Càng nóng lại càng phải lao ra đường
Giữa trưa 2/6, TP. Hà Nội nóng như đổ lửa, cái nóng từ dưới đường bốc lên hầm hập, phả vào người đi đường. Ai nấy đều nhanh chóng di chuyển, trở về nhà, nơi làm việc.
12h30 phút, Nguyễn Đình Thanh, 27 tuổi, quê ở Nghệ An, đang là tài xế của Gojek nhận được đơn hàng của khách. Anh Thanh xỏ thêm chiếc găng tay, chùm lại chiếc khăn đội đầu rồi vội vàng lao nhanh trên đường, đến địa điểm nhận hàng.
Lấy đồ xong anh Thanh nhanh chóng hòa vào dòng người, lao nhanh để tránh cái nóng hầm hập, như thiêu như đốt của bầu trời Hà Nội, hơn 40 độ c. Sau đơn hàng thứ 10, anh tấp vội vào bóng cây lề đường, tay phải cầm chai nước đã chuẩn bị sẵn tu ừng ực, tay trái vội vã lau đi những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm, gầy guộc.
"Mình làm nghề chạy xe giao hàng cũng phải được 5 năm rồi, bất kể ngày đêm, nắng mưa, khách cần là lại lên đường" anh Thanh từ tốn nói.
Anh Thanh kể, trước đó anh làm về thí nghiệm bê tông cho công trình, ví dư như công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tuy nhiên, công việc này thường xuyên phải làm đêm, hay phải đi đây đi đó rất xa, không cố định một chỗ, mà lương cũng thấp nên anh đã xin nghỉ việc ở đó để đi chạy shipper. Công việc cho thu nhập không cao nhưng thoải mái.
"Thông thường, cứ 5 rưỡi sáng tôi sẽ bật ứng dụng Gojek lên, chuẩn bị chu đáo mọi thứ và khoảng 6 giờ hơn ứng dụng giao hàng sẽ "nổ" đơn đầu tiên trong ngày. Một ngày làm việc của tôi thường kết thúc vào đêm muộn lúc 22h, cũng có ngày chạy cố đến gần 23h đêm mới nghỉ", anh Thanh tâm sự.
Công việc chạy shipper cũng cho anh thu nhập ổn định. Một ngày, anh có thể kiếm được từ 300.000 đồng đến 50.000 đồng trong những ngày Hà Nội có dịch. Một tháng tính ra anh có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng.
Nghề shipper vốn đã là một nghề vất vả, nguy hiểm, đặc biệt, trong thời điểm Hà Nội bước vào đợt nắng nóng, nỗi vất vả càng nhân lên gấp đôi. Có thời điểm khi di chuyển dưới nắng, bịt kín mít quá lâu, anh Thanh có biểu hiện lả người đi, khó thở.
"Những lúc như thế mình chỉ biết tạt vào lề đường có bóng cây, bỏ khẩu trang ra cho dễ thở. Nghỉ một lúc cho đỡ rồi mình lại chạy tiếp cho kịp đơn" anh Thanh chia sẻ.
Khách thường xuyên bom hàng, hủy đơn
Những năm gần đây xu hướng đặt đồ ăn online ngày càng được ưa chuộng vì sự tiện lợi, nhanh chóng và giá cả hợp lí. Dịch bệnh trở lại, người dân hạn chế ra khỏi nhà và các quán ăn đều chỉ phục vụ mang về, tuy nhiên số đơn hàng cũng tăng không đáng kể.
Thi Đại học Y Hà Nội không đỗ vì thiếu 2 điểm, Nông Hoàng Mạnh, 21 tuổi, quê ở Lạng Sơn xuống Hà Nội tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình. Trước đây ai thuê gì thì anh làm nấy nhưng khoảng 1 năm gần đây anh chuyển hẳn sang chạy shipper giao đồ ăn cho Now.
Vừa giao xong đơn hàng sau 30 phút đứng chờ dưới tán cây, anh Mạnh không giấu nổi sự mệt mỏi và tâm sự: "Thỉnh thoảng mình bị bom hàng suốt, thường 2 tuần 1 lần. Có những đơn bị huỷ do khách không nghe điện thoại".
Anh mạnh kể, với những đơn hàng khách không xuống lấy, anh vừa phải chịu tiền đơn ấy, vừa bị muộn giờ và công ty sẽ trừ tiền hiệu suất.
Dù bị bùng hàng nhiều, nắng nóng khó chịu nhưng anh Mạnh vẫn phải cố ở lại Hà Nội lao động, gửi tiền về phụ giúp cho gia đình. Gia đình anh có 5 người, bố mẹ đều làm đồng ruộng, hai người chị đã lập gia đình, thu nhập cũng không mấy dư giả.
"Nghề shipper tính thu nhập theo ngày, người làm chăm thì được nhiều, người làm ít thì được ít tiền. Thu nhập trung bình 1 tháng của mình là 10 triệu, trừ chi phí xăng xe, tiền trọ, tiền ăn, bảo dưỡng xe một tháng dư ra cũng được vài triệu gửi về cho gia đình" anh Mạnh vừa nói.
Làm công việc shipper từ năm nhất đại học, anh Lương Minh Tam, 20 tuổi, hiện đang là tài xế đối tác của Baemin vẫn ngày ngày chăm chỉ giao hàng cho khách. Chuyện bom hàng, hủy đơn luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng anh.
"Thỉnh thoảng đứng chờ khách nắng quá mà không dám bỏ khẩu trang vì sợ dịch, thở nhiều khi cũng thành khó. Có những lần nhận đơn, đến cuối cùng gọi khách lại không nghe máy. Thậm chí có những hôm máy báo nổ đơn chưa kịp ấn xác nhận khách đã vội hủy. Nhiều khi mình cũng buồn vì đã cố gắng chạy mà đơn chẳng hơn là bao. " anh Tam trải lòng.
Anh Tam hiện đang là sinh viên nên thời gian chạy chủ yếu của anh là vào buổi tối, ban ngày những hôm được nghỉ anh mới chạy xe giao hàng để kiếm thêm thu nhập.
Anh Tam chia sẻ thêm: "Mình cũng muốn đỡ đần cho gia đình, bù vào các khoản chi phí, học phí. Nhiều bạn sinh viên "cày cuốc" chăm chỉ còn có thể tự đóng luôn tiền học phí mà không cần trợ cấp từ gia đình".