Clip: Mắc màn cho mận hậu ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Năm nay thời tiết thuận lợi, lại được chăm sóc tốt, nên mận hậu ở huyện Mộc Châu cho quả to, mẫu mã đẹp. Theo chia sẻ của các hộ dân trồng mận lâu năm ở đây, cùng các yếu tố quan trọng về khí hậu, đất đai thì việc người dân dồn lực chăm sóc là yếu tố quyết định đến sự phát triển của quả mận. Các khâu chăm sóc mận như: Dọn cỏ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... phải đúng các thời điểm mới đảm bảo năng suất và chất lượng quả. So với mận hậu trái vụ thì mận chính vụ bán với giá thấp hơn 1 chút. Vì vậy, gia đình nào có nhiều mận chính vụ cũng đều chăm sóc chu đáo hơn, để mận đạt số lượng lớn hơn bù đắp lại mặt giá cả.
Trong những ngày đầu tháng 6, chúng tôi về khu trồng mận hậu của bà con tiểu khu Pa Khen (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), thời điểm này mận hậu bạt ngàn, nhuộm hồng các triền đồi. Trên nương mận, ai cũng khẩn trương thu hái để kịp bán cho thương lái trước buổi chiều. Đặc biệt, chúng tôi ấn tượng bởi những vườn mận hậu được "mắc màn" để chống mưa đá. Do bị thiệt hại nặng nề bởi mưa đá, gió lốc năm 2019, 2020 nên nhiều chủ vườn đã đầu tư vốn căng lưới chống mưa đá.
Anh Đinh Công Thành, tiểu khu Pa Khen (thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu) chia sẻ: Thời điểm này mận hậu chín sai trĩu cành. 3 năm trở lại đây, nhằm tránh thiệt hại do mưa đá, gió lốc, tôi đã đầu tư căng lưới khắp vườn để chống mưa đá. Nhờ thế nên sản phẩm càng ngon hơn, đẹp hơn, nhiều khách mua hàng và giá cả thu mua ổn định, tôi cũng yên tâm để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, tôi còn tạo việc làm có thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng/1 lao động thời vụ, chủ yếu là những người dân tộc thiểu số.
Theo quan sát của PV, tại các khu vườn mận ở thị trấn nông trường Mộc Châu, xã Tân Lập, Tân Hợp, Mường Sang… được dựng sào chống bằng tre, sắt, kéo dây thép để căng lưới bao phủ trắng xoá, giống như 1 chiếc khiên thần kỳ để chống chọi với mưa đá, lốc xoáy vậy. Chi phí cho mô hình nhà lưới hơn 100 triệu đồng/ha, trong khi đó 1 ha mận nếu chăm sóc tốt mỗi năm cho thu hơn 200 triệu đồng trở lên, vì vậy việc căng lưới cho vườn mận được nhiều chủ vườn lựa chọn và tin tưởng.
Gia đình anh Chu Anh Tuấn, tiểu khu Bản Ôn, thị trấn nông trường Mộc Châu có khoảng 4 ha mận hậu, anh đã đầu tư làm lưới chống mưa đá cho hơn 2 ha mận hậu, chi phí cao nhưng anh lại yên tâm không lo mất mùa.
Chia sẻ về lợi ích của giàn lưới, anh Tuấn bộc bạch: Không chỉ chống mưa đá, gió lốc, giàn lưới còn chống sương muối, giảm thiểu tình trạng nắng nóng kéo dài cho vườn mận trong những tháng khô hạn vừa qua. Cũng nhờ căng lưới mà mận hậu của gia đình ít bị nứt, héo, mẫu mã đẹp hơn. Việc mận hậu có mẫu mã đẹp cũng giúp tôi bán được giá cao hơn.
Dọc tuyến đường vào thung lũng Nà Ka, thị trấn nông trường Mộc Châu có nhiều khu vườn mận hậu được phủ trắng bởi những giàn lưới trắng. Tạo nên 1 quang cảnh lạ mắt ở vùng cao nơi đây. Việc mắc màn cho mận hậu không những đem lại thu nhập khá cho người dân, các vườn mận còn thu hút khách du lịch (thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19).