Cụ thể, trong vụ đông xuân 2019 hiện tại, các tỉnh Nam bộ đã chuyển đổi khoảng 32.840ha đất lúa kém hiệu quả (ĐBSCL chuyển hơn 30.990 ha; các tỉnh Đông Nam bộ chuyển 1.850 ha), sang trồng các loại cây ngắn ngày như bắp, đậu phộng, đậu tương, rau các loại…; cùng cây ăn trái như cam, bưởi, xoài, thanh long, nhãn, sầu riêng…
Qua thống kê, hầu hết các loại cây ngắn ngày và cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn lúa. Tuy nhiên, vụ đông xuân ở ĐBSCL không phải là mùa vụ chính để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, nhất là các khu vực thuộc tiểu vùng phù sa ngọt cạnh sông Tiền, sông Hậu.
Vì vậy, từ vụ hè thu này và vụ thu đông tới, các địa phương sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập.
Theo Bộ NN&PTNT, chuyển đổi đất lúa nhằm đa dạng hóa sản phẩm, việc luân canh cây trồng giúp cải tạo đất và hạn chế sâu bệnh; đặc biệt là tiết kiệm nước tưới, nhất là trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có quy hoạch tập trung cho vùng chuyển đổi đất lúa để xây dựng hệ thống thủy lợi tưới, tiêu phù hợp; một số cây trồng cạn do sản xuất nhỏ lẻ, cơ giới hóa khó khăn, chi phí lao động và vật tư đầu vào tăng, khiến giá thành sản xuất cao.
Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đang thiếu sự liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa tập trung hình thành được vùng sản xuất hàng hóa lớn, do đó đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ.
Mặt khác, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa mạnh; nông dân còn quen với tập quán sản xuất lúa và thiếu lao động nông nghiệp… Đây là những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục để việc chuyển đổi cây trồng từ nay đến cuối năm 2019 đạt hiệu quả cao…