) đã đề nghị chính quyền địa phương được đứng ra liên kết thu mua nông sản cho HTX DVNN Quỳnh Hải. Ngay từ vụ đầu tiên hợp tác, doanh nghiệp đã thu mua phần lớn sản lượng trên diện tích canh tác của HTX.
Hiện nay, Công ty đang xúc tiến triển khai liên kết sản xuất sâu rộng hơn, trong đó lên phương án đặt hàng trước từ 3 đến 5 tháng, cung ứng giống, phân bón, vật tư, biển, bảng ghi chép thông tin cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật và ghi chép hồ sơ sản xuất nhằm đảm bảo khâu truy xuất nguồn gốc sản phẩm... cho hội viên và người dân. Giữa doanh nghiệp với nông dân có hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm, với sự đồng thuận, chứng kiến của chính quyền xã.
Theo ông Nguyễn Quang Suốt, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải, là vùng rau quan trọng của tỉnh, do vậy vấn đề đầu ra, giá cả ổn định cho nông dân là rất quan trọng. Việc doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân là rất cần thiết. Nhờ đó, người dân trong xã đều có thu nhập cao, nhiều hộ thu được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu mỗi năm từ trồng rau.
Khi doanh nghiệp xuống đồng với nông dân
Được biết, Công ty TNHH Đầu tư khai thác thực phẩm Thái Bình là doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản cung cấp cho thị trường Hà Nội, chủ yếu là các nhà hàng, siêu thị, cơ quan, trường học, bếp ăn công nghiệp... Anh Hoàng Lịch Thiệp, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực này nhiều năm nên nhận thấy hiện nay nhu cầu sử dụng nông sản an toàn rất lớn, nhất là tại các thành phố, khu công nghiệp. Do đó, Công ty muốn liên kết với những vùng sản xuất lớn, trực tiếp ký kết bao tiêu nông sản với người dân và cam kết bằng các hợp đồng cùng bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Ông Hoàng Lịch Thiệp – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư khai thác thực phẩm Thái Bình bên vùng sản xuất rau sạch liên kết với nông dân.
Ngoài xã Quỳnh Hải, Công ty hiện đang thực hiện tại một số xã trong và ngoài huyện. Trong đó, đã triển khai liên kết sản xuất trên diện tích 2,5ha tại huyện Vũ Thư và 6ha tại huyện Kiến Xương. “Bên cạnh đó, chúng tôi đang làm thủ tục xin cấp 10.000m2 để triển khai Dự án xây dựng nhà máy thu mua, sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm tại xã Quỳnh Hải, từ đó đảm bảo sự bền vững trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân địa phương”.
Hiện nay, các hoạt động của doanh nghiệp đều nhận được sự đồng tình và hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Quỳnh Phụ cho rằng: Địa phương rất khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với người nông dân. Huyện sẽ tích cực nghiên cứu, tìm các giải pháp để hỗ trợ; đồng thời định hướng quy hoạch vùng sản xuất để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết gặp rất nhiều khó khăn. Theo anh Hoàng Lịch Thiệp, đầu tiên là việc doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị, công nghệ sơ chế, chế biến hiện đại nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; ứng vốn, giống, vật tư nông nghiệp và tiền thanh toán ngay khi thu mua nông sản cho bà con. Do đó, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi đầu tư, giảm giá thuê đất, phí, thuế cho các đơn vị thực hiện khâu tiêu thụ là khâu quan trọng nhất của chuỗi liên kết sản xuất.
Bên cạnh đó, việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho vùng trồng, nhà xưởng sơ chế, bảo quản, các thủ tục cho thuê đất, cấp phép chuyển đổi, giải phóng mặt bằng và xây dựng... cần có sự linh hoạt và phải giảm tối đa các thủ tục hành chính; nghiên cứu cắt giảm các giấy phép con, quy trình, hồ sơ… gây phiền hà, mất nhiều thời gian, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sâu, rộng vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, hoàn thiện công tác tích tụ ruộng đất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân đồng thuận tham gia, nâng cao ý thức sản xuất mang tính bền vững, an toàn, sản xuất tập trung, quy mô lớn...