dd/mm/yyyy

Cà phê rơi tự do cảnh báo nguy cơ vỡ trận

Giá cà phê trong nước hôm nay lại trải qua phiên giảm mạnh. Tại nhiều địa phương giá cà phê tụt về mức giá 36.000 đồng/kg, giảm gần 200 đồng/kg so với hôm qua. Những đợt giảm giá liên tục càng lộ rõ những yếu kém cốt tử của ngành cà phê.

Ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với những yếu kém từ sản xuất tới thị trường. Ảnh minh họa

Chao đảo vì giá

Trên sàn kỳ hạn kết thúc vào rạng sáng nay tiếp tục phiên giảm "điên rồ" trên sàn Robusta London khi giảm tới 19USD/tấn tại kỳ hạn giao tháng 11.2017, chốt ở mức 1.765 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 1.2018 cũng giảm 7 USD/tấn, chốt ở mức 1.737 USD/tấn.

Sàn Arabica New York vẫn duy trì được đà tăng nhẹ. Kỳ hạn tháng 12.2017 tăng 0,25 cent/pound, chốt ở mức 126.6 cent/pound.

Đợt giảm sốc trên sàn kỳ hạn đã kéo giá cà phê trong nước giảm mạnh. Tại Lâm Đồng, giá cà phê hôm nay chỉ còn duy trì mức 36.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum, giá cà phê cũng chỉ duy trì mức 33.100 đến 37.500 đồng/kg, giảm 100 đến 200 đồng/kg.

Giá cà phê R1 tại TP.HCM cũng giảm về mức 38.400 đồng/kg.

Diễn biến giá cà phê hôm nay trên 2 sàn kỳ hạn. Nguồn: TTCP

Giá cà phê lao dốc mạnh theo các nhà phân tích là do Việt Nam đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, nguông cung đang tăng cao.

Đầu tuần này, ngân hàng Rabobank cũng dự đoán sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ lên kỷ lục 28,7 triệu bao trong niên vụ này, tăng mạnh so với niên vụ 2016 – 2017 (mà theo ước tính của Hiệp hội Cà phê Quốc tế là 25,5 triệu bao).

Giới thương lái dự đoán rằng, chất lượng và sản lượng của niên vụ này đều sẽ vượt niên vụ trước, với tỷ lệ hạt cà phê mốc giảm đáng kể, chủ yếu nhờ thời tiết khu vực Tây Nguyên gần đây khá nắng ráo. Vì đang trong vụ thu hoạch, nguồn cung cà phê ra thị trường tăng nên giá cà phê nội địa của Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ.

Yếu kém từ vườn tới thị trường

Trước tình cảnh giá cà phê lao dốc liên tục đã bộc lộ rõ những yếu kém cốt tử của ngành cà phê Việt Nam.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, những năm gần đây, ngành cà phê chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, năm 2016, hạn hán kéo dài khiến sản lượng cà phê thu hoạch sụt giảm nặng nề. Giới chuyên gia nhận định, đây là năm ngành cà phê chịu cảnh hạn hán gay gắt nhất trong vòng 30 năm qua.

Trong khi đó, lượng cà phê già cần phải tái canh trong 5 năm tới lên đến 160.000ha, nhưng tiến độ tái canh tại các tỉnh Tây Nguyên diễn ra lại vô cùng chậm chạp.

Việt Nam đang đẩy mạnh tái canh cà phê nhưng nông dân lại khó tiếp cận nguồn vốn. Ảnh minh họa

Việc tiếp cận vốn không thuận lợi của các nông hộ sản xuất cà phê cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động đến sự phát triển của ngành này.

Theo phản ảnh của nhiều nông hộ ở Lâm Đồng, dù Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi ngành cà phê trong việc vay vốn, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn không hề đơn giản, cái khó vẫn nằm ở điều kiện vay.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam Lương Văn Tự chỉ ra, cà phê Việt đang bị giới hạn bởi diện tích đất đai, thổ nhưỡng.

Bên cạnh đó, cà phê cũng đang bị các cây khác cạnh tranh, đặc biệt là khi Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho người nông dân, nhiều người trồng cà phê phá bỏ diện tích trồng cà phê chỉ vì những món lợi trước mắt... đã kéo giảm sự phát triển của ngành này.

“So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê đã sụt giảm đến 22% về lượng” - ông Tự cho biết và mong muốn, để đảm bảo sản lượng xuất khẩu, cần giữ cho được diện tích 650.000ha trồng cà phê, từ đó tìm giải pháp nâng được giá trị xuất khẩu hướng đến mục tiêu 6 tỉ USD trong vòng 15 năm tới.

Cà phê Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu trong bối cảnh hội nhập

Đưa ra giải pháp cho phát triển cà phê bền vững đủ sức cạnh tranh, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, thời gian tới, cần nghiên cứu các loại giống cà phê chịu hạn có năng suất cao, thay đổi biện pháp canh tác, hướng canh tác là đa dạng sinh học.

Đặc biệt, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để đảm bảo dưỡng chất cho đất, ứng dụng giống mới để thực hiện tái canh cà phê, áp dụng tưới nước nhỏ giọt và sử dụng hồ tích nước…

Đối với vấn đề thương hiệu, cà phê Việt Nam một trong những ngành hàng xây dựng thương hiệu từ rất sớm nhất. Nhưng trên thực tế, sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam so với thế giới còn hạn chế.

“Cà phê Việt Nam đứng đầu về sản lượng nhưng vẫn bị tình trạng DN ngoại lợi dụng để thay đổi bao bì khác trong khi ruột là cà phê Việt Nam. Thực trạng này đòi hỏi cà phê Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu trong bối cảnh hội nhập” – ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN nhận định.

Nguyên Bình