Giá cà phê hôm nay tiếp tục giảm mạnh về mức đáy thấp. Ảnh minh họa
Giá cà phê trong nước hôm nay đồng loạt giảm về mức đáy mới. Tại Lâm Đồng, giá cà phê chỉ còn duy trì mức 36.000 đến 36.300 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với hôm qua.
Tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum, giá cà phê tụt xuống mốc 36, hiện dao động trong khoảng 36.500 đến 36.900 đồng/kg, giảm 400 đến 600 đồng/kg.
Giá cà phê R1 tại TP.HCM giao dịch ở mức 37.900 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg so với phiên trước.
Giá cà phê hôm nay đồng loạt lao dốc. Nguồn: tintaynguyen
Giá cà phê trong nước lao dốc do tác động trên sàn kỳ hạn vừa kết thúc vào rạng sáng nay.
Trên sàn robusta London, kỳ hạn giao tháng 11.2017 giảm 24 USD/tấn, chốt ở mức 1.741 USD/tấn; kỳ hạn tháng 1.2018 giảm 29 USD/tấn, chốt ở mức 1.717 USD/tấn. Các kỳ hạn khác cũng giảm từ 17 đến 20 USD/tấn.
Giá kỳ hạn robusta London tiếp tục giảm mạnh, các quỹ đầu cơ chưa ngưng bán khống trong khi các nước sản xuất liên tục chốt giá bán trên sàn, Reuters cho biết.
Giá London giảm xuống khu vực quan trọng 1735-1730 để chốt tại 1720, đó là điềm xấu cho sàn này về phía kỹ thuật.
Ngược lại, sàn Arabica New York vẫn duy trì được đà tăng, có lúc +1.85 nhưng về chốt +0.65 ở 128.20 cts/lb cơ sở tháng 3.2018.
Diễn biến giá cà phê trên 2 sàn kỳ hạn. Nguồn: TTCP
Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Quang Bình, liệu có điều kiện nào để sàn này bật tăng lại qua khỏi 1827 (BQĐ 20 ngày) hay đỉnh cũ mới mất gần đây 1.838?
"Chỉ có phép mầu! Sàn London đang bị bao vây toàn chuyện tiêu cực: giới đầu tư đang trong trào lưu bán khống, Việt Nam chuẩn bị ra vụ mùa mới, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nay mai có thể tăng lãi suất đồng USD, sàn kỳ hạn arabica không tăng cao như kỳ vọng dù lượng dư bán của các quỹ đầu tư quá lớn…", ông Bình phân tích.
Cũng theo ông Bình, nếu tính đỉnh cao nhất gần đây là 2150, thì đến nay London đã mất 400 USD. Thị trường đang chờ một đợt chỉnh kỹ thuật…Nhưng liệu lấy lại 100 USD tức lên lại 1850 USD có dễ không khi nhiều người đang chực giá lên để bán?
Sở dĩ giá cà phê nội địa mất nhiều hơn dự báo có thể từ áp lực bán ra xuất phát từ tâm lý lo sợ giá còn rớt nữa. Hàng niên vụ mới ra chưa mạnh nhưng giá nội địa vẫn giảm, đấy cũng có thể do lượng bán khống hàng thực và chốt giá bán trên sàn kỳ hạn nhiều.
Tâm lý sợ giá tiếp tục rớt không có lợi cho thị trường nội địa. Biết là vậy, nhưng mua bán kiểu “rỉ tai”, người này thấy người khác bán, cùng bán theo…càng tạo thêm hoảng loạn trên thị trường.
Nếu không kịp thời giải thích và trấn an để cắt bớt nguồn bán khống, giá cà phê nội địa có thể theo đà để xuống 36 thậm chí 35 triệu đồng mỗi tấn, ông Bình dự đoán.