dd/mm/yyyy

Chuối hột có tác dụng gì mà lại được dùng làm thuốc phổ biến trong y học cổ truyền?

Trong các loại chuối thì chuối hột có hương vị kém hơn các loại khác, nhưng loại chuối này lại được dùng làm thuốc phổ biến trong Y học cổ truyền.

Chuối hột (chuối chát) tên khoa học Musabalbisiana Golla, họ Chuối (Musacea). Ngoài các thành phần chất dinh dưỡng tốt như: đường, sinh tố, chất xơ, trong chuối hột xanh còn có chứa hàm lượng chất tanin cao, vì vậy chuối có vị chát nhiều hơn ngọt.

Chuối hột mang lại nhiều tác dụng đối với sức khoẻ. Có hai loại chuối hột nhà và chuối hột rừng. Dưới đây là tổng quan về chuối hột cũng như các tác dụng của chuối hột.

Tổng quan về chuối hột

Chuối hột nhà

Chuối hột là vị thuốc Nam quý, thường được sử dụng để ngâm rượu, sắc uống hoặc dùng trong chế biến món ăn.

Tên gọi khác: Chuối chát

Tên khoa học: Musa balbisiana Colla

Tên dược: Frutus, Caulis, Rhizoma Musa Balbisiana

Họ: Chuối (danh pháp khoa học: Musaceae)

Chuối hột rừng

Cũng như chuối hột nhà, chuối hột rừng tại Việt Nam mọc khá nhiều ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Tên khoa học của loại cây này là Musa acuminata nằm trong họ Musaceae (các giống chuối nói chung).

Chiều cao của mỗi cây chuối hột dao động trong khoảng 3m đến 4m. Phần phiến lá tương đối dài, mặt bên dưới của lá có thể làm màu xanh hoặc màu tía, phần cuống xanh hay kèm theo sọc.

Hoa chuối hột rừng mọc trên phần đỉnh, mọc tương đối thẳng chứ không chũi xuống như chuối ăn quả thông thường. Hoa có màu đỏ thẫm. Quả thường xen lẫn với phần hoa, số lượng nải chuối hiếm khi vượt quá 10 nải, phần mo chuối hướng lên trên.

Quả chuối khá to nhưng nhiều hạt, kích thước mỗi hạt dao động từ 4mm đến 5mm. Vì hạt chuối to và xếp dày nên thịt của chuối hột ít hơn chuối bình thường.

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, chuối hột rừng tại nước ta gồm 2 loại, gồm chuối hạt to và chuối hạt nhỏ. Trong đó, chuối hạt nhỏ được dùng nhiều hơn. Bạn có thể dùng tươi hoặc dùng khô.

Chuối hột có tác dụng gì mà lại được dùng làm thuốc phổ biến trong y học cổ truyền?- Ảnh 1.

Chuối hột rất tốt cho sức khoẻ

Chuối hột có tác dụng gì?

Bài viết của Lương y Hoàng Duy Tân trên Báo Sức khoẻ & Đời sống chỉ ra những tác dụng của chuối hột đối với sức khoẻ như sau:

Quả chuối

Trái chuối rừng to bằng ngón tay cái, có hạt, lúc chín vàng ươm ăn ngọt lịm. Nhưng do trái có nhiều hột nên thường người ta không ăn mà chỉ lấy hột làm thuốc. Chuối hột rừng có hai loại, trái lớn và trái nhỏ. Tất cả ngâm rượu đều thơm, ngon nhưng loại trái nhỏ có phần nhỉnh hơn vì nhựa nhiều. Chuối càng nhiều nhựa ngâm rượu càng ngon và ngọt.

Trái chuối hột còn non, thái mỏng, trộn với các loại rau sống, ăn với nộm sứa, gỏi cá để giảm vị tanh và đề phòng tiêu chảy.

Trái chuối hột rừng có tác dụng chữa đái tháo đường, viêm thận, tăng huyết áp.

