Vì nhầm là quả óc chó nên một số học sinh ở Nghệ An đã ăn quả ngô đồng và bị ngộ độc. Ảnh minh họa
Những vụ ngộ độc quả ngô đồng
Trong tháng 4 qua, đã có hai vụ ngộ độc quả ngô đồng khiến 63 học sinh ở Hà Tĩnh và Nghệ An phải vào bệnh viện cấp cứu.
Vụ ngộ độc liên quan tới quả ngô đồng gần đây nhất xảy ra vào ngày 20-4 tại Trường Tiểu học Nghi Hòa (Cửa Lò, Nghệ An) khiến 50 học sinh lớp 2 và lớp 3 bị ngộ độc phải vào bệnh viện cấp cứu. Các học sinh này cho biết cứ tưởng quả ngô đồng là quả óc chó nên đã rủ nhau ăn cho... thông minh.
Trước đó, ngày 10-4, 13 học sinh Trường Tiểu học Tân Giang (TP Hà Tĩnh) cũng phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng như vã mồ hôi, đau đầu, đau bụng, nôn ói... do ăn hạt của quả ngô đồng. Rất may mắn, cả hai vụ ngộ độc trái ngô đồng nói trên đều không có trường hợp nào tử vong.
Vẻ đẹp của "sát thủ" ngô đồng
Cây ngô đồng có hoa lá đẹp lại xanh mướt thường khiến học sinh tò mò. Vì cây có hoa lá đẹp, xanh tốt quanh năm và hoa rất bền nên được trồng làm kiểng nhiều nơi ở Việt Nam.
Cây ngô đồng có nhiều tác dụng như làm đen tóc, chữa rụng tóc, bệnh ngoài da, lở loét miệng... Mặc dù vậy nhưng khi ăn phải trái cây ngô đồng lại dễ bị nhiễm độc bởi trong trái cây ngô đồng có chứa chất curcin gây bệnh ở đường tiêu hóa, gan.
Cây ngô đồng là xanh và hoa đẹp nên được trồng làm cảnh.
Nếu trẻ con ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương. Đó là chia sẻ của bác sĩ Bạch Văn Cam, Cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Theo ThS-BS Nguyễn Trương Minh Thế, giảng viên khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM, loại trái mà người dân hai địa phương gọi là ngô đồng thật ra có tên là ba đậu tây hoặc vông đồng, tên khoa học là Hura crepitans, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae.
Xem thêm >> Nếu biết cách sử dụng cây ngô đồng là dược liệu quý
Loại trái cây này thân có gai, lá hình tim hơi ba cạnh, mép có răng cưa. Nhựa và hạt của cây chứa chất dầu, có độc, chính vì thế mà khi ăn phải dễ bị ngộ độc, nghiêm trọng hơn là có thể gây chết người. Ở Việt Nam, loại này ít được dùng làm thuốc, chỉ thấy dùng ở châu Phi và Indonesia nhưng cũng hạn chế do có tính tẩy xổ mạnh, gây tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí tử vong.
Bởi vậy, khi trồng cây ngô đồng ở những vị trí đông người qua lại hoặc có trẻ nhỏ phải có biển cảnh báo nguy cơ ngộ độc khi ăn quả ngô đồng.