dd/mm/yyyy

Cảnh báo dịch bệnh: Bệnh lùn sọc đen tàn phá hàng chục ngàn ha lúa, do thời tiết hay chủ quan?

Một số chuyên gia BVTV cho rằng: Nguyên nhân khiến dịch bệnh lùn sọc đen phương nam hại hàng chục ngàn ha lúa mùa miền Bắc, ngoài các yếu tố bất thuận của thời tiết, còn có yếu tố chủ quan của con người.


Do bị lùn sọc đen, đồng lúa biến thành “đồng cỏ” ở huyện Trực Ninh (Nam Định)

Nam Định: 4.000ha mất trắng, 8.000ha thiệt hại nặng

"Có thể, sau gần 10 năm trên đồng ruộng không không xuất hiện bệnh lùn sọc đen trên diện rộng, nên chúng ta có tâm lý lơ là, cho rằng nguồn virus gây bệnh đã hết rồi. Cơ quan BVTV vẫn kiểm tra mật độ rầy lưng trắng hàng năm, vẫn khuyến cáo nông diệt trừ rầy ngay từ đầu vụ, nhưng thực chất, các văn bản chỉ mang tính tham khảo chứ chưa phải là mệnh lệnh bắt buộc, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Như vậy thì làm sao hiệu quả được", một TS chuyên ngành BVTV.

Nắng hanh hao chiếu lên khuôn mặt ảo não của Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Việt Tiến (huyện Trực Ninh, Nam Định) Hoàng Đức Lợi. Đôi chân rảo bước thăm nhưng đầu ông nặng như đeo đá khi nghĩ đến khoản tiền 200 triệu đồng đầu tư 4,5 ha sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại xã Trực Cường “bốc hơi” theo dịch bệnh. “Mất trắng rồi! Lúa cấy lên chỉ toàn lá, không trỗ bông được, giờ chỉ gặt cho bò ăn”, ông Lợi nói.

Ở huyện Trực Ninh, số nông dân có kỹ thuật thâm canh lúa ở trình độ cao như ông Lợi không nhiều. Và cũng hiếm có người tuân thủ quy trình phòng trừ rầy lưng trắng (với 3 lần phun thuốc) từ khi làm mạ đến thời điểm lúa làm đòng như vị Giám đốc HTX này. Thế nên, thực tế nghiệt ngã trên đồng ruộng đã khiến ông gần như suy sụp tinh thần, còn vợ ông chỉ biết ôm mặt khóc tu tu vì xót của.

Ông Lợi đặt dấu hỏi: Đối tượng rầy lưng trắng trên ruộng lúa năm nào cũng có nhưng vì sao các năm trước nó không gây bệnh lùn sọc đen?

"Giả thiết rầy lưng trắng chính là tác nhân truyền virus gây bệnh vào thân cây lúa. Vậy thì làm sao để biết khi nào con rầy mang virus và khi nào không mang virus? Những người nông dân làm sao trả lời được vấn đề khoa học hóc búa như vậy.

Chẳng lẽ cứ thấy có vài ba con rầy lưng trắng là cho lúa “tắm” thuốc. Mỗi lứa rầy chỉ cách nhau khoảng 25 ngày, trong khi còn bao nhiêu đối tượng sâu bệnh khác (điển hình như năm nay là sâu cuốn lá) cũng cần phòng trừ. Nếu ngành BVTV không khuyến cáo cho nông dân sử dụng thuốc hợp lý, thì đồng ruộng sẽ biến thành kho thuốc trừ sâu khổng lồ”, theo ông Lợi.


Khuôn mặt sầu não của một lão nông ở Nam Định khi “trắng tay” do bệnh lùn sọc đen hại lúa

Xã Trực Hùng là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất do bệnh lùn sọc đen hại lúa gây nên (khoảng 300 ha nhiễm bệnh). Điều đáng nói, theo phản ánh của người dân, trong thời kỳ 2009 – 2010, khi lần đầu tiên dịch bệnh này bùng phát ở Việt Nam thì Trực Hùng không hề có dịch. Vậy virus gây bệnh từ đâu mà đến, nó tồn tại ở môi trường nào rồi xâm nhập vào con rầy lưng trắng?

Thái Bình: Gần 18.000ha lúa nhiễm lùn sọc đen

Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt – BVTV Thái Bình, diện tích lúa mùa nhiễm lùn sọc đen trên địa bàn toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại khoảng gần 18.000ha.

Trong đó, nhiễm nặng và mất trắng khoảng 2,4.000 ha, tập trung vào các huyện Kiến Xương (nhiễm 4.900ha), Tiền Hải (6327ha), Thái Thụy (5725ha). Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu sơ bộ từ các huyện. Còn số liệu chính xác thì còn phải chờ các xã gửi lên.

Xã Lê Lợi (Kiến Xương) là địa phương có diện tích lúa mùa mất trắng do bệnh lùn sọc đen gây hại lớn. 210 trong tổng số 400ha gieo cấy lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen trong đó, có hơn 50ha bị bệnh nặng không còn khả năng cho thu hoạch. Dù chưa thu hoạch, nhưng “tai ương” đã nhìn thấy rõ.

