dd/mm/yyyy

Cà Mau: Nể phục “gã khùng” trồng thanh long... theo kiểu lạ đời!

Khi biết ông Phương có ý tưởng trồng thanh long gửi trên cây mắm ở vùng ngập mặn, nhiều người cho rằng ông “khùng” vì ý tưởng lạ đời nhưng kết quả đem lại khiến nhiều người phải nể phục.

Ông Mai Lam Phương nói về mô hình thanh long độc, lạ của mình

Ông Mai Lam Phương (54 tuổi; ngụ ấp Ngọc Tuấn, thi trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho biết sau khi tốt nghiệp đại học, ông rong ruổi lập nghiệp ở Sài Gòn hơn 10 năm. Tuy luôn lao động quần quật để có thể bám trụ với mảnh đất Sài thành hoa lệ nhưng kết quả không như mong muốn.

Đất không phụ người

Năm 2001, ông Phương ngậm ngùi trở về quê canh tác 1 ha đất nuôi tôm của gia đình. Song, tôm nuôi chỉ đem lại hiệu quả khá ở thời gian đầu, còn sau đó tôm chết liên tục khiến kinh tế gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn.

CLIP: Gặp “gã khùng” ở Cà Mau với mô hình trồng thanh long... không giống ai! - Ảnh 2.

CLIP: Gặp “gã khùng” ở Cà Mau với mô hình trồng thanh long... không giống ai! - Ảnh 3.

CLIP: Gặp “gã khùng” ở Cà Mau với mô hình trồng thanh long... không giống ai! - Ảnh 4.

Thanh long trồng gửi trên cây mắm ở vùng ngập mặn

Với ý tinh thần không đầu hàng trước số phận, ông Phương đã mạnh dạn cải tạo mảnh vườn, bờ vuông tôm để trồng khoai lang, mãng cầu, nuôi rắn, nuôi gà… nhưng lại thất bại do gặp khó trong đầu ra.

Đến năm 2009, trong một lần đi trên đường, ông phát hiện giống thanh long nguồn gốc địa phương có khả năng chịu mặn và sức sống mãnh liệt. Lúc này, ông xin về và trồng hơn 400 gốc thanh long cho leo lên tất cả các cây tạp như: cây mắm, cây trâm bầu, cây tra... quanh bờ vuông.

Vụ trái đầu, dù thanh long cho năng suất thấp nhưng lão nông Lam Phương vẫn kiên trì chăm sóc. Đất không phụ người, sau đó năng suất thanh long tăng dần và sản lượng đạt hàng tấn/năm.

"Lúc đầu, tôi chỉ đem thanh long ra chợ bán lẻ… do không phải vận chuyển xa nên chất lượng đảm bảo cộng với việc thanh long trồng trên cây mắm có độ giòn, ngọt và đặc biệt có mùi hương nhẹ giống mùi hương nhãn nên bán rất chạy", ông Phương chia sẻ.

CLIP: Gặp “gã khùng” ở Cà Mau với mô hình trồng thanh long... không giống ai! - Ảnh 5.

CLIP: Gặp “gã khùng” ở Cà Mau với mô hình trồng thanh long... không giống ai! - Ảnh 6.

Ông Phương tỉa nhánh cây mắm và kiểm tra độ phát triển của rễ thanh long

Khi thanh long của gia đình ông Phương được người tiêu dùng biết đến, nhiều thương lái đã tìm đến thu mua với giá từ 7.000 – 20.000 đồng/kg. Sau đó, ông Phương làm các thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ với thương hiệu "Mai Gia".

Không lâu sau, lượng lớn cây trâm bầu, cây tra… bị chết do mất sức khiến cho thanh long của gia đình ông Phương bị hư hỏng nặng vì mất "trụ". Trong đó, riêng cây mắm dù cũng bị thanh long sống gửi nhưng vẫn phát triển xanh tốt.

Theo giải thích của ông Phương, cây mắm ngoài lớp vỏ thì trong thân còn có nhiều lớp vân, lõi vậy nên khi rễ thanh long hút chất dinh dưỡng từ cây mắm dẫn đến lớp vỏ cây này bị hư thì các lớp vân lõi bên trong vẫn có thể cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi thanh long.

