Những chuồng lợn trống trơn sau khi lợn cấp khu tái định cư Hủa Na bị chết
Mỗi lần đến khu tái định cư (TĐC) thủy điện Hủa Na chúng tôi tự hỏi, không biết đến bao giờ đồng bào nơi đây mới ổn định cuộc sống? Gà cấp xong là chết hết, đa phần không được cấp lại vì hết hạn "bảo hành". Mà gà cấp còn lây bệnh ra cả gà nhà của dân bản, nhiều nhà chết sạch chuồng. Nhiều hộ nói tại cái chuồng, phá chuồng cũ, làm chuồng mới, bỏ tiền túi ra chợ mua gà về nuôi nhưng cũng không được.
Bò, lợn, gà... đều chết
Năm 2012, để xây dựng Nhà máy thủy điện Hủa Na, 1.362 hộ dân đã phải di dời về TĐC tại các xã Tiền Phong, Thông Thụ, Đồng Văn (Quế Phong). Thế nhưng, sau 5 năm di dời về nơi ở mới, khi những đồng tiền đền bù đã nướng vào những cuộc rượu và mua sắm xa xỉ thì cái đói đã hiện hữu trước mắt.
Thực hiện việc hỗ trợ người dân TĐC, từ giữa năm 2016, chủ đầu tư là Cty Thủy điện Hủa Na đã cấp cho mỗi hộ 1 con bò, 40 con vịt, 40 con gà. Xung quanh câu chuyện hỗ trợ vật nuôi cũng có nhiều chuyện phải bàn. Đồng bào phản ánh bò không đủ trọng lượng, không đảm bảo chất lượng; thời điểm cấp gặp rét, lại là vật nuôi từ nơi khác đem về nên không thích nghi với điều kiện khí hậu miền núi. Vì thế, không bao lâu sau khi cấp, đàn vật nuôi chết mòn chết mỏi. Còn chính quyền địa phương lại cho rằng, một phần nguyên nhân là do người dân chăm sóc không không đúng kỹ thuật... dù đã có nhiều cuộc tập huấn chăn nuôi đã được tổ chức.
Ông Hà Văn Khoa, trưởng bản Na Lướm, xã Thông Thụ cho rằng, việc nhà cung ứng đưa đàn vật nuôi từ dưới xuôi lên cấp cho người dân nuôi là không phù hợp. Trong khi đồng bào ở đây đã quen với tập quán chăn nuôi thả rông, vật nuôi không chịu được khí hậu miền núi nên hao hụt là điều dễ hiểu.
Công trình nước dự trữ xuống cấp không thể sử dụng
“Cấp gà chân vàng, to (giống gà công nghiệp - PV) thì dân bản không nuôi được rồi! Cấp thời gian gần tết, rét quá, hắn chỉ sống được có 1/3 thôi, còn nữa chết hết. Mà cũng chỉ có 1/3 số chết còn trong thời gian "bảo hành" được cấp lại. Số còn lại thì dân bản coi như mất trắng. Bò miền xuôi lên đây, hắn không biết leo núi tìm cỏ ăn như bò bản địa được mà chỉ biết quanh quẩn men theo đường nhựa rồi về chuồng. Vì thế, cả bản có 4/25 con bị chết”, ông Khoa cho hay.
Còn tại bản Huôi Dừa, tình hình còn tệ hại hơn. Không chỉ đàn vật nuôi được cấp lăn đùng ra chết mỗi ngày mà gà vịt của dân bản cũng bị lây bệnh.
Ông Lang Văn Thảo, trưởng bản Huôi Dừa ngán ngẩm: “Gà cấp xong là chết hết, đa phần không được cấp lại vì hết hạn "bảo hành". Mà gà cấp còn lây bệnh ra cả gà nhà của dân bản, nhiều nhà chết sạch chuồng. Nhiều hộ nói tại cái chuồng, phá chuồng cũ, làm chuồng mới, bỏ tiền túi ra chợ mua gà về nuôi nhưng cũng không được. Mất của nhưng không biết kêu ai. Bò thì có 3/13 con được cấp bị chết, nhiều hộ nay không còn con bò nào trong chuồng nữa. Đồng bào chán nản không muốn chăn nuôi con gì nữa”.
Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi & Thú y huyện Quế Phong, chủ đầu tư đã cấp cho người dân TĐC 1.192 con bê; 1.744 con lợn, cấp bù thêm 360 con; trên 19.000 con gia cầm. Riêng bê có 329 con ngoại tỉnh chuyển về. Tất cả đều được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin và nuôi tân đáo đúng quy định.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quế Phong thừa nhận, ngoài việc người dân chăm sóc không đúng kỹ thuật thì nhiều điểm bất hợp lý trong việc cấp vật nuôi cũng khiến cho tỷ lệ chết cao.
