dd/mm/yyyy

Chủ tịch Hà Nội nói về công viên nghìn tỉ chậm tiến độ

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định Dự án công viên văn hóa Kim Quy, vốn được ví như Disneyland tại Việt Nam, sẽ chậm tiến độ, không thể hoàn thành vào quý III.

Tại phiên giải trình sáng 13.8 về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin Công viên văn hóa Kim Quy (tại huyện Đông Anh), vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, chủ đầu tư cũng chậm triển khai. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã ứng 1.000 tỉ đồng cho Đông Anh để giải phóng mặt bằng.

“Chúng tôi mời chủ đầu tư lên đôn đốc. Chủ đầu tư cũng đã mua trang thiết bị cho giai đoạn 1 tại vùng lõi. Họ cũng đang thi công khu vực lõi. Chúng tôi khẳng định dự án này bị chậm so với cam kết ban đầu là cuối năm 2018. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đốc thúc để xong vào dịp 10.10.2019”, ông Chung nói.

Phối cảnh công viên Kim Quy. Ảnh: ANTĐ.
Phối cảnh công viên Kim Quy. Ảnh: ANTĐ.

Dự án công viên văn hóa Kim Quy do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư, nằm tại giao lộ giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường 5 kéo dài thuộc địa phận huyện Đông Anh, có quy mô diện tích hơn 100 ha. Dự án khi khởi công được quảng bá xây dựng theo mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu.

Công trình có tổng mức đầu tư 4.600 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công kể từ khi khởi công hồi tháng 9.2016. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ vẫn rất chậm chạp, phần lớn chưa triển khai.

Cũng tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã thông tin về tình hình xử lý một số lô “đất vàng” trong nội thành. Cụ thể, lô đất số 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Hà Nội đã mời chủ đầu tư lên làm việc, doanh nghiệp này hứa sớm triển khai dự án, không để bỏ hoang kéo dài.

Tại lô đất 31-33-35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), ông Chung cũng cho biết Tập đoàn T&T hứa sẽ sớm triển khai dự án.

Tại lô đất số 22-24 Hàng Bài, chủ đầu tư đã xin chuyển từ xây dựng căn hộ sang khách sạn. Hà Nội đang đợi nhà đầu tư hoàn thiện thiết kế để sớm thẩm định dự án, sớm thi công.

Tuy nhiên, trước đó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết một số chủ đầu tư tại các dự án “đất vàng” trong nội thành như T&T, Tân Hoàng Minh… xin xây dựng công trình cao tầng, vượt quy định giới hạn chiều cao trong nội đô. Vấn đề này, Hà Nội đã xin ý kiến các cơ quan cấp trên như Bộ Xây dựng và Thủ tướng nhưng vẫn chưa cho ý kiến, nên chưa thể giải quyết đề xuất của chủ đầu tư.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng thông tin Hà Nội đang có tới 480 dự án bị chậm. Số liệu từ tháng 8.2008 đến tháng 7.2018, Hà Nội đã phê duyệt 1.023 dự án với tổng số vốn 846.244 tỉ đồng ngoài ngân sách.

Lô đất vàng tại số 22-24 Hàng Bài bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Anh Tuấn.
Lô đất vàng tại số 22-24 Hàng Bài bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Anh Tuấn.

Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư cho 847 dự án, với số vốn 688.237 tỉ đồng, trong đó có 176 dự án về nhà ở. Hiện có 480 dự án chậm tiến độ. Chiếm gần 44% số dự án chậm tiến độ là dự án về nhà ở.

Ngay sau phiên giải trình, UBND TP. Hà Nội sẽ công khai 47 dự án đủ điều kiện thu hồi. Số dự án này đã được điều tra, xem xét suốt 5 tháng qua.

“Trong công tác rà soát các dự án thu hồi, chúng tôi đều mời nhà đầu tư lên để lắng nghe thấu tình đạt lý. Nếu có vướng mắc khó khăn gì mà tháo gỡ được cho họ đầu tư, thì chúng tôi tháo gỡ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nào không tháo gỡ được thì cương quyết thu hồi”, ông Chung nói.

Trước đó, HĐND TP. Hà Nội đã có các đợt giám sát về tình hình các dự án sử dụng đất nhưng chậm triển khai và nêu tên nhiều chủ đầu tư được giao đất vẫn bỏ hoang. Điển hình là các chủ đầu tư như Nam Cường, Licogi, Sông Đà Sudico, HANHUD…

Hiếu Công