Sau đó, ông Phương đem một số dây thanh long đã ra rễ buộc vào cây mắm mọc giữa vuông tôm để trồng thử nghiệm.

"Khi hay tôi có ý tưởng trên, nhiều hàng xóm khuyên nên từ bỏ, đặc biệt có người còn nói tôi "gã khùng" vì làm chuyện lạ đời. Tôi không buồn và bỏ ngoài tai những lời dị nghị do chẳng ai giúp mình ngoài bản thân nhưng tôi cảm thấy rất vui và có thêm động lực khi vợ con đồng hành và ủng hộ", ông Phương nói.

Phần thưởng xứng đáng

Kết quả thử nghiệm đạt được ngoài mong đợi, thanh long không những phát triển tốt trên cây mắm ở vùng ngập mặn mà còn cho trái với mùi vị rất riêng. Sau khi cây mắm trong vuông tôm được 2 năm tuổi, ông Phương tiến hành trồng gửi 1.000 gốc thanh long. Đến nay, thanh long phát triển xanh tốt và dự kiến vào năm 2021 sẽ cho trái.

CLIP: Gặp “gã khùng” ở Cà Mau với mô hình trồng thanh long... không giống ai! - Ảnh 7.

Ông Phương đánh bóng muỗng được làm từ nhánh cây mắm

"Lúc trồng thí nghiệm, tôi buộc nhánh thanh long đã ra rễ vào cây mắm nhưng thanh long vẫn sống tốt và cho trái. Để giảm hao hụt, khi trồng 1.000 gốc thanh long sau tôi để thêm dưới gốc một chậu đất nhỏ để cung cấp chất dinh dưỡng nuôi dây thanh long khi bộ rễ còn yếu. Rễ thanh long bám vào cây mắm được từ 3-6 tháng dù nước mặn có ngập đến gốc trong 5-6 ngày thanh long vẫn có thể phát triển bình thường", ông Phương chia sẻ

Theo lời ông Phương, trồng thanh long gửi trên cây mắm chỉ cực vào mùa mưa vì lúc này phải tốn nhiều thời gian cho việc tỉa cành, nhánh cây mắm nhằm giúp thanh long hấp thụ ánh sáng tốt để cho năng suất cao. Riêng mùa hạn thì ở không vì lúc này cần giữ cành, nhánh cây mắm để bảo vệ độ ẩm cho thanh long.

CLIP: Gặp “gã khùng” ở Cà Mau với mô hình trồng thanh long... không giống ai! - Ảnh 8.

Bộ sưu tập muỗng, đũa, thìa bằng cây mắm và ống hút làm từ dây thanh long

Trong quá trình lao động, ông Phương nảy sinh ra suy nghĩ dùng nhánh, cành cây mắm để làm muỗng, đũa, thìa… còn dây thanh long thì tạo ống hút thân thiện với môi trường. Đến nay, các ý tưởng của ông Phương đã đi vào thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả nhưng đây chỉ là giai đoạn nghiên cứu thị trường nên số lượng còn hạn chế.

Thời gian tới, ngoài trồng thanh long, nuôi tôm và cua, ông Phương còn nuôi thêm ốc len, vọp trên phần đất của gia đình. Khi tạo được hệ sinh thái đa dạng, ông Phương sẽ hướng đến phát triển du lịch.

Vừa qua, ông Mai Lam Phương cùng con trai là em Mai Trúc Lâm đã đạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2019 với dự án "Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn".

"Thông qua dự án, tôi ấp ủ mong muốn sẽ tạo được việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân sinh sống ở vùng đất nhiễm mặn. Khi kinh tế ổn định, người dân sẽ không đánh bắt thủy sản non thì sẽ bảo vệ được nguồn lợi này, tăng diện tích rừng trong tự nhiên, khả năng dự trữ nguồn nước ngầm…", ông Phương nói về ý nghĩa dự án.

Đồng thời, dự án trên còn lọt vào vòng 2 một cuộc thi diễn ra tại Cannada.

Vân Du