Trị trẻ em táo bón: lấy 1 - 2 trái chuối chín đem vùi vào bếp lửa, khi vỏ quả ngả màu đen, ruột chín nhũn thì lấy ra để nguội, cho trẻ ăn, khoảng mươi phút sau là đi đại tiện được.

Trị sỏi bàng quang: trái chuối hột xanh thái mỏng, sấy khô, sao vàng, hạ thổ trong vài ngày, mỗi lần dùng 50-100g sắc với 400ml nước, uống làm 2 lần trong ngày vào lúc no. Có thể dùng dạng nước hãm như pha trà mà uống.

Trị bệnh thống phong (bệnh gút): quả chuối hột (rừng) 3g, củ ráy (rừng) 4g, khổ qua 1g, tỳ giải 2g. Sao vàng hạ thổ, đóng gói 10g/gói, ngày uống 2 - 3 gói pha nước đun sôi uống, không được cho đường vào.

Trị hắc lào: trái chuối xanh còn ở trên cây đem cắt đôi hứng lấy nhựa bôi hoặc đem quả phơi, sấy khô tán nhỏ, rây bột mịn, dùng uống hàng ngày chữa viêm loét dạ dày với kết quả tốt.

Xổ giun: quả chuối hột chín ăn vào lúc đói thấy ra giun.

Không được ăn quả chuối rừng còn xanh (chưa chín) vì rất dễ bị ngộ độc hoặc táo bón nặng vì quá nhiều chất tanin.

Hạt chuối hột

Chuối hột dùng để chữa bệnh là chuối nhiều hạt, hạt vỏ đen bên trong có bột trắng. Cách lấy hạt chuối hột cũng rất kỳ công, phải để chuối chín mới lấy hạt được, hạt được sao khô thơm nhẹ. Hạt chuối hột có thể dùng để ngâm rượu hoặc tán nhỏ sắc uống hàng ngày.

Giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, chân tay nhức mỏi, thấp khớp: 200g giã nát ngâm với rượu 40 độ (1.000ml) trong 10 ngày để càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml vào trước bữa ăn hay trước khi đi ngủ, có thể thêm đường cho dễ uống.

Trị sỏi thận, sỏi bàng quang: dùng hạt chuối hột rang giòn, giã nát, rây bột mịn. Mỗi ngày dùng 2 thìa canh bột cho vào ấm chế nước sôi pha trà uống. Trong thời gian uống thuốc thấy có chất lắng đục ở đáy dụng cụ đựng nước tiểu qua đêm. Uống liên tục trong 30 ngày, sỏi ra hết thành những viên nhỏ. Kết quả rất tốt.

Vỏ quả chuối hột

Trị đau bụng kinh niên: vỏ quả chuối hột 40g, phơi khô, sao hơi vàng, tán bột; quế chi 4g; cam thảo 2g tán bột. Trộn đều hai bột, luyện với mật làm viên, uống 2 - 3 lần trong ngày với nước ấm.

Trị đau bụng, tiêu chảy: vỏ quả chuối rừng đã chín vàng, thái nhỏ, phơi khô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 - 8g, hãm nước sôi uống.

Trị kiết lỵ: vỏ quả chuối hột, rễ gai tầm xọng, vỏ quả lựu, rễ tầm xuân, mỗi thứ 20g; búp ổi 10g, phơi khô, sắc uống.

Hoa chuối hột

Hoa chuối có vị hơi chát và ngon ngọt.

Hoa chuối hột thái nhỏ, luộc hoặc làm nộm ăn để tăng tiết sữa ở phụ nữ mới sinh con.

Hoa chuối ăn hoặc sắc nước uống làm cho nước tiểu trong và giúp thận hòa tan các loại acid dễ đóng cặn trong thận và bàng quang.

Hoa chuối là nguồn bổ sung chất xơ rất tốt, vì vậy nên ăn hoa chuối để thêm chất xơ cho ruột, chống táo bón ở người cao tuổi.

Đặc biệt người ta thấy rằng hoa chuối hầu như không có sâu bao giờ, vì vậy có thể dùng thay thế các chất xơ của các loại rau khác mà do lợi ích kinh tế người ta dùng quá nhiều hóa chất để trồng.

