Những vườn điều thiệt hại nặng ở hầu khắp các địa phương của Bình Phước
Sát thủ bọ xít muỗi
Nông dân Nguyễn Văn Tình ở thôn 12, xã Long Hà, huyện Phú Riềng rất tích cực chống bọ xít muỗi từ đầu vụ, nhưng vườn điều vẫn bị táp lá, cháy xém. Dẫn chúng tôi ra vườn, ông Tình cho biết: “Đây là loại côn trùng có cánh, có thể di chuyển, phát tán từ nơi này đến nơi khác. Dù đã phòng chống rất tích cực nhưng vẫn không thể kiểm soát được”.
Còn anh Nguyễn Văn Châu ở thôn 4 xót ruột: "Năm rồi thời tiết khắc nghiệt, điều đã thất thu. Năm nay, bọ xít phá thế này, lại mất mùa nữa".
Người dân đã phòng chống rất tích cực nhưng vẫn không thể kiểm soát được
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hà, đang mùa mưa, thời điểm đọt điều non hé “lộc” rộ, chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Đây cũng là thời điểm “nhạy cảm”, chồi rất dễ bị tổn thương nếu bị bọ xít tấn công. Trên thực tế, rất nhiều vườn điều bị cháy rụi lá, khô đọt.
“Xã có 2.700ha điều thì có tới 1.500 ha bị bọ xít muỗi phá hoại. Bà con nông dân cũng đã phối hợp Trạm BVTV huyện phun thuốc diệt bọ xít muỗi nhưng vẫn chưa thể khống chế”, ông Hưng cho biết.
Điều non bị bọ xít muỗi chích thâm đen, sau đó rụng
Tại các xã thuộc TX Đồng Xoài, tình hình dịch bệnh trên cây điều cũng đang có chiều hướng lan rộng. Anh Thạch Don ở xã Tân Thành cho biết, phần lớn diện tích vườn điều của gia đình bị xơ xác, khô lá, khô cành. Trong đó 2ha vừa bị nhiễm nấm lại thêm bọ xít muỗi, nên gần như mất trắng. Để phòng chống dịch bệnh, anh chỉ biết xịt thuốc rồi tăng cường bón phân nhưng không dám chắc cây điều sẽ hồi sức trong vụ mùa năm tới.
“Năm nay nay dịch bệnh càng nhiều hơn nên lại thất thu nữa rồi. Tôi đã bỏ nhiều công sức hăm sóc nhưng không ăn thua”, anh Don nói.
Anh Hoàng Văn Đức ở xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú cho biết, dịch bọ xít muỗi hoành hành từ đầu năm và ngày càng nặng hơn làm cây điều yếu, khả năng năm sau mất mùa là rất cao, thậm chí mất nặng hơn.
Trên 40% diện tích điều bị hư hại
Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước cho thấy, trên 40% diện tích điều trên địa bàn tỉnh bị hư hại do bọ xít muối tấn công, cây nhiễm bệnh làm khô héo cành, lá. Chỉ riêng huyện Đồng Phú, khoảng 40% diện tích trong tổng số hơn 14.300ha điều bị dịch bệnh.
Trên 40% diện tích điều trên địa bàn tỉnh bị hư hại do bọ xít muối tấn công
Trong đó, riêng xã chuyên canh điều Tân Phước có 160ha điều bị khô cành, cháy lá khả năng không thể phục hồi được. Còn tại xã Tân Hưng có khoảng hơn 200ha bị nhiễm bệnh do bị bọ xít muỗi. Ngoài ra, huyện Phú Riềng có hơn 10.000ha, TX Đồng Xoài, TX Phước Long có hàng trăm ha điều bị sâu bệnh gây hại…
Một nguyên nhân khác khiến tình trạng dịch bệnh cây điều lan rộng là do chưa được người trồng quan tâm đúng mức. Trong số gần 46.600ha điều bị nhiễm bệnh, có đến 32.000ha canh tác theo lối quảng canh. Đa số đồng bào dân tộc vẫn nghĩ, cây điều có khả năng sinh trưởng tốt nên không cần chăm sóc, cải tạo.
Một nông dân ở xã Tiến Hưng, TX Đồng Xoài cho biết, ông có 1ha điều cho thuê. Do ít đến thăm vườn nên không biết điều bị bệnh khô cành cháy lá nặng và sâu đục thân nên gần như không cứu được...
Trước tình hình này, Tỉnh ủy đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã về việc triển khai hỗ trợ nông dân trồng điều năm 2017. Cụ thể, hỗ trợ thuốc và phân bón cây điều bị thiệt hại cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng trong tỉnh khoanh nợ, giãn nợ, ưu tiên nguồn vốn cho nông dân vay khắc phục vườn điều.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo, cần khẩn trương xử lý, khắc phục diện tích điều bị hư hại do bọ xít muỗi và nhiều nguyên nhân nhiễm bệnh khác để giảm bớt thiệt hại. Huy động các đoàn thể, công an, quân đội vào cuộc hỗ trợ nông dân khắc phục vườn điều bị nhiễm bệnh, không để phát sinh hộ đói do mất mùa.
Bọ xít muỗi, thủ phạm phá hoại cây điều trên diện rộng
Ông Lợi cho rằng, ngoài tuyên truyền, tập huấn, phải hướng dẫn nông dân bằng kinh nghiệm thực tế. Ở Bình Phước, nông dân thành công từ cây điều không ít, cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình hiệu quả để bà con học hỏi lẫn nhau. Tổng kiểm tra các đại lý, cơ sở bán thuốc BVTV...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thị cùng các cơ quan chức năng vận động nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh thông qua các biện pháp tỉa cành, tạo tán, phun thuốc BVTV, bón phân... Đồng thời, rà soát, thống kê diện tích điều bị hư hại, các hộ dân bị thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ.