55% tai nạn giao thông (TNGT) học sinh liên quan đến xe máy điện, xe đạp điện
“90% TNGT liên quan đến trẻ em trong 3 năm qua rơi vào lứa tuổi học sinh THPT, trong đó 55% do xe máy điện và xe đạp điện”. Con số giật mình này được PGS. TS. Chu Công Minh, Phó chủ nhiệm Bộ môn cầu đường, trường ĐH Bách khoa TP HCM thông tin. Theo ông Minh, có khoảng 52% học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và 7% đi xe máy khi chưa đủ tuổi.
Cho rằng xe máy điện, xe đạp điện không đảm bảo ATGT cho các em học sinh, bởi tốc độ lên tới 50km/h, trọng lượng xe nhẹ nên điều khiển không dễ và khi va chạm sẽ gây ra hậu quả nặng nề, ông Minh nói: “Học sinh THPT đang ở độ tuổi muốn thể hiện bản thân. Kỹ năng tham gia giao thông chưa
đầy đủ nhưng vẫn điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, vi phạm những quy định cơ bản khi tham gia giao thông. Đáng lưu ý, theo ông Minh, 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách.
Thực tế, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng trăm trường hợp TNGT liên quan đến xe đạp, xe máy điện, trong đó có nhiều trường hợp tử vong. Điển hình là ngày 22/8 tại phường Xuân Hòa (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc), một chiếc xe tải mang BKS tỉnh này đã va chạm với 2 nữ sinh học lớp 10 điều khiển xe đạp điện đi cùng chiều. Cú va chạm mạnh khiến 1 nữ sinh tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Trước đó, ngày 22/4, bốn học sinh THPT đi trên 2 xe đạp điện khi băng qua ngã tư giao QL8B và đường Lê Xuân Đào (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bị xe ô tô đâm. Vụ tai nạn khiến 1 em học sinh tử vong tại chỗ, 3 em khác bị thương nặng.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, những người đi xe máy điện, xe đạp điện đa số là học sinh THCS và THPT. Những năm vừa qua, TNGT ở các nhóm tuổi khác giảm, nhưng riêng nhóm tuổi từ 15-18 lại có xu hướng tăng.
“Nguyên nhân các vụ tai nạn ở nhóm này hầu hết do điều khiển phương tiện tự tham gia giao thông chiếm đến 80% và đa số bằng xe đạp điện, xe máy điện. Vì vậy, đảm bảo ATGT đối với đối tượng này đang là vấn đề cấp thiết và phải có quy định, chế tài để quản lý”, ông Hùng nói.
Không nên cứng nhắc coi xe đạp điện là xe thô sơ
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện Luật GTĐB chưa có quy định về độ tuổi được phép điều khiển và GPLX đối với người điều khiển xe điện. Điều này dẫn tới thực trạng học sinh đi loại xe này phổ biến như hiện nay và nguy cơ mất an toàn cho chính người sử dụng phương tiện cũng như người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, luật cũng quy định xe đạp điện là loại xe thô sơ, không phải đăng ký như xe máy điện, xe máy nên xuất hiện nhiều xe không được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn tham gia giao thông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến phương tiện này.
Trong khi đó, để sở hữu một chiếc xe máy điện, xe đạp điện là điều không khó. Sáng 4/11, PV ghé cửa hàng Thành Đạt (ở gần ngã tư Mồi, Dĩ An, Bình Dương). Tại đây, chủ tiệm cho biết, tiệm chỉ kinh doanh 2 loại xe đạp điện sản xuất và lắp ráp trong nước, hiệu Sufat và BMW. Bình quân mỗi ngày, tiệm bán được từ 3 - 5 chiếc và thời gian gần đây, khách tới mua ngày càng nhiều hơn. “Sử dụng xe đạp điện, xe máy điện không cần bằng lái, không cần đăng ký nên thủ tục mua bán rất đơn giản, tiện lợi”, chủ cửa hàng cho biết.
Không những vậy, việc tham gia thị trường của nhiều nhà sản xuất xe điện khiến người sử dụng có thêm nhiều lựa chọn với loại xe này. Mới đây, tại Hải Phòng, VinFast đã khánh thành nhà máy sản xuất xe điện và cho ra mắt sản phẩm xe điện đầu tiên dự kiến sẽ bán ra thị trường vào giữa tháng 11/2018. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho biết: “Nhà máy được xây dựng trên diện tích 6,4 ha với công suất thiết kế 250.000 xe mỗi năm giai đoạn 1 và có thể mở rộng đến 1 triệu xe mỗi năm. VinFast giới thiệu mẫu xe máy điện thông minh Klara có khả năng tăng tốc nhanh chóng với quãng đường di chuyển lên đến 80km trong một lần sạc.
PGS. TS. Chu Công Minh cho rằng, cần giới hạn độ tuổi sử dụng xe đạp điện và yêu cầu giấy chứng nhận điều khiển xe đạp điện cho trẻ em trên 16 tuổi. Bên cạnh đó, bổ sung kiến thức về thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện, xây dựng khu trường học an toàn và yêu cầu giấy chứng nhận điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cho trẻ em trên 16 tuổi.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, bên cạnh các quy định pháp lý mang tính ràng buộc, chẳng hạn như độ tuổi điều khiển, chứng nhận điều khiển… giống các phương tiện ô tô, xe máy, các cơ quan chức năng cần phân loại rõ ràng loại xe đạp điện nào cần được coi như phương tiện cơ giới.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, những người đi xe đạp điện đều mong muốn đi xe nhanh hơn và không phải đạp. Các nhà sản xuất sẵn sàng đáp ứng bằng cách nâng tốc độ xe trong quá trình thiết kế, chế tạo. Vì vậy, xe đạp điện không đơn thuần là xe đạp nữa mà chính là xe máy điện.
“Chúng ta không nên cứng nhắc quy định coi xe đạp điện là xe thô sơ mà phải quy định xe gắn động cơ được xem là xe cơ giới để quản lý như xe cơ giới. Hay nói cách khác là phải định nghĩa lại xe đạp điện một cách rõ ràng, minh bạch, xe không cần đạp mà vẫn chạy bằng động cơ điện thì phải quy định là xe máy điện. Phải quy định tách bạch để có cơ chế quản lý phù hợp. Khi đã quy định nó là xe máy điện thì đi cùng đó quy định 16 tuổi trở lên mới được đi xe máy”, ông Hùng nói.