Lực lượng chức năng tỉnh Hậu Giang kiểm tả thuốc BVTV tại các đại lý. Ảnh: Chúc Ly
Trong khi đó, nông dân, ở vai trò là người phải mua chịu, ứng trước vật tư nông nghiệp nên đại lý nói gì phải nghe nấy. Thị trường thuốc BVTV đang mang lại siêu lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và các đại lý phân phối.
Ăn thua nhờ… đại lý
Gia đình ông Nguyễn Văn Bé (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Long An) có 6 nhân khẩu, canh tác hơn 2ha lúa. Mỗi vụ, ông Bé phải chi tiền để phun thuốc BVTV từ 6 – 8 lần, có khi hơn. Ông Bé sử dụng thuốc BVTV từ lúc xử lý giống, đến phun diệt cỏ, trừ sâu, phòng bệnh… chi phí cho mỗi lần phun thuốc cũng ngốn từ 350.000 – 500.000 đồng/ha.
Người dân huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang phun thuốc BVTV. Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Bé chia sẻ: “Vì tất cả thu nhập của gia đình trông chờ vào ruộng lúa, nên ông không thể lơ là. Hễ cứ thấy lúa có dấu hiệu khác thường là phải chạy ngay ra đại lý vật tư nông nghiệp đầu xã, nhờ “bắt bệnh”. Cái khổ là vì phải mua nợ, “ký sổ” nên không có nhiều lựa chọn, đại lý đưa ra sản phẩm nào, giới thiệu sản phẩm nào, đều phải chấp nhận”.
Mới đây, gặp phóng viên Trang Trại Việt tại một hội thảo đầu bờ về chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu, ông Năm Ngự, chủ một đại lý vật tư nông nghiệp tại Tri Tôn (An Giang) cũng hào hứng khoe: “Cả gia đình vừa được đi du lịch cùng nhau. Chương trình do một công ty sản xuất kinh doanh thuốc BVTV “thưởng” do đạt chỉ tiêu kinh doanh trong vụ đông xuân 2016”.
“Năm nào cũng có thưởng, không đi du lịch thì cũng được xe máy, tủ lạnh, tivi các loại… Chưa kể có năm còn được đi du lịch nước ngoài. Các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, nhưng mình là người bán, mình tư vấn trực tiếp cho nông dân”, ông Năm Ngự chia sẻ.
Anh Huỳnh Công Nguyên (quê ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên) từng nhiều năm làm nhân viên kinh doanh ở khu vực ĐBSCL cho một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. Vì “miếng cơm manh áo”, lại mới ra trường khó xin việc, thêm áp lực doanh số từ phía công ty, anh Nguyên cũng “chạy đôn, chạy đáo” khắp vùng để “xúi” bà con sử dụng thuốc này, thuốc nọ cho lúa.
Anh Nguyên chia sẻ: Để thu hút đại lý bán sản phẩm của doanh nghiệp, các công ty liên tục “chạy” nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tăng chiết khấu. Doanh nghiệp thường không trực tiếp bán sản phẩm tới tay nông dân mà phải qua hệ thống đại lý cấp 1, cấp 2… Các đại lý này cùng lúc phân phối nhiều sản phẩm, của nhiều doanh nghiệp. Do đó, muốn “sống còn”, doanh nghiệp phải “lấy lòng” đại lý.
Mảnh đất “siêu” lợi nhuận
Được đánh giá là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV dù đang bị bao vây bởi hàng loạt doanh nghiệp ngoại nhưng lợi nhuận thu về cũng rất lớn.
Theo ước tính của Bộ NNPTNT, mỗi năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn thuốc BVTV. Lượng lớn các sản phẩm này được nhập khẩu về Việt Nam rồi đóng gói, phân phối lại. Hoạt động kinh doanh thuốc BVTV đem lại mức lợi nhuận rất lớn, có thể kể đến các tên tuổi như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Nông dược H.A.I, Công ty CP BVTV Sài Gòn…
Báo cáo hợp nhất có kiểm toán năm 2015 của Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I cho thấy, hoạt động kinh doanh thuốc BVTV và các sản phẩm thuốc kích thích tăng trưởng có mức phát triển mạnh, chiếm trên 65% tổng doanh thu của H.A.I; riêng doanh thu của thuốc trừ sâu, thuốc kích thích và nguyên liệu đạt trên 1.200 tỷ đồng. Mới đây, tại hội nghị khách hàng, doanh nghiệp này cũng cho biết đã nâng vốn đầu tư nhằm mục đích đẩy mạnh kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, hướng đến mục tiêu chiếm vị trí top 3 ngành thuốc BVTV trong năm 2017. Trong thời gian tới, H.A.I sẽ tiếp tục nâng vốn đầu tư lên mức 2.000 tỷ đồng.