“Cấp cho đồng bào, nếu không phải là vật nuôi bản địa thì nên cấp vào thời gian từ tháng 4, tháng 5, lúc tiết trời nắng ấm. Tuy nhiên, phía nhà đầu tư cho biết phải đến dịp cuối năm 2016 họ mới giải ngân được. Thời điểm này trời rét, nguồn thức ăn khan hiếm, đồng bào lại không có thói quen dự trữ thức ăn, đàn gia súc gia cầm chết chủ yếu từ những nguyên nhân đó”, ông Cường giải thích.
Hạ tầng ngổn ngang, xuống cấp
Hỗ trợ vật nuôi đã thế, cơ sở hạ tầng tại các điểm TĐC cũng nhanh chóng xuống cấp sau khi bàn giao. Nhiều bể nước bị rạn nứt không chứa được nước; đường ống dẫn nước bị tắc, hỏng nên công trình bể dự trữ nước, nhà tắm công cộng có mà như không. Hầu hết các công trình nước sạch khô rang, dân bản phải tự đi tìm nước cách nơi ở vài ba cây số về dùng.
Trong khi đó, việc cấp ruộng trồng lúa nước còn chậm, nhiều nơi đến thời điểm này đồng bào vẫn chưa có ruộng canh tác. Đất rừng theo Nghị định 163 đã được giao với mục đích khoanh nuôi bảo vệ nhưng nhiều hộ thiếu đói phải phát rừng trồng rẫy, có hộ khai hoang ruộng nước. Thế nhưng, diện tích chẳng đáng là bao, năng suất thấp, vụ mùa vừa rồi lúa lại bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nên cái đói hiện ra trước mắt. Dân bản hoang mang, không biết bấu víu vào đâu.
Giếng đào bị sụt lún chỉ sau ít năm sử dụng
Nhà ông Lang Văn Thắng ở bản Huôi Dừa có 6 miệng ăn. Ngoài gạo hỗ trợ, hàng ngày, nguồn thức ăn chính của gia đình đều do 2 lao động chính vào rừng hái măng, chặt củi đem đi bán. Nhưng nguồn lâm sản phụ khai thác mãi cũng cạn kiệt. Giữa năm nay gạo hỗ trợ kết thúc cũng là lúc ông vừa khai hoang được 44a ruộng (100m2 = a). Nhưng số ruộng này sắp phải chia cho các hộ dân TĐC khác. Cái ăn đang trở thành nỗi lo lớn của gia đình.
“Nếu không phải chia ruộng cho hộ khác thì gia đình ta cũng đủ ăn. Chia rồi thì 6 nhân khẩu chỉ được có 12a thôi. Ruộng khai hoang toàn sỏi, cuội, không giữ được con nước, lúa ít hạt, không biết lấy gì mà ăn cho đủ?!”, ông Thắng thở dài.
Điều ngược đời là nhiều hộ TĐC lại cảm thấy may mắn khi đất rừng được cấp là đồi núi trọc hoặc nghèo kiệt. Vì chỉ có như thế họ mới dám phát sẻ trồng lúa rẫy kiếm cái ăn qua ngày. Còn nếu được cấp đất rừng đang còn cây, hễ phát rẫy sẽ bị chính quyền địa phương và kiểm lâm ngăn chặn và xử phạt. Nói là thế nhưng thi thoảng, lực lượng chức năng vẫn phát hiện những vụ phát rừng làm rẫy với quy mô nhỏ lẻ, có xử phạt đồng bào cũng chẳng lấy đâu ra tiền nộp đành chỉ phải nhắc nhở lấy lệ.
Những gùi lúa cuối cùng trong nhà ông Lương Ngọc Tân
Ở các điểm TĐC, ít gia đình có được may mắn như ông Lương Ngọc Tân khi đất rừng được cấp là rừng nghèo kiệt có thể trồng được lúa rẫy. Nhưng khi gạo hỗ trợ hết ông cũng đang canh cánh nỗi lo. Chỉ tay vào những gùi lúa chưa chuốt nằm trên sàn, ông Tân phân trần: “Hơn 1ha rừng ta phải đi mua 30kg giống về gieo cũng chỉ được chừng này lúa. Hết gạo cứu trợ rồi, chừng này không đủ cho 3 người ăn đến giữa năm sau đâu. Cuối năm sau ta mới thu hoạch lúa mới nên dành dụm từng hạt một. Con lợn, con bê được cấp thì hắn không chịu lớn, nuôi chừng nào cũng chỉ bé tí teo. Chắc là chết đói mất thôi”.
Tại các xã Đồng Văn, Tiền Phong, cái đói cũng đang cận kề. Theo thống kê của Trạm Trồng trọt & BVTV huyện Quế Phong, năm 2017 bệnh lùn sọc đen đã phát sinh, gây hại trên 2131,19/2.252ha lúa mùa. Trong đó nhiễm nhẹ 47,3ha, nhiễm trung bình 78,5ha, nhiễm nặng 2005,39ha, thiệt hại 30 - 70% là 480,41ha và thiệt hại trên 70% là 1424,08ha. Riêng 3 xã TĐC thủy điện Hủa Na là Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong có 451ha bị lùn sọc đen gần như mất trắng. Cuộc sống dân bản đang đối mặt những tháng ngày khó khăn ở phía trước.