Năm nào cơ quan chức năng cũng khuyến cáo nông dân phòng trừ rầy lưng trắng, nhưng phòng trừ ra sao, phun thuốc vào thời kỳ nào để đạt hiệu quả cao thì lại không nói rõ. Vì thế người dân còn tù mù.
Ông Trần Công Đoàn (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh)

Nông dân trong xã cho biết, dù xã, thôn tuyên truyền, vận động nhổ bỏ nhưng họ không biết tiêu hủy ở đâu. Theo ông Nguyễn Văn Ca, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Lê Lợi từ cuối tháng 7, hiện tượng lúa lùn lụi đã xuất hiện rải rác ở nhiều xứ đồng, nhưng các cán bộ chuyên môn và bà con nông dân chưa phát hiện đúng bệnh mà cho rằng lúa bị nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ nên chỉ tập trung xử lý bệnh lý này. Đến khi phát hiện ra bệnh lùn sọc đen thì đã muộn vì diện tích lúa bị nhiễm rất lớn, việc xử lý nhổ bỏ, tiêu hủy những khóm lúa bị bệnh nặng là quá khó...

Do thời tiết hay do lơ là phòng dịch

Khi chúng tôi đến, ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN&PTNT Nam Định chưa ký ráo mực tờ trình đề nghị UBND tỉnh công bố dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa.

Văn bản này ghi rõ: “Đến ngày 25/9/2017, toàn tỉnh có 16.662 ha lúa mùa bị nhiễm bện lùn sọc đen. Các huyện có nhiều diện tích nhiễm bệnh nhiều là Giao Thủy (5.100ha), Xuân Trường (2.553ha), Hải Hậu (2.803ha), Trực Ninh (2.200ha).


Mặc dù đã phun thuốc trừ rầy 3 lần, nhưng cánh đồng sản xuất giống lúa lai F1 tại xã Trực Hùng vẫn nhiễm nặng bệnh lùn sọc đen

Ông Điền cho biết: Riêng tại 4 huyện này, sẽ có trên 4.000 ha lúa mùa bị mất trắng (thiệt hại trên 70% năng suất) và khoảng 8.000 ha thiệt hại 30 – 70% năng suất. Tỷ lệ diện tích lúa mùa nhiễm bệnh lùn sọc đen toàn tỉnh khoảng 23 - 25%.

 Nếu trừ rầy chỉ để chống cháy rầy thì nông dân chỉ cần giữ cho mật độ rầy dưới 20 con/m2 là nằm trong ngưỡng an toàn. Nhưng nếu diệt rầy (lưng trắng) để tránh nguy cơ lây lan virus truyền bệnh thì khác hẳn. Công tác trừ rầy phải được dự tính, dự báo, chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến đại phương rất quyết liệt theo kiểu “mệnh lệnh bất khả kháng” mới thành công. Bởi chỉ cần mật độ rầy mang virus rất thấp 5-6 con/m2 là có thể gây thiệt hại nặng cho cây trồng. (TS chuyên ngành BVTV)

Nhưng điều đáng nói, diện tích nhiễm bệnh nặng sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, vì Nam Định có khoảng 10.000 ha lúa chưa đến thời kỳ trỗ do phải cấy lại (do ảnh hưởng của mưa bão đầu vụ), các dấu hiệu của bệnh lùn sọc đen chưa biểu hiện rõ ràng.

Nguyên nhân bùng phát được Sở NN-PTNT xác định là do thời tiết, sinh thái vụ mùa 2017 thuận lợi cho rầy lưng trắng phát sinh với mật độ rất cao.

Ông Trần Công Đoàn, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, một nông dân có 15 mẫu ruộng sản xuất giống lúa lai F1, cũng là nạn nhân của dịch bệnh lùn sọc đen chia sẻ: Công tác điều tra đồng ruộng, nghiên cứu, dự tính, dự báo và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh lùn sọc đen của ngành BVTV đang có vấn đề.

Tuy đã được cảnh báo và chủ động phòng trừ rầy ngay từ đầu vụ, song do mật độ rầy mang virus quá cao nên bệnh lùn sọc đen đã phát triển thành dịch.

Bên cạnh đó, ông Điền cũng thông tin: “Vào khoảng đầu tháng 8, khi lúa bén rễ hồi xanh thì đã xuất hiện hiện tượng lùn cây. Nhiều nông dân tưởng do hiện tượng nghẹt rễ nên lúa không phát triển.

Nhưng khi cán bộ kỹ thuật của Sở xuống lấy mẫu và gửi đi giám định thì phát hiện có virus gây bệnh lùn sọc đen”.

Sau khi thăm ruộng ở Nam Định, một TS chuyên ngành BVTV nghiên cứu rất sâu về bệnh lùn sọc đen, cho rằng: Bệnh lùn sọc đen bùng phát vào năm nay có sự tác động từ yếu tố thời tiết. Điều đó không thể phủ nhận. Nhưng không thể chối bỏ trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.

Xét về lý thuyết, nguyên tắc diệt trừ rầy vì mục đích phòng chống bệnh lùn sọc đen (do virus gây ra) khác hẳn so với nguyên tắc diệt trừ rầy thông thường (với mục đích phòng, chống hiện tượng cháy rầy trên cây lúa).

Minh Phúc