Lá chuối hột

Trị băng huyết, nôn ra máu: lá chuối hột phơi khô 10g, mốc cây cau 20g, tinh tre 20g. Tất cả đốt tồn tính, tán nhỏ, hòa với nước uống.

Mát phổi, bổ phổi, tiêu độc: lá bắc (lá màu đỏ bao bọc buồng chuối) và hoa chuối hột sắc uống.

Thân chuối hột

Trị đau nhức răng: thân chuối hột còn non, cắt đoạn, nướng chín rồi ép lấy nước, ngậm với ít muối.

Cầm máu vết thương: dùng lõi thân cây chuối rừng đập dập, đắp vào vết thương.

Lõi thân cây già thái và giã nát, vắt nước uống sẽ làm tiêu khát.

Hỗ trợ ổn định đường huyết: chọn cây chuối hột có bắp đang nhú, cắt ngang cây (cách mặt đất 20 - 25 cm) và khoét một lỗ rỗng to ở thân chuối, để một đêm, sáng hôm sau múc nước từ lỗ rỗng (do gốc thân cây chuối tiết ra) mà uống. Dùng thường xuyên sẽ ổn định được đường huyết.

Theo tài liệu nước ngoài, nước sắc thân và lá chuối hột tác dụng lợi tiểu chữa phù thũng.

Chuối rừng làm rau sống là những cây chưa trổ buồng, dưới một năm tuổi. Người ta tước bỏ lớp vỏ bên ngoài màu tím, lấy phần xơ lưới màu trắng và vỏ lụa bên trong. Bẹ chuối sau khi tước vỏ bó lại và thái ra sợi nhỏ như thuốc rê.

Đồng bào địa phương khi đi rừng khát nước thường chặt cây chuối rừng, lấy thân tước bỏ lớp vỏ, dùng lõi ăn sống hoặc ép lấy nước uống cho mát. Người đi rừng thành thạo luôn tìm tới đóng trại ở những thung lũng có cây chuối rừng, đó là nơi có nguồn nước tinh khiết và nhiều nhất trong mùa hè.

Củ chuối hột

Trị cảm nóng, sốt cao, háo khát, mê sảng: củ chuối hột đem cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt miếng, giã nát, ép lấy nước uống.

Trị ho ra máu: củ chuối hột phối hợp với tầm gửi cây dâu, rễ cỏ tranh, thài lài tía, mỗi thứ 12g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Trị kiết lỵ ra máu: củ chuối hột phối hợp với củ sả, tầm gửi cây táo hoặc vỏ cây táo, mỗi thứ 4g, sao vàng, sắc uống.

Trị tim hồi hộp, hay mơ, đêm về trằn trọc khó ngủ: củ chuối hột 20g, nấu chung với 1 quả tim heo (200 - 300g), uống nước, ăn tim.

Hỗ trợ ổn định đường huyết: đào lấy củ cây chuối hột, rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống, dùng thường xuyên và lâu dài có tác dụng ổn định đường huyết (dành cho người bệnh đái tháo đường týp 2).

Đồng bào Thái ở Tây Bắc lại dùng củ chuối hột sắc uống với củ chuối rừng và rễ cây móc, mỗi thứ 10 - 12g để làm thuốc an thai.

Nước hãm củ chuối hột uống mát, tiêu khát, giải độc, kích thích tiêu hóa.

Thân và củ chuối đem um với cá lóc, lươn đồng là món ăn - bài thuốc có tác dụng bồi bổ khá tốt. Lươn hoặc cá lóc cung cấp protein và các chất bổ, củ chuối kích thích tiêu hóa, giúp tăng cảm giác muốn ăn, dễ hấp thu.

Hướng dẫn ngâm chuối hột rừng

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, chuối hột rừng thường không sử dụng như một loại trái cây. Người ta chủ yếu dùng loại quả này như một vị thuốc.

Cách chế biến thường gặp và dễ thực hiện nhất là ngâm rượu. Rượu chuối hột nếu ngâm đúng phương pháp sẽ có hương vị đặc trưng, vừa dễ uống vừa phát huy tốt hiệu quả phòng và điều trị bệnh.

Khâu chuẩn bị

Nếu muốn ngâm rượu chuối hột, có thể ưu tiên lựa chọn chuối tươi, chín vừa phải (không quá xanh cũng không quá chín). Chú ý những lựa chọn của chuối còn nhiều nhựa, chưa bị bóc vỏ.

Còn về phần rượu thì bạn hãy chọn loại rượu nếp (rượu 40 độ đến 50 độ). Lý tưởng nhất là rượu nếp lên men tự nhiên 42 đến 47 độ.

Sau khi đã có rượu và chuối phù hợp, bạn cần tiếp tục chuẩn bị một chai thủy tinh hoặc một bình sứ. Thể tích bình chứa tùy thuộc vào việc bạn muốn ngâm bao nhiêu chuối và rượu.

Khâu sơ chế

Trong khâu sơ chế này, bạn trước tiên cần rửa sạch chuối, để ráo nước rồi thái chuối thành từng lát mỏng. Tiếp theo, đem chuối vừa thái đi phơi dưới trời nắng. Thời gian phơi kéo dài từ 5 đến 7 ngày.

Nếu chuối đã phơi đủ thời gian, bạn cần tiếp tục đem ngâm với nước ấm, vớt để ráo trong một vài phút rồi mới cùng rượu nếp. Trường hợp không muốn thấy chuối, bạn cũng có thể để nguyên quả nhưng phải rửa sạch.

Ngâm

Khi nguyên liệu chuối hột và rượu nếp đã sẵn sàng, bạn hãy đổ rượu vào bình. Sau đó, từ từ cho chuối và rượu vào bình. Cứ 1 phần chuối thì bạn lại cho 4 phần rượu.

Thời gian ngâm tối thiểu là từ 3 đến 4 tháng. Nói chung, ngâm càng lâu thì rượu lại càng đậm vị. Nếu có thời gian và điều kiện, bạn nên chôn hũ rượu lòng đất.

Nếu chưa quen dùng rượu ngâm chuối hột, bạn có thể pha thêm chút nước để rượu bớt đậm và dễ uống hơn.

Trường hợp không muốn dùng rượu, bạn chỉ việc phơi khô chuối hột hãm với nước uống như trà. Hoặc dùng chuối tươi trực tiếp.

Lưu ý khi sử dụng chuối hột ngâm rượu

Theo Lương y Hoàng Duy Tân, rượu chuối hột được xếp vào loại rượu thuốc, không nên ngâm uống để nhậu xỉn.

Rượu chuối hột để hỗ trợ điều trị bệnh sạn thận, bổ thận: liều lượng mỗi bữa ăn 1/2 tách uống trà (10 - 20ml).

Các vị thuốc gia giảm phải theo từng người: cao, hạ huyết áp, nhiệt, hàn, cần bổ khí, cần bổ huyết… không nên tùy tiện dùng sẽ phản tác dụng.

Ngoài ra cần lưu ý:

Lựa chọn nguyên liệu chất lượng: Bạn cần chọn mua chuối hột tươi, thu hoạch từ rừng tự nhiên. Bưởi chuối đã chăm bón thường không còn đầy đủ dược tính như chuối hột tự nhiên.

Không dùng chuối hột cho người đau dạ dày: Chuối hột mặc dù rất tốt nhưng nó lại không phù hợp với người đang bị mắc tiền nhất dạ dày, đau dạ dày. Nếu vẫn muốn dừng thì bạn nên pha loãng rượu với nhiều nước.

Không nên quá áp dụng: Mỗi ngày bạn nên nhâm nhi từ 1 đến 2 ly rượu chuối hột. Vì uống quá nhiều rượu dễ làm huyết áp tăng.

Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Chuối hột có tác dụng gì?" rồi phải không. Để sử dụng chuối hột cho mục đích chữa bệnh bạn cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia y tế trước khi dùng để không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.


THANH THANH(Tổng hợp)