Việc giáo dục trẻ một cách khoa học, khéo léo ngay từ khi còn bé thơ, giúp con dần hình thành nhân cách trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Các bậc cha mẹ cần phải có phương pháp, định hướng đúng đắn cho mỗi đứa trẻ của mình.
Hướng dẫn trẻ làm việc nhà
Dạy trẻ tự lập theo độ tuổi là điều mà các bậc cha mẹ nên tìm cách rèn luyện con. Đầu tiên là thói quen ngủ sớm dậy sớm, thói quen ăn uống tốt. 1 tuổi rưỡi khi bé bắt đầu muốn tự xúc sẽ để bé tập xúc, khi ăn không xem tivi, không đi rong. Cho đến 3 tuổi sẽ tự biết làm những việc liên quan đến vệ sinh cá nhân, thay đồ, biết dọn dẹp đồ mình bày ra…
Cũng từ tầm 3 tuổi nên tích cực dạy trẻ giúp việc nhà phù hợp với khả năng, không phải là những việc nặng nhọc mà chỉ cần là những công việc đơn giản, vừa với sức của con, hướng dẫn con làm chỉn chu và cẩn thận.
Bởi vì thông qua từng việc nhỏ ấy sẽ nuôi dưỡng cho trẻ sự tự tin, tinh thần tự chủ và yêu lao động, suy nghĩ tích cực, đồng thời trẻ sẽ học hỏi cho mình cách giải quyết vấn đề. Chính việc cho trẻ tự làm việc nhà, tôn trọng mong muốn của trẻ chính là cơ hội tuyệt vời rèn luyện kỹ năng sống tích cực cho trẻ.
Rất nhiều người tin rằng, những đứa trẻ biết làm việc nhà sẽ trở thành người cộng tác tốt với đồng nghiệp, biết cảm thông, chia sẻ, biết giải quyết khó khăn một cách độc lập.
Dạy trẻ kỹ năng xã hội
Có thể nói rằng, kỹ năng sống cho trẻ không phải bắt đầu từ khi trẻ đi học, mà nó cần được dạy ngay từ khi trẻ mới sinh ra, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất để dạy trẻ những kỹ năng ấy.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania State và Đại học Duke đã theo dõi hơn 700 trẻ em trên khắp nước Mỹ từ mẫu giáo đến 25 tuổi nhận thấy rằng kỹ năng xã hội là yếu tố thành công cho tương lai sau này của mỗi đứa trẻ.
Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có kỹ năng xã hội tốt có thể dễ dàng hợp tác với bạn bè, đồng nghiệp, biết giúp đỡ người khác, hiểu được cảm xúc từ đó biết cách chia sẻ với người khác, biết cách tự giải quyết vấn đề khó khăn khi gặp phải, dễ dàng đỗ đại học và có công việc tốt… hơn những đứa trẻ có kỹ năng xã hội kém và hạn chế.
Trẻ em ở những độ tuổi, hoàn cảnh và tính cách khác nhau sẽ gặp những trở ngại khác nhau khi học các kỹ năng xã hội. Ở tuổi mẫu giáo, trẻ thường gặp khó khăn khi kiểm soát cơn bốc đồng. Chúng khó mà kiên nhẫn để chờ đến lượt, thương lượng trong những tình huống rắc rối hoặc giải quyết mâu thuẫn. Hay những trẻ lớn hơn có thể bị mắc cỡ và cảm thấy có vẻ mình không phù hợp với nhóm…
Do vậy, các bậc cha mẹ hãy dạy con những kỹ năng xã hội thông thường từ giao tiếp, gia nhập nhóm, giải quyết vấn đề… và từ nhiều nguồn khác bao gồm các thành viên trong gia đình, bạn bè, người trông trẻ và trường mẫu giáo để giúp bé có thể hòa đồng, tạo các mối quan hệ tốt với bạn bè. Hầu như không có công thức chung để dạy kỹ năng xã hội cho tất cả mọi trẻ, các bậc cha mẹ phải tự nhận biết những khác biệt của con mình để có cách thử và chọn phương pháp phù hợp nhất cho trẻ.
Trải nghiệm thật nhiều
Trải nghiệm những điều mới rất quan trọng đối với sự phát triển của một người và là yếu tố quan trọng nhất để mở rộng trí tuệ. Bởi tiếp cận với nhiều môi trường, nhiều điều mới là bước đầu tiên giúp hình thành và phát triển cách tư duy và tiếp cận thế giới của trẻ.
Đưa trẻ đi du lịch, thăm thú những miền quê, vào rừng, xuống biển… để trẻ tiếp xúc và làm quen với môi trường thiên nhiên ngay từ nhỏ như một cách giúp tăng sức đề kháng. Các bậc cha mẹ không nên lo ngại con sẽ bị ốm, bởi khi trải qua môi trường như thế thì con trẻ mới được tôi luyện dần dần mà thích ứng. Và kết quả là họ nuôi dưỡng được những đứa trẻ khỏe mạnh, rắn rỏi, rất ít ốm và luôn thích hoạt động ngoài trời.
Gần đây rất nhiều các nhà giáo dục đã vận động trào lưu cho trẻ trải nghiệm với nông nghiệp thông qua việc tự trồng trọt và thu hoạch nông sản: trồng lúa - gặt lúa, trồng rau – thu hoạch rau mà không dùng phân hóa học.
Đây là trải nghiệm tuyệt vời giúp trẻ cảm nhận được cảm giác hạnh phúc khi thu hoạch được thành quả do sức lao động mình bỏ ra, hiểu được sự vất vả của những người làm nông nghiệp để biết yêu quý thức ăn, coi trọng sức lao động của người khác. Đồng thời thông qua trải nghiệm ấy trẻ học hỏi được rất nhiều kỹ năng sống cho mình.
Chơi cùng con
Đây có thể nói là cách tốt nhất để cha mẹ có thể hiểu được tâm lý của trẻ nhỏ. Cha mẹ càng dành nhiều thời gian chơi với con thì trí tuệ của trẻ càng có nhiều cơ hội phát triển. Cùng trẻ sáng tạo ra những trò chơi hấp dẫn, kích thích trí não là cách tốt nhất giúp bé cải thiện hành vi, hình thành sự tự tin và nhận ra giá trị bản thân.
Không những thế, chơi với con còn là “phương thuốc trị liệu” kỳ diệu, vì đó là khoảng thời gian để bạn tách ra khỏi những toan tính, lo âu, dằn vặt đầy stress của cuộc sống đời thường, chỉ dành sự chú ý cho thiên thần bé bỏng - người có thể dạy bạn cách thư giãn, cách thể hiện cảm xúc và cảm nhận tình yêu thương.
Qua đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng được thắt chặt, giúp bạn đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ, đồng thời cũng để chính cha mẹ được thưởng thức những niềm vui mà việc chơi với con đem lại.
Các bậc cha mẹ sẽ không phải ân hận khi biết rằng mình đang làm một công việc quan trọng nhất trên thế giới này - đó là nuôi dưỡng và khơi nguồn để phát lộ những tài năng tiềm ẩn của một con người.