Kinh doanh thuốc BVTV cũng đem lại nguồn thu chính cho Tập đoàn Lộc Trời. Năm 2015, doanh thu thuần của tập đoàn này đạt 7.856 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 319 tỷ. Trong đó, doanh thu từ bán thuốc trừ sâu là 4.170 tỷ đồng. Như vậy trung bình mỗi tháng, Lộc Trời thu xấp xỉ 347,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thuốc trừ sâu.
Hay như với Công ty CP BVTV Sài Gòn (SPC), báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 cũng chứng minh rằng, hoạt động kinh doanh thuốc BVTV vẫn tăng trưởng dù trong năm này, sản xuất khó khăn, nhiều vùng nông dân không thể xuống giống nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV có phần giảm. Doanh thu năm 2015 của SPC đạt 894 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 36,7 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2014. Như vậy, mỗi tháng công ty thu 3 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động kinh doanh thuốc trừ sâu, hóa chất và phân bón.
Ông Trần Quang Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam thông tin, hiện cả nước có hơn 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến với hơn 20.000 đại lý khắp cả nước. Hầu hết các doanh nghiệp, đại lý này đều “sống khỏe” với việc kinh doanh các sản phẩm thuốc BVTV.
“Thanh lọc” để quản lý
Để “thanh lọc”, ngăn ngừa tình trạng “bát nháo” trên thị trường thuốc BVTV, Bộ NNPTNT đã có kế hoạch đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các nhãn hiệu thuốc BVTV trên thị trường nhằm siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các sản phẩm này.
Nhiều sản phẩm thuốc BVTV cùng chức năng nhưng có tên gọi khác nhau hoặc chỉ khác nhau một phần rất nhỏ trong thành phần. Ảnh Chúc Ly
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết: Danh mục thuốc BVTV Việt Nam hiện có tới 1.173 hoạt chất với hơn 4.000 tên thương phẩm. Số lượng này khá nhiều khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh căng thẳng để giành thị trường. Trong khi đó, nhiều sản phẩm cùng chức năng nhưng có tên gọi khác nhau hoặc chỉ khác nhau một phần rất nhỏ trong thành phần…
Để tăng cường quản lý thị trường này, trong năm nay, Bộ NNPTNT sẽ loại bỏ hai hoạt chất là Carbendazim và Paraquat ra khỏi danh mục các hoạt chất thuốc BVTV được phép lưu hành. Liên quan tới hai hoạt chất này có tới hơn 300 nhãn hiệu cũng sẽ dừng lưu hành. Tiếp đó, đến năm 2017 sẽ loại bỏ thêm ít nhất 250 tên thương phẩm với 115 hoạt chất nữa. Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng ra thông báo về việc tạm dừng đăng ký một số loại thuốc BVTV. Cụ thể, sẽ tạm dừng cấp giấy phép khảo nghiệm, đăng ký thuốc BVTV có chứa một trong các hoạt chất: Glyphosate, Diazinon, Malathion, Tetrachlorvinphos đến hết năm nay.
Cũng theo ông Trung, Cục Bảo vệ thực vật đang tiến hành rà soát toàn bộ lượng thuốc BVTV nhập khẩu trong 5 năm gần đây và thực trạng sử dụng các loại thuốc BVTV trên địa bàn từng tỉnh. Đến giữa năm 2020, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật quy định, một hàm lượng hoạt chất thuốc BVTV chỉ cho phép một dạng nhãn hiệu thương mại, do đó sẽ có khoảng 600-700 nhãn hiệu thương mại nữa bị loại bỏ ra khỏi thị trường…