dd/mm/yyyy

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ninh Bình như một "Hạ Long" thu nhỏ, ai đến cũng ngưỡng mộ

Làm việc với tỉnh Ninh Bình ngày 31/1, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tỉnh cần phát triển một nền nông nghiệp đặc hữu, an toàn, phục vụ tiềm năng, lợi thế du lịch.

Vùng ven biển là động lực tăng trưởng

Kiểm tra thực địa tại tuyến đê biển Bình Minh 3 (huyện Kinh Sơn), đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo tổng thể về phát triển kinh tế vùng ven biển và công tác bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao địa phương đã triển khai đầu tư một số công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống đê biển Bình Minh.

Ninh Bình tận dụng lợi thế phát triển nông nghiệp đặc hữu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra thực địa tại tuyến đê biển Bình Minh 3 (huyện Kinh Sơn, Ninh Bình). Ảnh: M.N

"Ninh Bình cần quy hoạch lại nuôi trồng thủy hải sản mặn - lợ ven sông đối với huyện Kim Sơn; tập trung nghiên cứu giống, quy trình nuôi trồng đối với các đối tượng nuôi trồng. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng, bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Tiếp đó, đoàn công tác đã đến thăm mô hình nuôi hàu, ngao giống và tôm của gia đình ông Lê Ngọc Quyết (xã Kim Trung, huyện Kim Sơn). 

Ông Quyết cho biết, diện tích nuôi hàu, ngao giống và tôm của gia đình 7ha, bình quân lợi nhuận 1 tỷ đồng/ha/năm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương mô hình của gia đình ông Quyết, mạnh dạn đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NNPTNT, ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, với lợi thế là địa phương có biển, Ninh Bình tiếp tục xác định thủy sản là ngành mũi nhọn. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển theo hai trục nước ngọt và mặn lợ, nuôi trồng và khai thác.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, giá trị sản xuất năm 2019 đạt 8.626 tỷ đồng, năm 2020 ước đạt 8.857 tỷ đồng; đến nay tỉnh đã có 100/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 86,2%; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 thành phố và 3 huyện đạt chuẩn NTM.

Năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 14.000ha (tăng 2.900ha so với năm 2015), trong đó nước ngọt là 10.500ha, mặn lợ khoảng 3.500ha, còn dư địa để tiếp tục mở rộng. Sản lượng thủy sản ước đạt 60.700 tấn, giá trị ước đạt 1.694 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với nuôi thủy sản mặn lợ, tỉnh đã ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, siêu thâm canh các đối tượng có lợi thế, có thị trường như tôm, cua xanh, ngao, cá chẽm… doanh thu 8 - 10 tỷ đồng/ha.

"Tỉnh có chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, khai thác, sử dụng có hiệu quả trên 7.000ha vùng đất ven biển huyện Kim Sơn" - ông Ngọc cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tổng Cục thủy sản cùng với Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường phối hợp với địa phương khôi phục, cải tạo lại nguồn giống các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Xây dựng nền nông nghiệp đặc hữu

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Ninh Bình là địa phương có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế đa chiều. Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, thế mạnh về văn hóa, du lịch…

"Địa phương cần xác định rõ để xây dựng nền nông nghiệp dựa trên những lợi thế sẵn có để xây dựng nền nông nghiệp đặc hữu phục vụ du lịch, xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, thông minh, thuận thiên và phù hợp với khoa học công nghệ và tập quán văn hóa cổ truyền" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Đối với xây dựng NTM, Bộ trưởng Cường yêu cầu, tỉnh Ninh Bình cần xây dựng vùng nông thôn đậm đà bản sắc. Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng: "Ninh Bình là tỉnh có đầy đủ biển, rừng, đồi núi… có cảnh quan rất đẹp - được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ, bởi vậy cần xây dựng khu vực NTM mà ai đến cũng ngưỡng mộ".

Trong lĩnh vực trồng trọt, việc tái cơ cấu được đẩy mạnh theo hướng chuyển dịch sang giá trị gia tăng, chuyển đổi các diện tích đất lúa, đất gò đồi kém hiệu quả sang các loại hình sản xuất nông nghiệp có giá trị cao.

Cụ thể thời gian qua, toàn tỉnh chuyển đổi khoảng 6.000ha, chủ yếu là vùng ruộng trũng thuộc các huyện Nho Quan và Gia Viễn, Yên Mô sang thủy sản, rau màu, cây ăn quả… Trong đó, nhiều mô hình mang lại giá trị cao, từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 3 - 10 lần trồng lúa.

UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, sản xuất lúa hiện nay đang cho giá trị thấp nhất so với các sản phẩm khác, khiến người dân không mặn mà. Trong khi đó, việc chuyển đổi đất lúa vẫn gặp nhiều khó khăn do các quy định về giữ đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Do đó, UBND tỉnh đề nghị cần rà soát quỹ đất trồng lúa toàn quốc, đất sản xuất lúa hàng năm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu, qua đó phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố để chỉ đạo sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các vùng trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực.


Minh Ngọc